Lá phiếu cử tri: Gửi trọn niềm tin vào các đại biểu nhiệm kỳ mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu ĐBQH và HĐND các cấp tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 23/5, hàng triệu cử tri thành phố Hà Nội đã nô nức tham gia ngày hội bầu cử. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị cũng như bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 nên tỷ lệ tham gia bầu cử đạt rất cao, nhiều đơn vị và địa phương đã hoàn thành sớm công tác bầu cử.

Cuộc bầu cử chưa từng có tiền lệ

Ngay sau lễ khai mạc, không khí bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu đã diễn ra rất nhộn nhịp, khẩn trương và các cử tri đã nô nức, hăng hái đi bầu cử.

Tại các khu vực bầu cử, địa phương đã tổ chức tốt công tác phân luồng, điều tiết cử tri đi bỏ phiếu, bảo đảm tuân thủ khuyến cáo 5K cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong khi đó, tại những khu vực cách ly tập trung, Tổ bầu cử đã cử thành viên mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cơ sở cách ly để cử tri nhận phiếu và thực hiện quyền bầu cử, bảo đảm đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đáng chú ý, tại bệnh viện K, mặc dù phải tổ chức công tác bầu cử trong tâm dịch, song công tác bầu cử đã tiến hành chu đáo, trang trọng, thể hiện tinh thần quyết tâm rất lớn, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch cũng như đảm bảo 100% người bệnh, người nhà bệnh nhân, cán bộ y tế, người lao động đang cách ly tại bệnh viện được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Ghi nhận về công tác bầu cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rất cao sự chuẩn bị tích cực, chủ động, khẩn trương, chu đáo và hiệu quả của các địa phương. Điều đó góp phần rất lớn vào thành công chung của cuộc bầu cử lần này. Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh rằng kỳ bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh chưa từng có, đó là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang điễn ra vô cùng phức tạp, song cũng chính vậy mà nhiều địa phương đã có những cách làm rất sáng tạo.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta có quá trình chuẩn bị rất sớm và cẩn thận. Hội đồng Bầu cử Quốc gia được thành lập sớm hơn nhiều so với thông lệ và từ giữa năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 45 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo tinh thần đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cấp ủy Đảng, các tổ chức đảng, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ủy ban Bầu cử các cấp đã vào cuộc đồng bộ, với sự đồng lòng ủng hộ rất tích cực của nhân dân, đã chuẩn bị cho cuộc bầu cử hết sức chu đáo, toàn diện, rất cụ thể, sâu sát. Có thể khẳng định rằng cuộc bầu cử lần này được chuẩn bị với tinh thần rất sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Bám sát chủ trương này, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết công tác bầu cử đã kết hợp hài hòa với quy trình phòng dịch, từ việc tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến đến xây dựng các kịch bản riêng, tổ chức diễn tập cụ thể cho từng đơn vị, từng khu vực bầu cử phù hợp với tình hình dịch bệnh, kết hợp với phòng chống dịch hiệu quả (bầu cử trong khu cách ly, điểm cách ly, các khu vực bình thường…).

“Mỗi lá phiếu đều có giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó. Hoàn thành bầu cử là chúng ta đã lựa chọn người đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan quyền lực ở địa phương là HĐND các cấp. Sâu xa hơn, mỗi lá phiếu bầu đúng, bầu đủ còn góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân,” Bí thư thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh thêm.

Chính nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, cùng với các hình thức tuyên truyền sâu rộng và liên tục về cuộc bầu cử đã góp phần tạo nên thành công của cuộc bầu cử lần này.

La phieu cu tri: Gui tron niem tin
vao cac dai bieu nhiem ky moi hinh anh 2Cử tri Phạm Văn Ca, phường Lý Thái Tổ, dù 95 tuổi vẫn tự mình trực tiếp đi bỏ phiếu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Không chỉ thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, kể cả những người khuyết tật và cử tri cao tuổi cũng sẵn sàng tham gia bỏ phiếu.

