Dự kiến tháng Bảy sẽ sửa chữa những hư hỏng mặt cầu Thăng Long

Dù đã trải quan nhiều đợt sửa chữa, những vết rạn nứt vẫn xuất hiện trên mặt cầu Thăng Long. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết dự kiến trong tháng 7/2020 sẽ tiến hành sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long.

"Tổng mức đầu tư của dự án là gần 270 tỷ đồng. Hiện, Tổng cục Đường bộ đang chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu chọn nhà thầu trong tháng 6, bắt đầu khởi công thi công trong tháng Bảy, hoàn thành sửa chữa cầu vào cuối năm nay,” ông Huyện cho hay.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng chỉ ra nguyên nhân của việc hư hỏng cầu thời gian qua là do chiều dày lớp bản thép mặt cầu mỏng so với yêu cầu cấu tạo có độ cứng nhỏ, dẫn đến độ võng tích lũy.

“Sau một thời gian khai thác, phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng với đặc điểm kết cấu phức tạp (cầu dàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt) và phải chịu các tải trọng xe chạy trên cầu đã tạo ra các dao động chuyển bị biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau dẫn đến hư hỏng mặt cầu,” ông Huyện phân tích.

Đề cập giải pháp công nghệ sửa chữa lần này, ông Huyện cho biết sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép đồng thời sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao.

Sau đó, các đơn vị sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận. Đặc biệt, trong lần sửa chữa lần này, Tổng cục cũng sẽ sửa các khe co giãn đã hư hỏng để khi sửa xong sẽ tăng cường lực có tuổi thọ công trình 10 năm.

"Công nghệ này được Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu 2 năm nay trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng," ông Huyện thông tin.

Về biện pháp thi công, ông Huyện cho biết, sẽ thi công 24/24 giờ với mái che trong suốt quá tình thi công. Cùng đó, sẽ phân luồng giao thông và cấm hoàn toàn phương tiện qua cầu. Tổng cục sẽ thuê chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia của Việt Nam giám sát quá trình thi công./.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11/1974 và hoàn thành vào tháng 5/1985.

Cầu chính vượt sông dài 1.680m gồm 15 nhịp giàn thép tạo thành 5 dầm liên tục, mỗi liên có dộ dày 112m/nhịp. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ.

Các nhịp cầu dẫn của đường sắt và đường bộ có kết cấu bằng các nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực chiều dài 33m/nhịp.

Việt Hùng (Vietnam+)