Cây đại thụ của "làng thư họa" chốn Hà thành

Nhà thư họa Lê Xuân Hòa bước vào tuổi 95.

Một thú chơi tao nhã xưa đã trở lại - chơi tranh chữ. Mỗi dịp Xuân về Tết đến, nơi góc phố, sân đình lại thấy các “ông đồ” tân thời, kê bàn, trải chiếu “cho chữ” mọi người. Trong “làng thư họa” ngày mỗi đông thêm, vẫn sừng sững vươn cao một cây đại thụ - Lê Xuân Hòa.

Danh tiếng nhà thư họa Lê Xuân Hòa đã vượt ra ngoài biên cương nước Việt. Từ Đài Loan xa xôi, ông Hội trưởng Hội thư pháp Fan Qing Zhong lần tìm đến tận thư trai của cụ Hòa trong ngõ Cây Đề ở Minh Khai, Hà Nội để được diện kiến và trao tận tay bức thư mời “Lê Xuân Hòa đại sư làm cố vấn danh dự quốc tế cho bản hội."

Trong nghề nào cũng vậy, giá trị cao cả đích thực vẫn là sự thừa nhận của đồng nghiệp, huống hồ đây lại là chư vị đồng nghiệp xuất xứ từ cái nôi của thư pháp Hán tự.

Xuân này cụ Hòa bước sang tuổi 95. Râu tóc đã bạc phơ như tiên ông, nhưng cặp mắt vẫn tinh anh, quắc thước. Cụ cầm cây bút lông viết một mạch: “Đức giả bản, đức duy hinh" (Đức là gốc, chỉ đức mới ngát hương). Bút lực nơi ngón tay của lão trượng ngót trăm tuổi vẫn rắn rỏi, mạnh mẽ lắm.

Bút lực ấy là kết quả của một quá trình học tập và khổ luyện suốt đời. Từ năm lên sáu tuổi, Lê Xuân Hòa bắt đầu được cha, một ông Tú Kép (hai lần đỗ tú tài) truyền thụ cho tinh hoa của Nho học. “Và tôi học với ông thân sinh cho đến khi ông qua đời vào năm 1954. Ông thường dạy tôi: Học xong sách Luận ngữ mà trong xử thế chưa có chuyển động gì tức là chưa học, phải học lại từ đầu. Có nhập tâm tinh hoa Nho học, chữ viết mới có hồn được."

Cụ vui vẻ ôn lại một kinh nghiệm ứng xử. Có một nhà thư pháp kiêm họa sĩ Trung Quốc sang giao lưu về thư họa tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội. Trước mặt các quan khách và cụ Lê Xuân Hòa, ông ta hai tay cầm hai cây bút, viết đồng thời hai cột bảy Hán tự như nhau. “Tài quá! Đáng phục thật” - Cụ Hòa trầm trồ với chúng tôi và nói tiếp, “Trong khi ông ta viết, mình suy nghĩ ghê lắm: đáp lại thế nào đây? Tài viết cả hai tay làm sao mà bằng người ta được. May vừa khi ông ta kết thúc thì mình cũng tìm ra ứng pháp, đón cây bút thảo một mạch: "Đồng văn hội ngộ, thanh khí giao lưu" (Bạn văn gặp nhau, giao lưu tài năng). Ông bạn ngẩn ra giây lát, rồi cầm bút viết thêm dưới hai dòng đã biểu diễn: “Kính trình” (chứ không phải “Kính tặng”) Lê Xuân Hòa đại sư."

Tác phẩm thư họa của cụ còn có mặt ở thư viện trường Đại học Cornell (New York, Mỹ), trong Triển lãm thư pháp quốc tế do Hiệp hội các nhà thư pháp Trung Quốc kết hợp với các Hội thư pháp Hàn Quốc, Nhật Bản tổ chức tháng 9-1994 tại Bắc Kinh.

Đáp lại câu hỏi về con đường riêng của cụ đến với thư pháp, cụ Hòa kể: “Cha tôi chữ không đẹp. Tôi may mắn có được tập thơ đi sứ của cụ Giải nguyên Lê Trần Thơ, do môn sinh là Cử nhân Nguyễn Chí Viễn sao chép bằng kiểu chữ chân tuyệt đẹp. Tôi nhìn đó tập viết chân thật đẹp đã. Đấy là cơ bản. Ngày nay không ít người có tài vẽ tranh, vội nghĩ có thể đi tắt qua chữ thảo là làm được thư họa. Thành ra họ vẽ chữ, chứ không phải viết chữ, các nét không thuận. Nhuần nhuyễn chữ chân rồi tôi mới kiếm sách Trung Hoa để tập viết thảo. Học theo người ta cho thuần thục đã, rồi mới sáng tạo cách viết của mình. Đến đây thì mỗi người một cách riêng. Có người chê chữ tôi khô và gai. Tôi muốn phục thiện, đã thử chữa, nhưng thành ra xấu quá, làm hỏng cả nét chữ của mình. Tôi bỏ, không chữa nữa."

- Xin cụ cho biết về phong trào thư họa bằng chữ quốc ngữ ngày nay?

- Thư họa Hán tự và thư họa quốc ngữ là hai lĩnh vực khác nhau, cái nọ không bài trừ cái kia.

Không dám lạm dụng thêm thời giờ và sức khỏe của cụ, chúng tôi đứng dậy cáo từ. Anh bạn trẻ của tôi xin cụ một chữ “Đức” để tặng cho bạn đọc dịp đầu Xuân năm mới. Cụ Hòa vui vẻ ban cho anh với dòng lạc khoản: "Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa lưu bút." Thanh Hoằng Khê là tự hiệu của cụ, lấy chữ trong các địa danh quê hương: Thanh Hóa-Hoằng Hóa-Phú Khê, đồng thời cũng mang một nghĩa thâm thúy: “Dòng suối trong vẫn rộng chảy"./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)