Đền Trúc Lâm

Đền Trúc Lâm thuộc thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, cách thị xã Sơn Tây khoảng 15km về phía Tây.

Đền thờ ông Phùng Lân Hổ, vị danh tướng có công tham gia đánh giặc Nguyên-Mông ở thế kỷ 13. Lân Hổ lúc nhỏ vốn khôi ngô, tuấn tú, nổi tiếng thông minh. Lớn lên chuyên nghề hái củi nuôi mẹ. Cậu thường cùng trai làng luyện tập võ nghệ và đã trở thành đô học sĩ của lò võ xứ Đoài.

Năm 1257, thời Trần, giặc Nguyên-Mông xâm lược Việt Nam. Vận nước nguy nam, Phùng Lân Hổ xin đi đánh giặc giúp nước. Tập hợp trai tráng trong làng, ông được cấp ngựa chiến, truỳ sắt cùng lĩnh một số quân. Ông tới đâu, giặc tan tới đó. Thắng giặc trở về, ông được vua Trần ban tặng “Nam phương tráng khí, Bắc khấu hàn lâm." Vua muốn ông về triều làm quan, nhưng ông xin được về quê hương, cùng quân sĩ luyện tập, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống. Cảm ơn công đức ông, dân làng Đồng Bảng lập đền thờ ông mãi mãi.

Đền Trúc Lâm là công trình kiến trúc cổ, có cấu trúc độc đáo, gồm Nghi môn, Tả hữu mạc và đền chính. Nghi môn kiểu cột trụ, uy nghi, tạo dáng bề thế, nối liền với các bức tường lửng vây quanh khu di tích. Hai nhà Tả, Hữu mạc nằm song song, quay hướng vào sân đền, mỗi dãy năm gian, bộ vì quá giang cột trốn, tường hồi bít đốc, bào trơn đóng bén.

Đền thờ chính là một nếp nhà dọc 4 gian 2 chái với 4 lá mái. Các góc mái uốn cong, tạo hình rồng uốn khúc. Diềm mái chạm nổi tứ quý, hoa dây liên hoàn… Bờ nóc bờ giải đắp, có hàng hoa chạm thủng chạy khắp… Bao quanh đền là ván bưng đố lụa. Mắt hồi trước là hệ thống cửa bức bàn. Các bộ vì được làm kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền, bẩy hiên.

Trang trí đều tập trung chủ yếu vào các bẩy, kẻ và đầu dư. Đề tài thể hiện ở đây là các hình đầu rồng, hoa lá, vân mây cách điệu, là các bức tranh thông, mai, cúc, trúc. Với các đường nét trau truốt, mềm mại, các mảng chạm ở đây mang đậm nét phong cách nghệ thuật dân gian của thời Hậu Lê.

Gian cuối cùng được ngăn riêng bằng hệ thống vách gỗ, cửa bức bàn, trên một gác lửng làm cung cấm thờ Lân Hổ đô thống đại vương.

Đền Trúc Lâm còn giữ được nhiều di vật quý giá thể hiện tấm lòng thành kính của dân làng Đồng Bảng với vị anh hùng dân tộc phù vua giúp nước đánh giặc ngoại xâm, được Nhà nước công nhận cấp bằng di tích lịch sử văn hóa./.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)