Nghệ thuật sơn mài và nghề sơn đất Thăng Long

Làng nghề Sơn Đồng với nghề truyền thống là tạc, chạm, khắc và sơn tô tượng đã có hơn một trăm năm qua.

Nghề sơn truyền thống

Năm 1010, Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long đã xuất 2 vạn quan tiền để làm 8 ngôi chùa, tạc hơn 1000 pho tượng Phật, vẽ hơn 1000 bức tranh Phật.

Việc xây dựng kinh đô, chùa tháp lộng lẫy đã góp phần phát triển nghề sơn, tăng cường đội ngũ thợ sơn vẽ.

Thời Trần có quy định chặt chẽ về dùng màu sơn kiệu và võng lọng. Thời Lê Trịnh, sơn được liệt vào loại sản phẩm hiếm, quý ngang đồng, sắt, tơ lụa. Các mặt hàng đồ sơn thời Lê Trịnh gồm tranh bình phong, đồ mỹ nghệ, khay bát, hòm... đã được xuất khẩu sang Anh.

Ở Thăng Long có phố Hàng Hòm và phố Nam Ngư là nơi tập trung buôn bán sơn và những người làm nghề sơn vẽ. Đồ sơn ở Thăng Long được dùng nhiều trong đền thờ, chùa tháp, lễ hội như kiệu, long đình, khay tráp, mâm bồng, giường tủ... Sơn sống được pha với dầu trẩu làm sơn quang dầu, tăng độ bóng, chống bụi, chống mưa cho đồ vật dụng.

Trong cuốn “Ký sự đàng ngoài”, cố đạo người Pháp Tissanier đã khen: "Họ (người Việt) không có những tàu biển lớn nhưng có những thuyền do người chèo rất đẹp. Những thuyền này được sơn son thếp vàng. Nước sơn của họ đẹp đến nỗi tôi không thấy ở đâu có thể bằng được".

Nghệ thuật sơn mài

Trước đây, người ta chỉ dùng sơn ta trong trang trí đồ thờ cúng, làm hàng mỹ nghệ. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, một số sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn và nghệ nhân Đinh Văn Thành đã mạnh dạn thử nghiệm đưa kỹ thuật sơn ta vào làm tranh nghệ thuật.

Sơn mài được coi là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam. Đây là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống thành kỹ thuật, nghệ thuật sơn mài độc đáo của Việt Nam.

Sơn mài Thăng Long có nhiều chất liệu độc đáo mang đậm hồn dân tộc, dung dị mà thuần khiết chất Á Đông. Các bước trình tự thực hiện một sản phẩm khởi đầu bằng sơn mài nhám gỗ, lót sơn sống, hom sớ gỗ, bọc vải hom, lót, mài lót, in mẫu, vẽ nét, tô màu, phủ cánh gián, quang đen, quang màu, đánh bóng và cuối cùng là lau dầu.

Việc tạo hình ảnh, màu sắc cũng không đơn giản: vẽ vàng, thiếp bạc, phủ véc ni, những màu chính trong sơn mài là đỏ, đen và cánh gián. Các màu khác chỉ pha trộn màu để diễn tả. Riêng màu trắng rất khó thể hiện nên phải cẩn bằng vỏ trứng. Muốn có nhiều màu lóng lánh, phản chiếu tự nhiên thì cẩn ốc sà cừ.

Làng nghề, phố nghề sơn

Phố Hàng Hòm

Phố Hàng Hòm trước kia thuộc thôn Cổ Vũ thượng, tổng Tiền Túc (sau đổi thành Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, người thợ làng Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) có nghề cổ truyền làm đồ gỗ sơn, ra Hà Nội lập nghiệp ở phố này.

Ban đầu họ mở một số cửa hiệu làm và bán hòm gỗ, rương, tráp... Mặt hàng hòm phát triển mạnh và trở thành mặt hàng đặc trưng của phố, vì thế, phố được đặt tên là phố Hàng Hòm.

Những người thợ gỗ sơn trong phố đã lập ra ngôi đình Hà Vĩ, hiện ở số nhà 11, để thờ ông tổ nghề sơn là Trần Lư (còn gọi là Lương), người làng Bình Vọng, Thường Tín, Hà Tây.

