Nhiều cầu đường bộ bị hư hỏng gây nguy cơ mất an toàn giao thông

Đường vành đai 3 trên cao đoạn từ Pháp Vân đến Mai Dịch có khoảng 52 gối cầu bị hiện tượng bị xô lệch, tiếp xúc kém với đáy dầm. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Thời gian qua, trong quá trình vận hành khai thác công trình cầu đường bộ đã xảy ra hiện tượng phần gối cầu bị trượt, xô lệch dẫn tới nguy cơ mất an toàn công trình.

Đây là nội dung cảnh báo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải, Cục Quản lý đường bộ, nhà đầu tư BOT tăng cường kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các dấu hiệu nguy hiểm của gối cầu, ụ chống va xô và các bộ phận của cầu trên các tuyến đường bộ.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, thời gian qua, trong quá trình vận hành khai thác công trình cầu đường bộ đã xảy ra hiện tượng phần gối cầu bị trượt, xô lệch dẫn tới nguy cơ mất an toàn công trình cầu trên cả các cầu mới xây, cầu khai thác nhiều năm và thuộc các tuyến đường của Trung ương, địa phương hoặc nhà đầu tư quản lý.

Đặc biệt, hiện tượng hư hỏng trên xảy ra nhiều hơn với các cầu sử dụng gối cao su lõi bản thép (do theo thời gian khai thác và tác động của lực, môi trường làm cho gối cao su có xu hướng già hóa và xẹp dần, lớp trượt trên mặt gối mất dần tính năng trượt co giãn đàn hồi về vị trí ban đầu khi trượt) nhất là các cầu có kết cấu dầm bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục, liên tục nhiệt, kết cấu phần khung dầm bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục

Vì vậy, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị nêu trên tăng cường công tác tuần đường, kiểm tra thường xuyên cầu để kịp thời phát hiện các hư hỏng, sự cố, đặc biệt đối với các cầu có nhiều nguy cơ bị hư hỏng như các cầu dầm liên tục sử dụng gối cao su, các cầu sử dụng gối cao su đã khai thác nhiều năm.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng chỉ đạo các đơn vị được giao làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án yêu cầu các tư vấn khảo sát lập dự án, tư vấn khảo sát thiết kế của các dự án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, các tư vấn kiểm định, tư vấn kiểm tra cầu phải khảo sát đánh giá kỹ tình trạng gối, ụ chống va xô trên đỉnh trụ, mố cầu; tiếp tục thực hiện đầy đủ việc kiểm tra và dán tem ghi kết quả kiểm tra cầu.

“Đơn vị nào thực hiện không đầy đủ sẽ bị xử lý trách nhiệm, xử lý kinh phí bảo dưỡng cầu của tháng, quý, năm,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ khẳng định.

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, Tổng cục Đường bộ yêu cầu ngoài các giải pháp truyền thống như đưa người xuống tiếp cận gối cầu trên trụ, mố, quan sát bằng ống nhòm đủ độ phân giải cao, các đơn vị cần đưa các xe kiểm tra cầu, thiết bị có cần gắn camera độ phân giải cao tích hợp với máy tính, máy tính xách tay để chụp ảnh, ghi hình tình trạng hoạt động của gối cầu, hướng quan sát khác nhau làm cơ sở đánh giá sự làm việc bình thường, không bình thường của gối cầu trên đỉnh trụ, mố cầu.

"Kết quả kiểm tra nếu phát hiện công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng phải kịp thời báo cáo để có biện pháp sửa chữa, khắc phục theo quy định," lãnh đạo Tổng cục Đường bộ khẳng định.

Trước đó, qua kiểm tra khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho thấy, tuyến đường vành đai 3 trên cao đoạn từ Pháp Vân đến Mai Dịch có khoảng 52 gối cầu trên tổng số 7.140 gối cầu bị hiện tượng bị xô lệch, tiếp xúc kém với đáy dầm và thớt kê gối trong đó đặc biệt là các gối cầu trên trụ T50 và T91./.

Việt Hùng (Vietnam+)