Sẽ sửa xong hư hỏng đường băng sân bay Nội Bài vào cuối năm 2020

Đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài được vá trám tạm thời nhằm đảm bảo khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nếu các trình tự thủ tục hồ sơ và lựa chọn nhà thầu xong sớm, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài sẽ có thể khởi công vào tháng Bảy tới và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.

Vừa sửa đường băng, tàu bay vẫn cất cánh

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, các đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không Nội Bài bị xuống cấp ngày càng nhanh, ảnh hưởng lớn tới an toàn khai thác, nếu không có các giải pháp tổng thể, đồng bộ sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát tình trạng hư hỏng, bong bật mặt đường đột xuất khi tàu bay lăn, cất hạ cánh.

Cụ thể, trên bề mặt đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) và 11R/29L (1B) xuất hiện hằn lún vệt bánh tàu bay theo vệt càng sau. Đối với các đường lăn S1, S2, S3 và các đường lăn có kết cấu bê tông xi măng, trên bề mặt thường xuyên xuất hiện hư hỏng như bong bật, nứt vỡ, phủi bùn đặc biệt vào mùa mưa.

Là đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống hạ tầng khu bay, ông Đinh Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm khai thác khu bay Nội Bài (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - NIA) cho biết, hiện nay, NIA sửa chữa hư hỏng bề mặt đường cất hạ cánh như trám vá bằng các loại vật liệu khác nhau.

“Thực tế, những hư hỏng phủi bùn tại đường cất hạ cánh, đường lăn đã được phía Cảng dùng công nghệ gia cố nền; các công tác duy tu bảo dưỡng thông thường như chèn khe, sơn kẻ phải đảm bảo thường xuyên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát như kiểm tra thực tế ngày 4 lần trực quan, giám sát qua camera 24/24 giờ và bố trí 7 camera chia các khu vực quay quét khi phát hiện vật ngoại lai hoặc các hư hỏng để phát hiện và thông báo triển khai ngay phương án cụ thể,” ông Lâm khẳng định.

Đề cập về công tác sửa chữa tổng thể tới đây, theo ông Lâm, phía tư vấn đã báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sửa chữa dự án về Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, đơn vị tư vấn tính toán sau khi khoan địa chất, khu vực nào nền yếu sẽ được xới lên để làm lại toàn bộ kết cấu, nền không yếu chỉ cần bóc bê tông nhựa tại đường cất hạ cánh 1B để bù thêm 40cm bê tông xi măng; phân tấm chia ô bê tông trước đây là 5m giờ được nới lên 7,5m để bánh tàu bay không tiếp xúc vào rãnh giữa các tấm bê tông…

Bên cạnh đó, các đoàn khảo sát của tư vấn đã khảo sát công trình ngầm hệ thống thiết bị tổng thể dự án để có quy trình dự án cải tạo, sửa chữa như khu bay sẽ được bổ sung thêm đèn dẫn đường để hạ cánh, thoát nước…

“Hiện, Cảng hàng không Nội Bài có 250-300 chuyến cất hạ cánh/ngày. Với tần suất khai thác thấp sẽ là thời điểm, cơ hội để sửa chữa nhanh. Nếu khởi công từ tháng Bảy tới, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đưa 3.000m đường băng 1B để khai thác cất cánh,” ông Lâm nhìn nhận.

Thừa nhận sân bay Nội Bài vừa khai thác, vừa thi công đảm bảo an toàn sẽ là khó khăn, tuy nhiên, ông Lâm khẳng định phía Cảng hàng không Nội Bài phải được các đơn vị khác hỗ trợ, sát cánh cùng tổ chức điều tiết tàu bay cất hạ cánh, các phương án tổ chức thi công; Tư vấn và Ban quản lý dự án phải đưa ra các biện pháp đi vào từng giai đoạn thi công cụ thể để đảm bảo khai thác kể cả 1 chuyến bay cũng giống như… 1.000 chuyến.

“Cảng hàng không Nội Bài không chấp nhận việc vương vãi trên đường băng dù chỉ là hòn sỏi bắn ra bằng ngón tay hay các vật thể ra ngoài do công tác đảm bảo an toàn bay là số 1. Khu bay không cho phép nguy cơ gây mất an toàn,” ông Lâm quả quyết.

Tuổi thọ đường băng sẽ là 20 năm

Nhấn mạnh Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có yêu cầu khu bay hỗ trợ tối đa, lập tổ giúp việc hỗ trợ từ lúc “phôi thai” dự án, tới đây, Cảng hàng không Nội Bài sẽ lập Ban chỉ đạo để tiếp tục hỗ trợ thủ tục phương án vận hành tàu bay đồng thời tạo điều kiện tối đa Ban quản lý dự án thực hiện thi công song song với đảm bảo an toàn khai thác.

“Khi dự án làm xong, tuổi thọ đường băng này sẽ là 20 năm và nhiều năm nữa sẽ không phải lo nghĩ nhiều về công tác bảo đảm đường cất hạ cánh,” ông Lâm cho hay.

Se sua xong hu hong duong bang san
bay Noi Bai vao cuoi nam 2020 hinh anh 1Bề mặt đường lăn của tàu bay cũng đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức xây dựng trình tự và kế hoạch, căn cứ tính chất kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án. Từ đó, các đơn vịđề xuất phân chia các gói thầu và xây dựng quy trình, tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, cập nhật thông tin các nhà thầu đã tham gia thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông có quy mô, tính chất kỹ thuật tương tự các hạng mục công việc của dự án, văn bản xin tham gia của các nhà thầu để dự kiến danh sách nhà thầu (tư vấn, xây lắp) theo trình tự và kế hoạch thực hiện đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Theo một chuyên gia hàng không, việc triển khai sớm công tác đầu tư dự án sẽ tranh thủ được giai đoạn thấp điểm hiện nay và sẽ tránh ảnh hưởng đến giao thông vận tải hàng không khi thị trường hàng không phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19.

“Theo tính toán ban đầu của đơn vị tư vấn, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.218 tỷ đồng. Do đó, việc giao thầu (tư vấn, xây lắp) phải thực hiện đúng quy định, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để triển khai, dứt khoát không để lọt những nhà thầu yếu kém tham gia vào dự án,” vị chuyên gia này cho hay./.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chủ trì thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án, mời các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan liên quan; xem xét áp dụng hình thức chỉ định thầu theo đúng quy định pháp luật để đẩy nhanh tiến độ.

Về nguồn vốn, Phó Thủ tướng đồng ý bố trí nguồn vốn đầu tư công theo quy định để sớm triển khai dự án như đề xuất của các Bộ, cơ quan./.

Việt Hùng (Vietnam+)