Bánh đúc chấm tương - món ăn bình dị suốt bao đời của người Hà Nội
|

|
Những miếng bánh được cắt nhỏ đem chấm với nước tương sẽ tạo nên một hương vị quà quê truyền thống đậm nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội xưa.
|
Cùng với sự phát triển của đô thị, bánh đúc cũng biến tấu đi, mới mẻ
hơn, độc đáo hơn thành những món bánh như bánh đúc nóng, bánh đúc
thịt...
Nhưng dù có bao nhiêu loại bánh đúc khác xuất hiện đi nữa thì món
bánh đúc lạc chấm tương truyền thống vẫn luôn hiện hữu và được ưa thích
nhất.
Món bánh đúc chấm tương bắt đầu có ở Hà
Nội khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, khi xung quanh
những ngôi nhà tập thể mọc lên những hàng quán bán đồ ăn vặt. Thế nhưng,
ở Hà Nội bây giờ bánh đúc được bán ở nhiều nơi như các gánh hàng rong
trên phố, hoặc các khu chợ như chợ Đồng Xuân, hàng Bè và nhiều nhất là ở
Phủ
Tây Hồ.
Những miếng bánh đúc trắng mịn, loáng thoáng lạc và dừa được xếp gọn
gàng trên đĩa. Thời xưa, người làm bánh đúc rất cầu kỳ ở khâu chuẩn bị
bột bánh.
Bột làm từ gạo tẻ ngon, ngâm đủ 10 tiếng, có nơi ngâm đến ba ngày tới
khi bóp gạo tan thành bột, rồi đem bột ngâm với nước vôi trong hoặc
nước tro.
Ngày nay, các bước làm bánh cũng được rút gọn đi nhiều. Người ta sử
dụng bột gạo xay sẵn ngâm với nước và nước vôi trong khoảng nửa tiếng
rồi đem xay thành bột nước là sử dụng được.
Khi ăn bánh đúc người ta có thể ăn với nhiều loại nước chấm, song dân
dã và phổ biến hơn cả vẫn là bánh đúc chấm tương. Khi ăn miếng bánh đúc
dẻo, ngậy mùi lạc được chấm với tương lạnh khi ăn sẽ có đủ vị chút thơm
ngon của bánh đúc, mùi vị bùi béo của tương.
Bánh
đúc chấm tương thường được ăn như bữa ăn lót dạ vào buổi
sớm hoặc như món quà vặt vào những buổi chiều có nắng ấm thể hiện phong
vị ẩm thực rất thanh tao, dân dã của người Hà Nội./.
(Vietnam+)