Phố nghề, làng nghề chế tác kim hoàn ở Hà Nội

Đất kinh kỳ là nơi tập trung những người thợ tinh xảo, những nghệ nhân của đủ mọi nghề từ tứ xứ đổ về, trong đó có những người thợ chế tác đồ vàng bạc. Họ đã lập nên phố Hàng Bạc ngày nay.

Phố Hàng Bạc

Phố Hàng Bạc, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm dài gần 300m, là một trong những phố cổ của “Hà Nội 36 phố phường”. Vào thế kỷ thứ XVIII, phố Hàng Bạc thuộc địa phận phường Đông Các. Sang đầu thế kỷ XX, phố nghề này thuộc hai thôn Đông Thọ và Dũng Hữu (sau nhập 2 thôn này thành thôn Đông Thọ) thuộc huyện Thọ Xương. Tại phố này từ xa xưa đã hình thành 3 nghề có quan hệ gắn bó với nhau:

Thứ nhất là nghề đúc bạc nén do người làng Trâu Khê (huyện Bình Giang - Hải Dương) lên cư trú và lập nghiệp. Tương truyền vào thời Lê Thánh Tông (1460-1497) có ông Lưu Xuân Tín, người làng Trâu Khê, làm thượng thư Bộ Lại, được nhà vua cho phép mở xưởng đúc bạc thành nén ở đây (nay là nhà 58 phố Hàng Bạc). Ông đem người trong họ hàng và người làng ra Thăng Long mở phường đúc bạc.

Ngoài xưởng đúc bạc, ở phố còn lập 2 đình: đó là Trương Đình (đình trên) nay là số nhà 50 Hàng Bạc, và Kim Ngân đình (đình dưới) ở số nhà 42 Hàng Bạc, là chỗ tiếp các quan trên đến giao bạc để đúc và nhận lại bạc nén. Hai đình này do người làng Trâu Khê lập nên, dùng để thờ ông Tổ nghề là ông Hiệu Viện, còn gọi là “ông tổ bách nghệ”. Người làng Trâu Khê ra Thăng Long khá đông, họ đã mua đất xây ngôi đền mang chữ “Trâu khê vọng từ”, còn gọi là Nội Miếu, trong ngõ Hài Tượng để thờ vọng thành hoàng làng.

Thứ hai là nghề đổi bạc, nghề này cũng do người làng Trâu Khê đảm nhận đổi tiền kẽm lấy bạc nén, bạc vụn...để dùng vào việc thanh toán những khoản chi tiêu có giá trị nhỏ. Ngoài ra còn đổi ngược lại theo yêu cầu của khách hàng. Do có nghề này nên thời thuộc Pháp, phố này được gọi là Rue des Changeurs (phố những người đổi tiền).

Thứ ba là nghề kim hoàn gồm ba chuyên ngành. Nghề chạm trổ những hình vẽ, hoa văn trên các đồ dùng bằng vàng, bạc. Nghề đậu kéo vàng, bạc thành sợi nhỏ để chuyển thành hình hoa, lá, chim, thú gắn vào các đồ trang sức. Nghề trơn là những đồ vàng, bạc không trạm trổ chỉ “cường” cho nhẵn bóng.

Làng nghề kim hoàn Định Công

"Làng anh có thợ kim hoàn

Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay"

Làng Định Công, huyện Thanh Trì, Hà Nội, vốn nổi tiếng với nghề kim hoàn. Theo truyền thuyết, vào thời Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI) ở làng Định Công có ba anh em họ Trần: Trần Hòa Trần Điện, Trần Điền. Nhờ có bàn tay khéo léo, lại thêm đức tính cần cù, chịu khó, nên họ đã học được nghề làm vàng bạc và mở cửa hàng lấy tên là "kim hoàn" (vòng vàng).

Những đồ vàng bạc do ba anh em làm ra rất tinh xảo, tiếng đồn khắp trong nước. Ba người lại dạy cho dân làng cùng làm nghề, từ đó làng Định Công có nghề làm vàng bạc, truyền từ đời này qua đời khác, được khắp nơi biết tiếng.

Đời sau, dân làng đã lập đền thờ ba vị tổ nghề họ Trần. Hàng năm vào ngày 12-2 âm lịch, làng nghề kim hoàn Định Công mở lễ hội tri ân ba vị tổ nghề họ Trần.

Người thợ kim hoàn ở làng Định Công khi chế tác các sản phẩm vàng bạc tinh xảo luôn thực hiện 3 khâu chuyên môn, kỹ thuật quan trọng của nghề là: chạm, đậu và trơn. Chạm tức là chạm trổ các hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết trên mặt các đồ trang sức hay các đồ bằng vàng, bạc. Đồ chạm ngày trước thường là các loại khánh, vòng, kiềng, chóp nón, ống nhổ, ống vôi...

Đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ vàng, bạc rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức.

Trơn tức là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, trơn. Người thợ kim hoàn lành nghề phải giỏi cả ba mặt chuyên môn nêu trên và biết thủ thuật luyện kim cổ truyền. Muốn có vàng tốt tức là vàng 10 tuổi (còn gọi là vàng lá, vàng diệp) người ta tiến hành theo kỹ xảo cổ truyền gọi là "chở vàng".

Sau khi những đồ vật đã được tạo thành hình thì đến khâu cuối cùng là đánh bóng.

Đồ dùng bằng bạc được xoa bằng cát rồi trải lên trên một dung dịch gồm bồ tạt và vôi sau đó hơ trên lửa. Khi đã nguội đồ vật được ngâm vào một dung dịch phèn đun sôi rồi lại dùng cát cọ lên một lần nữa và cuối cùng lại cọ bằng những mảnh chai.

Đồ dùng bằng vàng thì được chải bằng một chất lỏng sánh gồm gạch giã với muối nước, hơ qua lửa rồi làm sạch. Sau đó người ta lại ngâm đồ vật vào một dung dịch có quả tai chua đun sôi, rồi cuối cùng cũng cọ bằng cát và bằng mảnh chai.

Qua những hoa văn, họa tiết trang trí trên các sản phẩm, thấy rõ đức tính kiên trì, sự thông minh khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ kim hoàn Định Công./.

(TTXVN/Vietnam+)