Những ‘nút thắt’ cần tháo gỡ để ngăn buôn lậu tại điểm nóng Ninh Hiệp

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị sơ kết Ban chỉ đạo 389 thành phố. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Liên tục có các hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng song tình hình buôn lậu và gian lận thương mại tại chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) vẫn diễn ra phức tạp và gây nhức nhối dư luận.

Đây cũng là một trọng những nội dung được nêu ra tại Hội nghị sơ kết công tác Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tổ chức ngày 10/7.

Buôn lậu phức tạp, tinh vi

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm, tại chợ Ninh Hiệp có hơn 2.000 hộ kinh doanh, 4 Trung tâm thương mại lớn và rất nhiều kho để trung chuyển hàng hóa.

Lượng hàng hóa tại chợ cũng rất đa dạng và phong phú. Không chỉ thuần kinh doanh vải vóc như trước đây mà còn rất nhiều loại hàng hóa tiêu dùng khác.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm cho biết, tại chợ Ninh Hiệp có rất nhiều hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài chuyển về sau đó luân chuyển đi khắp cả nước.

Trong chợ Ninh Hiệp, ngoài vải vóc, hiện có nhiều loại hàng hóa khác như đồng hồ, túi xách… và tới 90% có xuất xứ từ nước ngoài. Chưa kể tại chợ còn có cả thuốc Nam, thuốc Bắc.

Đáng chú ý, thuốc Nam, thuốc Bắc không phải là sản phẩm của Ninh Hiệp, mà chủ yếu được sơ chế sau đó đưa đi tiêu thụ với khoảng 5.000 sản phẩm các loại.

“Chỉ riêng sản phẩm này, trung bình hàng ngày có khoảng 50 container chuyên chở các loại lá, củ, quả đưa về chợ này để chế thuốc Nam, thuốc Bắc sau đó đưa đi tiêu thụ,” lãnh đạo huyện Gia Lâm cho hay.

Nói về vấn nạn buôn lậu và gian lận thương mại tại đây, ông Nguyễn Ngọc Thuần thừa nhận, “tình trạng này diễn ra rất phức tạp với lượng hàng hóa lớn và đa dạng, trong khi phương thức thủ đoạn để làm hàng giả, trốn thuế lại vô cùng tinh vi.”

Mới đây nhất, ngày 4/7, Đội Quản lý thị trường số 14 của Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ gần 3.000 sản phẩm các loại, gồm đồng hồ, kính mắt, quần áo... làm giả các thương hiệu nổi tiếng tại Ninh Hiệp.

Còn trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng của huyện Gia Lâm đã xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng, chủ yếu là các hành vi trốn lậu thuế, sử dụng hóa đơn chứng từ giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc…

- Kết quả kiểm tra, xử lý trong 6 tháng của lực lượng 389 Hà Nội:

Cần sự phối hợp đồng bộ

Mặc dù việc kiểm tra và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật đã được các cơ quan chức năng triển khai, thực hiện liên tục, song với những phương thức thủ đoạn mới thì rất cần những giải pháp hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, về phía huyện Gia Lâm đã chủ động nắm chắc công tác điều tra cơ bản đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn để có thể phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, huyện đã triển khai việc ký cam kết với trên 4.000 hộ kinh doanh, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm và rà soát định kỳ để từ đó lên kế hoạch đấu tranh với các hành vi vi phạm.

Tuy vậy, với lượng hàng hóa lưu thông rất lớn lại nằm gần các tuyến đường nối với nhiều tỉnh biên giới, do vậy theo ông Thuần, cần có sự phối hợp và trao đổi thông tin từ Trung ương đến địa phương để đấu tranh một cách hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật.

“Cần tiếp tục điều tra cơ bản để nắm rõ các phương thức, thủ đoạn mới, cũng như phát huy vai trò của người dân trong việc tố giác các hành vi sai phạm,” lãnh đạo huyện Gia Lâm kiến nghị thêm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng thành phố sớm báo cáo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để chỉ đạo các lực lượng liên quan cùng phối hợp với Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và xử lý có hiệu quả các điểm nóng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội sẽ sớm tổ chức hội nghị với một số địa phương, bao gồm một số tỉnh biên giới để cùng chia sẻ và xây dựng sự phối hợp chung trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại một cách hiệu quả nhất./.

Đức Duy (Vietnam+)