Hình ảnh nổi bật là cụ Phạm Văn Ca ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm dù đã 95 tuổi nhưng cụ vẫn tự mình trực tiếp đi bỏ phiếu và đây cũng là lần thứ 15 lần, kể từ năm 1946, cụ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Gia Thể, ở tại phường Định Công, quận Hoàng Mai cũng ở tuổi "xưa nay hiếm" (91 tuổi), nhưng cũng không ngần ngại đến tận điểm bầu cử để tham gia bỏ phiếu.

“Tất cả những ứng cử viên ngày hôm nay đều xứng đáng. Mong rằng, những ứng cử viên được cử tri tin tưởng lựa chọn sẽ phát huy được tinh thần và trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, mang lại điều tốt đẹp để xây dựng Thủ đô trường tồn và phát triển,” cụ Nguyễn Gia Thể hồ hởi nói.

Niềm mong mỏi ở các vị dân cử

Hầu hết cử tri đều kỳ vọng mỗi ứng cử viên, khi trở thành đại biểu dân cử cần tiếp tục tu dưỡng, tham gia có trách nhiệm, thẳng thắn trong các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Cử tri Đoàn Đình Lục, Chủ tịch Hội cựu chiến binh quận Thanh Xuân, cho rằng đại biểu dân cử phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

"Mỗi đại biểu cần chủ động nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật định. Cần tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước; thường xuyên trau dồi kỹ năng hoạt động, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin để giúp Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết đúng đắn, đảm bảo phù hợp thực tiễn địa phương," ông Đoàn Đình Lục nêu ý kiến.

Ở khía cạnh khác, cử tri Đỗ Thị Mến, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, mong muốn các ứng cử viên cần tăng cường tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ kịp thời, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thực sự là người đại biểu đại diện của nhân dân.

Thống kê của Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội cho thấy, tính đến 16 giờ 30 phút, số cử tri toàn thành phố Hà Nội đi bầu đạt 92,29%; trong đó quận Đống Đa đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất (98,28%); huyện Mê Linh có tỷ lệ cử tri đi bầu thấp nhất (84,33%).

Một số đơn vị như: Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, đến 11 giờ 30 phút, 100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang là cử tri đã tham gia bỏ phiếu đầy đủ và thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đó, huyện Mỹ Đức cũng được ghi nhận là 1 trong những địa phương của Hà Nội có tỷ lệ cử tri đi bầu cử rất cao.

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư huyện ủy Mỹ Đức cho biết đến 15 giờ, đã có 2 xã là Mỹ Thành và An Mỹ hoàn thành với 100% cử tri đi bầu cử và những xã khác cũng đang hoàn tất công tác bỏ phiếu theo đúng quy định đề ra.

Đặc biệt, tình hình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực bỏ phiếu, các điểm bỏ phiếu bảo đảm theo đúng quy định. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử được bảo đảm.

Với sức lan tỏa mạnh mẽ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.

Đặc biệt, với sự lựa chọn của cử tri, các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân - nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ở từng địa phương; bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân…

La phieu cu tri: Gui tron niem tin
vao cac dai bieu nhiem ky moi hinh anh 3Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bỏ phiếu bầu cử. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Đây cũng là điều được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm, đó là: “Cũng như mọi đại biểu cử tri cả nước, tôi mong muốn tất cả các vị đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ này sẽ hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật đã quy định. Nhất là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp; thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.”

Đặc biệt, Tổng Bí thư đề nghị những người trúng cử phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu được dân tín nhiệm bầu ra hôm nay, thay mặt cho nhân dân để tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội.

"Phải làm sao 'cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc' như Bác Hồ đã dạy. Tôi tin là mỗi đại biểu được bầu hôm nay cũng nghĩ như vậy, nhận thức sâu sắc như vậy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: Là đại biểu của nhân dân thì phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó,” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong mỏi./.

(Vietnam+)