Hà Nội: Mỏi mắt tìm sân chơi cho trẻ ngày hè

Sân chơi của trẻ đã biến thành chỗ phơi quần áo. (Ảnh: Thúy Mơ/Vietnam+)

“Có lẽ hè này mình phải mua thêm băng đĩa cho Bin xem thôi, chứ chơi đâu bây giờ và lấy gì để chơi đây!” chị Loan, nhà ở Nguyên Hồng, Hà Nội  băn khoăn.

Đó cũng là nỗi buồn chung của nhiều học sinh và sự lo lắng của các bậc phụ huynh trước bài toán “sân chơi” cho con họ trong suốt kỳ nghỉ hè năm nay.

Nghèo sân chơi cho trẻ

Sau buổi chiều đưa con trai đi chơi tại Công viên Thống Nhất, chị Nguyệt ở Nguyễn Trãi, Hà Nội, ca thán các trò chơi ở công viên đơn điệu và cũ kỹ với nhà gương, tàu lượn, đu quay, ô tô lượn.

“Những trò chơi từ ngày mình còn nhỏ đến giờ vẫn chẳng có gì thay đổi cả. Con mình vào lần thứ hai đã kêu chán,” chị Nguyệt than thở.

Còn em Hiền, học sinh Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Hà Nội thì phàn nàn, ngày nghỉ em chọn chơi ở vườn thú Hà Nội nhưng lần nào đến cũng chỉ có từng đấy con vật và trò chơi.

“Đến vườn thú mà con vật thì ít. Mấy trò đạp thuyền, tô tượng năm nào em cũng chơi chán rồi,” Hiền buồn bã.

Giống như cảm nhận của Hiền, đa số học sinh và phụ huynh cũng nhận xét nhiều công viên ở Hà Nội chỉ dành cho những người tập thể dục buổi sáng, những đôi tình nhân và… kẻ trộm cắp, còn trò chơi cho trẻ em thì nghèo nàn đơn điệu.

Dạo quanh một vòng các điểm vui chơi cho trẻ ở một số phường, xã của quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, huyện Thanh Trì, đâu đâu cũng chỉ có cầu trượt, thú nhún, đu quay đã hoen gỉ, nứt vỡ. Thậm chí, có nơi còn biến sân chơi của trẻ thành bãi trông xe, chỗ để nguyên vật liệu xây dựng, nơi phơi quần áo chằng chịt.

“Chỗ chơi cho trẻ ở đây đã bị người ta biến thành nơi gửi xe rồi, tôi chẳng biết bao giờ Hà Nội hết thiếu chỗ chơi cho trẻ?” anh Dũng, Cống Vị, Hà Nội tỏ ra bức xúc.

Còn anh Phú ở khu tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội cũng phàn nàn: “Có đến ba, bốn sân, phía trên người ta phơi quần áo, bên dưới là trẻ con chơi cạnh đống gạch, gỗ xây dựng. Thậm chí, một chiếc sân đã nhanh chóng biến thành bãi gửi xe của hội cựu chiến binh.”

Không chỉ ở những khu nhà tập thể, chung cư… cũ, nhiều khu đô thị mới cũng chỉ lèo tèo vài vườn hoa, không có chỗ chơi riêng cho trẻ như khu vực Mỹ Đình, Trung Hòa-Nhân Chính…

Chị Nga ở C9, Mỹ Đình, tâm sự cả ngày con chị ở trong nhà hết chơi điện tử lại chuyển qua xem vô tuyến vì không biết chơi ở đâu. Thương con, vợ chồng chị lại phải đi sắm đồ chơi về nhà cho chúng.

“Một số gia đình ở đây có điều kiện kinh tế và diện tích rộng họ mua cả xích đu và cầu trượt về lắp tại nhà cho con. Nhà nào không có khả năng đó thì đành chấp nhận để con cả ngày chơi điện tử và xem ti vi thôi,” chị Nga nói.

Giải pháp "cấp cứu" mùa hè

Đứng trước nhu cầu lớn về vui chơi hè cho thanh thiếu niên, năm nay, một số khu giải trí ở Hà Nội đã tìm tòi cách để làm mới mình.

Từ ngày 1/6, Công viên Hồ Tây đã đưa vào hoạt động khu Hồ Tây game có quy mô lớn hàng đầu miền Bắc. Tại đó, có 25 thể loại game với nhiều trò chơi điện tử hiện đại sử dụng công nghệ 3D. Ngoài ra, các em còn trực tiếp được nhảy audition và nhìn thấy mình trên màn hình, hoặc trực tiếp cầm súng nhựa chơi trò bắn súng…

Bên cạnh đó, vào sáng Chủ nhật hàng tuần, các em còn được theo dõi các vở kịch được dàn dựng công phu như: “Alibaba và 40 tên cướp,” “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn.”

Ngoài Công viên Hồ Tây, năm nay, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn cũng khai trương khu giải trí vườn thú và thủy cung với nhiều thú đẹp, quý hiếm: hổ, báo, các loại cá, chim… Vườn thú, thủy cung tạo điều kiện cho trẻ được gần gũi và khám phá thiên nhiên.

Không chỉ vậy, trong những ngày cuối tuần, trẻ còn có cơ hội tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật dân tộc như: xem múa rối nước, ca trù, trầu văn…

Cùng với các khu giải trí trên, năm nay, Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội cũng tổ chức các chương trình trại hè cho trẻ từ 6 đến 15 tuổi.

Trẻ sẽ có những ngày dã ngoại tại Đầm Long, Ba Vì cùng các giáo viên tâm lý, giáo viên người nước ngoài. Trong thời gian đó, các giáo viên sẽ dạy trẻ cách nấu ăn, sinh hoạt, cư xử… nhằm giúp chúng tự lập, bạo dạn, nâng cao kỹ năng sống…

Ngoài ra, nhiều gia đình cũng tự tìm giải pháp tạo thêm niềm vui, tiếng cười cho con em mình trong dịp hè.

Với những gia đình ban ngày không có thời gian đưa con đi chơi thì buổi tối họ thường chọn Quảng trường Ba Đình, khu vực tượng đài Lê Nin, tượng đài Lý Thái Tổ để cho con họ chạy nhảy.

Vợ chồng anh Đức ở Nguyễn Thái Học, Hà Nội đưa hai con đến chơi tại sân trước Lăng Bác. Anh chia sẻ: “Buổi tối, đưa các cháu đến Quảng trường vừa mát mẻ, an toàn, chúng còn được xem Lễ hạ cờ nữa”./.

Thúy Mơ (Vietnam+)