Giải thưởng Bùi Xuân Phái: Vinh danh ý tưởng làm sạch sông Tô Lịch

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội cho phó giáo sư-tiến sỹ-nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ. (Ảnh: BTC)

Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 (năm 2019) đã diễn ra trang trọng chiều 27/8 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 tiếp tục là một mùa giải bội thu với những đề cử “nặng ký,” tôn vinh những tác giả tận tâm và những tác phẩm, việc làm, ý tưởng tận hiến vì sự phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ông Nguyễn Đức Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khẳng định, qua các năm, chất lượng giải thưởng có những bước tiến rõ rệt. Các đề cử đã bao quát được tất cả các lĩnh vực đời sống, văn hóa, xã hội; từ đó cho thấy bức tranh đa sắc về Thủ đô Hà Nội với những giá trị truyền thống và yếu tố hiện đại, tích cực đổi mới và chủ động hội nhập.

Tôn vinh nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ

Từ hơn 30 hồ sơ đề cử, trải qua hai vòng thẩm định, hội đồng giám khảo đã có sự đồng thuận cao trong việc đưa 10 tác giả, tác phẩm, ý tưởng và việc làm vào danh sách đề cử chính thức, từ đó quyết định trao năm giải thưởng ở bốn hạng mục.

Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội vinh danh phó giáo sư-tiến sỹ-nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ. Với nhiều công trình mẫu mực trong suốt bốn thập kỷ qua, ông đã có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu, dịch thuật về Hà Nội trên các phương diện: lịch sử, văn hóa, xã hội…

Các công trình nghiên cứu khoa học của phó giáo sư-tiến sỹ-nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ trải dài theo thời gian: “Thăng Long-Hà Nội thế kỷ  XVII, XVIII, XIX” (năm 1993), “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội” (năm 2010), “Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn” (năm 2011)…

Đặc biệt, công trình “Thăng Long-Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” được coi là một trong những cuốn sách công cụ quan trọng và hữu ích dành cho giới nghiên cứu (cả trong và ngoài nước) khi tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội thời kỳ trung đại.

“Vẻ hiện đại, văn minh của Hà Nội không chỉ thể hiện ở những khu đô thị sang trọng, những tòa nhà ‘chọc trời.’ Toàn cảnh khối thị dân đương đại của Hà Nội vẫn là một bức tranh đa sắc. Thời gian tới, chúng ta cần chăm lo nhiều hơn đến việc bồi đắp nhân cách, đạo đức con người, hướng đến sự phát triển bền vững,” nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ bày tỏ.

Sự đan xen của truyền thống và hiện đại

Ban tổ chức trao hai Giải Ý tưởng-Vì tình yêu Hà Nội, gồm: Quyết tâm “hồi sinh” sông Tô Lịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng người dân Hà Nội; Xây dựng đường đua xe công thức 1 và đăng cai tổ chức giải đua vào tháng 4/2020.

Giai thuong Bui Xuan Phai: Vinh danh y tuong lam sach song To Lich hinh anh 1Đoạn sông Tô lịch gần đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Hành trình hồi sinh sông Tô Lịch cho thấy sự quyết tâm của thành phố trong việc bảo một một chứng nhân của lịch Thủ đô và tạo cảnh quanh xanh, sạch, chấm dứt thực trạng ô nhiễm gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh khu vực này.

“Việc hồi sinh sông Tô Lịch là khát khao và cũng là một nhu cầu khẩn thiết, thực tế đang đặt ra với Hà Nội - nơi vẫn được coi là một thành phố của sông hồ. Tôi hy vọng, các cơ quan chức năng và cộng đồng sẽ kiên trì, nỗ lực theo đuổi ý tưởng này; để rồi, những con sông khác (như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Kim Ngưu) cũng sẽ được cải tạo và tìm lại sức sống như vốn có,” giáo sư-tiến sỹ-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính chia sẻ.

Việc vinh danh ý tưởng Xây dựng đường đua xe công thức 1 cho thấy, bên cạnh vẻ đẹp của những giá trị truyền thống, Hà Nội còn là một đô thị năng động, hiện đại, sáng tạo và chủ động hội nhập.

Việc xây dựng đường đua dài hơn 5,5km, các công trình phụ trợ và đăng cai tổ chức Giải đua công thức 1 (năm 2020) được coi là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đồng thời tiếp tục khẳng định Hà Nội là một điểm đến lý tưởng, an toàn cho du lịch và các sự kiện, lễ hội văn hóa, giải trí, thể thao quốc tế.