Ông đỗ tiến sĩ năm 1502 và là lương y giỏi. Ông được cử làm điền hộ, chăm lo sức khỏe cho đoàn sứ bộ sang Trung Quốc. Trên đường đi, ông quan tâm học các nghề dân gian ở địa phương, trong đó có nghề sơn và đã đem nghề sơn về truyền cho dân làng Bình Vọng. Ông là người có công phát triển và phổ biến nghề sơn cổ truyền nên được tôn làm Tổ nghề.

Trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn đã sưu tầm được 2 bài thơ của ông Tổ nghề sơn-Trần Lư, trong đó có bài “Học hành hoạ nghệ” nói về lòng say mê học nghề sơn vẽ của ông.

"Thuật nga di tựu long vãn chước
Hoạ điểu tăng quang phương thái gia
Tinh xảo cửu mông duy bút thụ
Trang hoang tăng bí hội đồ gia"

(ý nói: tả con thiên nga đạt được vẻ đẹp rực rỡ của con rồng, vẽ con chim sáng trong nâng lên thành vẻ đẹp con phượng, nhờ thời gian đã truyền cho ngòi bút tinh tế, tăng thêm vẻ đẹp trang trí nhờ có bức vẽ).

Ngày nay, phố Hàng Hòm kinh doanh chủ yếu sơn các loại. Những thùng sơn sặc sỡ đủ màu sắc của các hãng sơn trong và ngoài nước, cùng với các loại vécni, nhựa thông, keo dính... được bày bán trong các cửa hiệu trên phố.

Phố Nam Ngư

Phố Nam Ngư nguyên là đất thôn Nam Môn Thị Hoa Ngư (sau đổi là thôn Nam Ngư), tổng Tiền Nghiêm (sau đổi thành Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.

Vào thời Lê, nơi đây chuyên bán sơn ta và các mặt hàng sơn như quả, hộp, khay, cây nến, mâm gỗ sơn…

Gia phả họ Đào ở làng Thọ Vực (Văn Giang, Hưng Yên) còn ghi rằng, có một người tên là Đào Thúc Kiên ra Thăng Long ở lại phường Nam Ngư làm nghề sơn dầu. Do có tài nên ông được trưng tập vào trang trí trong cung vua.

Xưa kia, phố Nam Ngư chuyên bán sơn ta và các mặt hàng đồ sơn như quả, hộp, khay, cây nến, mâm gỗ sơn... Ngày nay, phố kinh doanh nhiều mặt hàng tổng hợp.

Làng nghề Hạ Thái

Làng nghề Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) có lịch sử hơn 200 năm.

Làng Hạ Thái sử dụng sơn ta trong sản xuất các sản phẩm sơn son thếp vàng như tượng Phật, đồ thờ cúng...Từ khâu nấu sơn, cô sơn đặc, cho đến khâu thử sơn chín, bất kỳ khâu nào cũng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỷ mỷ.

Người thợ sơn Hạ Thái đã bao đời nay pha sơn theo kinh nghiệm cổ truyền. Tuy nhiên, trong sản xuất đồ sơn mài hiện nay, họ đã áp dụng kỹ thuật hiện đại để pha chế, thay đổi một vài công đoạn phủ sơn nhằm giảm bớt thao tác thừa, tạo ra loại sơn mới có độ bóng, bền, đẹp.

Đồ sơn mài Hạ Thái nhiều năm nay trở thành sản phẩm có uy tín được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...

Làng nghề Sơn Đồng

Làng nghề Sơn Đồng thuộc xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Làng nghề Sơn Đồng đã có từ hơn một trăm năm qua, với nghề truyền thống là tạc, chạm, khắc và sơn tô tượng để tạo ra những sản phẩm nổi tiếng trong cả nước như tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt; tượng ông Thiện, ông ác, tượng các vị La Hán, kiệu bát cống...

Công đoạn tạc tượng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, tư duy hội họa tinh tế và tính ước lệ thật chuẩn.

Công đoạn hoàn thiện sản phẩm là sơn son thếp vàng, tô tượng. Người thợ Sơn Đồng sử dụng sơn ta để sơn tô các sản phẩm. Việc pha chế sơn ta có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của sản phẩm. Vì vậy, công đoạn pha chế sơn ta, đòi hỏi người thợ sơn phải có kinh nghiệm từ khâu nấu sơn, cô sơn đặc, cho đến khâu thử sơn chín.

Những sản phẩm ở đây được khách hàng đánh giá rất cao. Vì vậy, sản phẩm của làng nghề này không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn có mặt ở nhiều thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... /.

(TTXVN/Vietnam+)