Những mối nhân duyên lạ kỳ trong thế giới báo cổ

Các nhà sưu tầm sách cổ đều mong được sở hữu tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên này (Ảnh tư liệu)

Sở hữu những lô báo cổ là ước mơ của rất nhiều nhiều người mê sách, báo. Thế nhưng, ngoài việc có tiền, để sở hữu chúng các nhà sưu tầm còn phải có những mối nhân duyên "trời định."

Có nhà sưu tầm từng đặt giá cho tờ Gia Định báo số 1(1865) món tiền tương đương cả tòa nhà, hay hành trình của lô báo quý hiếm phải nhọc công đeo đuổi nhưng cuối cùng người ta đành ngậm ngùi nhìn nó thuộc về kẻ khác…

Những tờ báo đã “tuyệt tích giang hồ”

Sách có thể tái bản nhưng báo thì không, việc sưu tầm báo cổ còn khó hơn sách cổ rất nhiều lần. Bởi, mấy ai có đủ bộ vài chục số báo để lưu giữ. Hơn nữa, báo in thường khổ to và chất lượng giấy không đồng đều nên muốn bảo quản chúng hàng trăm năm quả thực nan giải.

Vì lẽ đó, ngày nay có những tờ báo chỉ còn tồn tại trong những cuốn lịch sử báo chí. Chúng đã “tuyệt tích giang hồ” từ lâu, ví dụ như Phan Yên báo - tờ báo thứ hai viết bằng chữ Quốc ngữ ra đời sau Gia Định báo (1865) của Trương Vĩnh Ký.

Nhà báo Yên Ba - một “trùm” sưu tầm sách, báo cổ cho rằng: “Để có được tờ báo cách đây hàng trăm năm là cực kỳ  khó. Do khí hậu ẩm, do chiến tranh loạn lạc, do công tác lưu trữ tư liệu báo chí ở ta rất kém... nên việc có được toàn bộ tư liệu báo chí từ trước đến nay tôi nghĩ hầu như là không thể.”

Cách bảo quản những “cụ báo" mỏng manh này không có gì quá đặc biệt. Dân sưu tầm sách thường dùng các loại hóa chất hay hạt tiêu xay để chống khuẩn. Tuy nhiên, chất lượng đảm bảo cũng chỉ ở mức độ tương đối.

“Vì chỉ là tư nhân nên hầu như không ai có điều kiện để có thể gắn một phòng máy lạnh liên tục 24/24 giờ như nhà nước,” anh Hoàng Minh – thành viên gạo cội của diễn đàn sachxua.net cho biết.

Tư nhân khó khăn khi phải đối mặt với sự bào mòn của thời gian, chính vì thế nhà sử học Dương Trung Quốc gợi ý: “Hiện tại, Hội Nhà báo Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu khá hoành tráng trong đó có phòng trưng bày về lịch sử báo chí Việt Nam. Nếu được vậy, các nhà sưu tầm có thể phối hợp để gửi những đầu báo cũ tại đây, với điều kiện được đảm bảo tốt nhất về các phương án bảo quản.”

Cuộc “giác ngộ” muộn màng…

Vì khó bảo quản nên giờ đây biết bao người đành “lực bất tòng tâm” sau hàng chục năm trời tìm kiếm một tờ báo cổ như Gia Định báo.

“Trước đây, ở Hà Nội, có nhà sưu tầm sách nổi tiếng có một tờ Gia Định báo năm 1890, do nhân duyên ông này đã tặng lại cho một thành viên trên diễn đàn sachxua.net. Thế rồi tờ báo đó đã trở thành vật trao đổi với một người trong Sài Gòn, người này sau đó bán lại cho lái sách.

Cuối cùng nó rơi vào tay một Việt kiều với giá 1000 USD. Hiện, tờ báo đang "chu du" ở tận California (Mỹ-PV) và chúng tôi không làm cách nào để có được. Chúng tôi đã truy tìm tung tích của một tờ báo như vậy đó,” nhà báo Yên Ba chia sẻ.

Với các nhà sưu tầm, để sở hữu một ấn phẩm quý hiếm, có giá trị họ phải “trả giá” bằng rất nhiều thời gian, tâm huyết, tiền bạc… Và, chặng đường để tìm ra chúng với một ai đó đôi khi giống như một cuộc chinh phục.

Song, không phải ai trong số họ cũng đủ vốn liếng hiểu biết để nhận thức và thẩm định được giá trị của những món đồ… xa xỉ có hàm lượng tri thức cao như thế. Trường hợp anh Trịnh Hùng Cường ở Bắc Ninh – một kỹ sư điện trót đam mê sưu tầm sách và có kho báo cổ khá đồ sộ với khoảng hơn 20 đầu báo là ví dụ.

