Sức sống làng nghề giày da Hoàng Diệu hơn 500 tuổi

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Về Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương một ngày đầu hè, chúng tôi cảm nhận được sức sống của một làng nghề hơn 500 tuổi, nổi tiếng với sản phẩm làm giày - dép da truyền thống.

Khoảng năm 1484, tiến sĩ Nguyễn Thời Trung được vua Lê Thánh Tôn cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc) để bàn công việc ngoại giao hai nước.

Nhân cơ hội này, ba vị: Phạm Qúy Công tự Đức Chính, Nguyễn Quý Công tự Sĩ Bân, Phạm Quý Công tự Thuần Chính, làm sớ xin nhà vua cho đi tòng sứ cùng, để tìm hiểu, học hỏi công nghệ đem về nước truyền dạy cho dân và được nhà vua chấp thuận.

Sau nhiều ngày đi đường, các vị đã tới Bắc Thành (nay là thành phố Bắc Kinh). Tìm hiểu thấy nhà họ Lũ, có nghề thuộc da, làm giày dép, hài hia nổi tiếng ở đất Hàng Châu, các vị liền xin vào học nghề.

Qua nhiều lần làm thử, thấy sản phẩm của mình cũng không kém mấy so với nhà họ Lũ. Khi hoàn tất việc ngoại giao, các vị về nước và đem những sản phẩm giày dép, hài hia dâng lên nhà vua và được vua hạ chiếu chỉ ban khen, bổ nhiệm các vị vào Bộ Quốc giám; đồng thời hạ chỉ cho truyền dạy lại nghề cho dân.

Bốn làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm và Nghĩa Hy của xã Hoàng Diệu, là quê hương của các vị nên được truyền nghề đầu tiên.

Từ đó, đời này qua đời khác tiếp tục làm nghề, những người thợ tích lũy được kinh nghiệm kết hợp với sự khéo tay, nơi đây xuất hiện nhiều nghệ nhân sáng tác ra nhiều mẫu mã giày đẹp phù hợp với tâm lý và thị hiếu tiêu dùng.

Nhiều thợ giỏi đã rèn dũa tay nghề cho con cháu để làm ra những sản phẩm ưng ý với mọi đối tượng, lứa tuổi khách hàng.

Trong những năm qua nghề làm giày - dép da ở Hoàng Diệu đã sản xuất phát triển mạnh do có sự phân công lao động hợp lý đến từng người và công đoạn sản xuất.

Mỗi gia đình hoặc tổ hợp sản xuất đã đầu tư vốn thích đáng vào mua sắm vật tư, máy móc tiện dụng cho các khâu cắt da, may, ép mũ, đế giày, khâu.

Người giỏi tiếp thị có bạn hàng quen thuộc lâu năm thì chuyên làm dịch vụ cung ứng vật tư hoặc tiêu thụ sản phẩm. Việc tiêu thụ có nhiều hình thức, giao hàng theo địa chỉ hợp đồng, khách hàng cố định hoặc theo thời vụ; cũng có những người mang hàng trực tiếp đến các đại lý hoặc mở cửa hàng, cửa hiệu tự tiêu thụ sản phẩm.

Nhân dân ở đây đã trải qua nhiều thời kỳ khó khăn tưởng như có lúc không sống nổi bằng nghề ông cha để lại nhưng từ năm 1990 đến nay, bằng nghề thủ công này, Hoàng Diệu không những giữ vững nghề truyền thống mà đã phát triển nghề phụ trở thành nghề chính để làm giàu quê hương.

Toàn xã hiện có gần 400 hộ với hơn 1.000 lao động làm nghề, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu sản phẩm đạt trung bình hơn 18 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Đan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoàng Diệu cho biết, xã đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương công nhận “làng nghề giày da truyền thống.”

Ông cho biết thêm, xã Hoàng Diệu đang phối hợp với huyện Gia Lộc để thành lập “Hội giày da Hoàng Diệu” trong năm nay để làng nghề ngày càng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và có thêm bạn hàng ngoại quốc.

Nối tiếp truyền thống cha ông, thế hệ trẻ ở Hoàng Diệu hôm nay đã và đang tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề làm giày - dép da. Đến nay đã có hơn 50% số hộ dân trong xã tham gia sản xuất hàng hóa.

Mỗi năm, xã Hoàng Diệu bán ra thị trường khoảng 2,5 triệu đôi giày - dép da các loại, cung cấp cho Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trên miền Bắc./.

Nguyễn Hồng Cường (TTXVN/Vietnam+)