Cuốn sách “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” của Nguyễn Trương Quý được trao giải Tác phẩm-Vì tình yêu Hà Nội. Đây là một công trình khảo cứu độc đáo, công phu về lịch sử văn hóa Hà Nội, tập trung vào một lát cắt lịch sử của Thủ đô: quãng thời gian trước và sau năm 1954. Không có tham vọng lấp đầy những khoảng trống, Nguyễn Trương Quý chọn khảo sát một mảng hiện thực mà giới sử học thường ít chú ý tới: đời sống giải trí đô thị.

Giai thuong Bui Xuan Phai: Vinh danh y tuong lam sach song To Lich hinh anh 2

Tác giả đưa người đọc trở lại con đường của tân nhạc để khám phá “huyền thoại Hà Nội” (như lời tác giả). Huyền thoại ấy được dệt nên từ lời ca, tiếng nhạc của những tên tuổi gắn với một thời vàng son: Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Văn Cao, Hoàng Trọng, Hoàng Dương… Nói khác đi,tác giả đã tái dựng một phần đời sống của Hà Nội trong quá khứ, mang đến cho người đọc những hình dung rõ nét về mỹ cảm và thị hiếu của thị dân Hà Nội một thời.

Giải Việc làm-Vì tình yêu Hà Nội được trao cho Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội với những hoạt động có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhóm được thành lập từ tháng 9/2016, gồm hơn 3.000 thành viên (cả người Việt Nam và người nước ngoài) thuộc đủ mọi lứa tuổi và nghề nghiệp.

Nhóm thường tổ chức các chương trình đi thực tế, đến những địa điểm khác nhau của Hà Nội để vẽ ký họa theo các chủ đề. Cuối tháng Một vừa qua, nhóm đã biên soạn và ra mắt cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội: Ký họa và hồi ức.” Thông qua những nét vẽ, các tác giả muốn níu giữ ký ức về những tòa nhà cũ ắp đầy kỷ kiệm với nhiều thế hệ người dân Thủ đô.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, giải thưởng đã góp phần hình thành một cộng đồng những người yêu Hà Nội.

Giai thuong Bui Xuan Phai: Vinh danh y tuong lam sach song To Lich hinh anh 3Triển lãm thông tin, hình ảnh về các đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 diễn ra từ 27-30/8 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia. (Ảnh: TTXVN)

“Giải thưởng đã khơi dậy tinh thần sáng tạo cho các tập thể, cá nhân để cùng xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp hơn; phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Tôi hy vọng giải thưởng không ngừng được mở rộng để phát hiện, tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng đóng góp vào sự phát triển toàn diện của Hà Nội,” ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Giải thưởng “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội” được trao thường niên từ năm 2008. Đây là sáng kiến của báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa sỹ Bùi Xuân Phái nhằm tìm tòi, phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội./.

Cùng với lễ trao giải, triển lãm thông tin, hình ảnh về các đề cử của mùa giải năm nay cũng đã chính thức khai mạc chiều 27/8 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia.

Triển lãm giới thiệu tới công chúng bộ sách quý về Thắng Long-Hà Nội của phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thừa Hỷ cùng những cuốn sách được đề cử hạng mục Tác phẩm-Vì tình yêu Hà Nội: “Một thời Hà Nội hát” (Nguyễn Trương Quý), “Kim Liên một thuở” (Vũ Công Chiến) và “Hà Nội quán xá phố phường” (Uông Triều).

Đáng chú ý, khoảng 60 bức tranh của các thành viên Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội được trưng bày tại triển lãm, mang tới những góc nhìn đa dạng về nhịp sống yên bình, những đường nét kiến trúc cũ kỹ, thân thuộc, đầy hoài niệm của Thủ đô.

Ngoài ra, phần trưng bày về Dự án đào tạo, nghiên cứu Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội sẽ đưa đến những ý tưởng độc đáo nhằm “đánh thức” những giá trị thương mại, du lịch, văn hóa của chợ truyền thống.

“Khi nghĩ về không gian chợ truyền thống, nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới sự nhếch nhác, xô bồ… Tuy nhiên, khi gạt bỏ những định kiến ấy, chợ chính là một phần diện mạo và bản sắc của Hà Nội,” Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 30/8.

An Ngọc (Vietnam+)