Anh Cường chính là nhân vật trong câu chuyện của nhà báo Yên Ba vừa kể trên. Do ban đầu bản thân anh cũng không hề biết mình được tặng một vật quý mà biết bao nhà sưu tầm thèm muốn nên đã hồn nhiên mang nó đi trao đổi lấy một thứ khác anh đang cần lúc đó. Về sau, được anh em trên diễn đàn “giác ngộ” thì sự việc đã quá muộn.

Anh chàng có "nickname" Thị Nở trên diễn đàn sachxua.net này ngượng ngùng phân trần: “Cũng là do gout đánh giá của mình. Hồi mới đầu được tặng, mình cũng không nghĩ nó lại quý hiếm và giá trị đến thế.”

Đương nhiên, là vì khi ấy Thị Nở không hề biết rằng vào năm 1969 có một nhà sưu tầm người Pháp đã đến Sài Gòn lùng sục và đặt giá nếu ai có tờ Gia Định báo số 1 thì ông này sẵn sàng trả một số tiền có thể mua được cả tòa nhà thời đó. Đủ thấy, cái giá cho sự thiếu hiểu biết nhất thời tai hại thế nào!

“Ve chai” truy tìm lô… báo cổ


Còn câu chuyện của anh chàng tự nhận mình là “ve chai” Hoàng Minh lại khác. Hiện đang sở hữu khoảng trên 30 đầu báo quý hiếm như Nam Phong, Đông Dương tạp chí, Tri tân, Phong hóa, Hà Nội tân văn, Tiểu thuyết thứ bảy… nhưng đến giờ anh Minh vẫn ấm ức vì đã để vuột mất bộ tuần báo Ngày nay (1936).

Ngày nay là tờ báo rất đặc biệt, ở chỗ mỗi trang bìa là một tác phẩm nghệ thuật của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Đình Lộc… Có những người sẵn sàng chỉ mua một tờ bìa đó với giá 1 triệu đồng, vì họ xác định mua tranh chứ không phải tờ báo.

Giọng như vẫn còn tiếc nuối, anh Minh kể: “Hàng tuần, tôi đều ghé một hàng sách cũ theo thói quen, nhưng đúng cái tuần tôi không đến thì người ta bán mất nguyên bộ báo Ngày nay. Cậu ta mua của một chị "đồng nát" với giá 100.000 đồng và bán lại cho khách giá 1,8 triệu đồng.”

Thế rồi, anh “ve chai” đã vội vã tìm đến nhà vị khách hỏi mua lại nhưng “phẫn nộ” khi nghe họ phát giá 13 triệu đồng. Về nhà, anh cứ trằn trọc và bị ám ảnh bởi lô báo quý nên vài ngày sau quay lại, tiếc rằng "giá đặc biệt” chỗ quen biết sau một hồi thương lượng nay đã là… 25 triệu đồng.

Minh ngần ngừ tạm gác vụ đó thì chỉ một tuần sau nó đã được “hét” lên 40 triệu và nhanh chóng thuộc về chủ nhân mới.

Hoàng Minh cho biết: “Đến thời điểm này, nguyên bộ báo nổi tiếng như thế mà giá 40 triệu thì vẫn chưa là gì cả”, và hóm hỉnh: “Với các đại gia, họ không biết về giá trị đó chứ nếu không 40 triệu chỉ là cái… búng tay. Cỡ như anh Cường đôla mà thích chơi sách, báo thì chắc mua hết cả Thư viện Quốc gia rồi không chừng.”

Nghe thành viên “giấy gói xôi” của sachxua.net trình bày… sự vụ, nhà báo Yên Ba cũng chia sẻ: “Đó là đường đi của một lô báo, từ 100.000 đồng lên tới 40 triệu đồng. Và nếu lọt ra tới nước ngoài có khi nó sẵn sàng "quất" mình 10.000 đôla ấy chứ.”

Thế mới hay, không phải cứ may mắn gặp được báo quý là có thể sở hữu nó. Bởi rằng, không phải nhà sưu tầm nào cũng là... đại gia. Vì thế, đứng trước tờ báo quý dù có... thèm muốn đến mấy họ cũng phải "hoãn cái sự sung sướng" mà nắn lại hầu bao xem có đủ lực để chi mạnh tay không. Vì vậy, không ít người đã lâm vào tình cảnh như "ve chai" Hoàng Minh, để vuột mất cơ hội rồi bây giờ ngồi nghĩ lại mà tiếc./.

Mai Anh (Vietnam+)