‘Tối thiểu 2 năm nữa mới sản xuất được vắcxin chống tả lợn châu Phi’

Các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thu thập các mẫu virus gây bệnh để nghiên cứu. (Ảnh: Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Hiện thế giới vẫn chưa có vắcxin phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi, trong khi dịch tả này đã và đang khiến nhiều đơn vị chăn nuôi của Việt Nam điêu đứng. Vì thế, thông tin Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã bước đầu sản xuất được vắcxin vô hoạt, thí nghiệm cho kết quả khả quan việc phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi, được người dân đặc biệt quan tâm.

Để làm rõ hơn về kết quả nghiên cứu này và hướng nghiên cứu tiếp theo của Học viện, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn phó giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú Y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thưa Phó giáo sư, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về quá trình nghiên cứu và kết quả của Học viện đối với vắcxin chống dịch tả lợn châu Phi?

Phó giáo sư Nguyễn Bá Hiên: Cho đến thời điểm hiện tại, thế giới cũng chưa sản xuất được vắcxin dịch tả lợn châu Phi thương mại trong khi thiệt hại do dịch bệnh này là rất lớn.

Ở Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, dịch đã xuất hiện ở 61 tỉnh thành, làm tiêu hủy 2,8 triệu con lợn, chiếm khoảng 10% tổng đàn. Đây là một thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi lợn nước ta.

Vì thế, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Chống dịch như chống giặc”, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Các nhà nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khẩn trương vào cuộc. Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã liên tục thu thập, sàng lọc các mẫu bệnh phẩm từ các ổ dịch gửi về. Học viện cũng là nơi đầu tiên xác định được dịch tả lợn châu Phi là tác nhân gây bệnh trên đàn lợn tại nước ta.

‘Toi thieu 2 nam nua moi san xuat duoc vacxin chong ta lon chau Phi’ hinh anh 1Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Học viện đã phân lập và sàng lọc, lựa chọn những chủng virus gây bệnh từ thực địa để bước đầu nghiên cứu sản xuất vắcxin phòng bệnh. Hiện tại, các nhà khoa học khoa Thú y của Học viện (do phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Phan làm trưởng nhóm) đã nghiên cứu, sản xuất được một số mẫu vắcxin vô hoạt từ chủng virus DTL châu Phi phân lập từ thực địa, bước đầu thử nghiệm trên lợn tại quy mô thí nghiệm cho kết quả khả quan.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của Học viện có gặp những khó khăn, thuận lợi nào, thưa ông?

Phó giáo sư Nguyễn Bá Hiên: Chúng tôi có khá nhiều thuận lợi.

Thứ nhất là có đội ngũ các nhà khoa học nhiệt tình, năng nổ, được đào tạo bài bản, có hiểu biết, có kinh nghiệm trong sản xuất KIT chẩn đoán nhanh và sản xuất vắcxin.

Ví dụ, trong đợt dịch bệnh tai xanh, chúng tôi cũng đã nghiên cứu sản xuất thành công KIT chẩn đoán nhanh dịch bệnh, nghiên cứu sản xuất thành công vắcxin vô hoạt phòng bệnh tai xanh. Vắcxin này đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm quy mô công nghiệp.

Hai là, Học viện có các mối quan hệ, hợp tác quốc tế mạnh, được cộng đồng các nhà khoa học quốc tế giúp đỡ.

Ba là, Học viện có một phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học với trang thiết bị hiện đại, đủ để có thể nghiên cứu những vấn đề khá sâu về sinh học phân tử, virus học và sản xuất vắcxin.

Bên cạnh đó còn có sự chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo Học viện, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ… trong công tác nghiên cứu vắcxin phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

‘Toi thieu 2 nam nua moi san xuat duoc vacxin chong ta lon chau Phi’ hinh anh 2Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Phan, Trưởng nhóm nghiên cứu vắcxin phòng chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Chúng tôi cũng gặp khó khăn khi chưa có phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III để tiến hành những thử nghiệm quan trọng khi nghiên cứu về vi sinh vật. Nguồn kinh phí chưa được cung cấp kịp thời để tiến hành những thí nghiệm khi cần thiết.

Mặt khác, dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và bùng phát rất nhanh, lây lan trên diện rộng. Chúng ta chưa có kinh nghiệm về bệnh này, thế giới cũng chưa có vắcxin để phòng bệnh cho lợn. Do vậy, việc nghiên cứu rất khó khăn.

Với kết quả nghiên cứu khả quan hiện tại, Học viện có dự định, định hướng như thế nào cho các bước nghiên cứu tiếp theo, thưa ông?

Phó giáo sư Nguyễn Bá Hiên: Để tiến hành những nghiên cứu nhằm khống chế dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi đang triển khai nhiều hướng nghiên cứu khác nhau và khá toàn diện.

Riêng việc bước đầu tạo ra được mẫu vắcxin vô hoạt đầu tiên có kết quả khả quan, chúng tôi sẽ tiếp tục có những nghiên cứu cần thiết khác với mục tiêu sản xuất được thành công vắcxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

<
‘Toi thieu 2 nam nua moi san xuat duoc vacxin chong ta lon chau Phi’ hinh anh 3Các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang tích cực nghiên cứu vắcxin chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Sản xuất được vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang là mong đợi của hàng triệu người dân. Theo ông, từ kết quả nghiên cứu khả quan của Học viện đến việc đưa vắcxin vào thực tế cần những bước nào nữa, trong khoảng thời gian bao lâu? Học viện có kế hoạch gì trong việc đưa vắcxin vào thực tế?

Phó giáo sư Nguyễn Bá Hiên: Đúng là việc nghiên cứu thành công vắcxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là mong đợi của cả đất nước Việt Nam. Điều này trước hết là khống chế được thiệt hại do bệnh, sau đó đánh giá được bước tiến nổi trội về khoa học trong lĩnh vực sinh học.

Nhưng cũng cần xác định rõ đây là đề tài rất khó, cần quá trình nghiên cứu bài bản, công phu và lâu dài.

Mấu chốt của việc sản xuất thương mại loại vắcxin này là việc tìm ra được loại môi trường sinh học phù hợp để virus có thể thích ứng, nhân lên được. Nhân được virus lên với số lượng nhiều thì mới có thể sản xuất được vắcxin ở quy mô lớn. Đây là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa tìm ra được loại môi trường này.

Khi có được môi trường nuôi thích hợp, chúng ta có hy vọng sản xuất thành công vắcxin thương mại.

Tuy nhiên, từ khi có tế bào nuôi virus thích hợp đến khi sản xuất thành công vắcxin phải mất ít nhất hai năm nghiên cứu và thí nghiệm. Dự trù thời gian như vậy, tôi nghĩ cũng đã quá lạc quan, bởi vì gần đây tôi có nhận được thông tin công bố từ Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 22/5/2019. Bộ này đảm bảo cung cấp đầy đủ cho việc nghiên cứu về dịch tả lợn châu Phi nhưng để có một vắcxin có hiệu lực cho dịch tả lợn châu Phi sớm nhất họ cũng mất 8 năm nữa và phải mất nhiều năm để trả lời những câu hỏi chính về cách thức lây lan của virus này.

Xin cảm ơn Phó giáo sư!./.