Cửu đỉnh Huế và chín loài hoa trên Cửu đỉnh

Cứu đỉnh. (Nguồn: Internet)

Huế là một vùng đất Tổ, với phong cảnh hữu tình, địa hình hiểm trở đã tạo cho Huế có một vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.

Nơi đây đã được chúa Nguyễn Hoàng chọn làm kinh đô của xứ Đàng Trong (1558), được vua Quang Trung chọn làm kinh đô của triều đại Tây Sơn (1778-1802), được vua Gia Long chọn làm kinh đô của triều Nguyễn (1802-1945).

Trong hơn 400 năm, Huế đã là trung tâm chính trị, văn hóa của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Chính vì vậy, nơi đây còn lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa như cung điện, lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn. Một trong những công trình nghệ thuật đặc sắc mà Huế còn lưu giữ là Cửu đỉnh.

Về Cửu đỉnh Huế

Cửu đỉnh là một công trình nghệ thuật bằng đồng có giá trị nhất tại Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Bộ đỉnh gồm chín chiếc nằm trước Hiển Lâm Các, đối diện với Thế Miếu, phía Tây Nam của Đại Nội Huế.

Bộ Cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho đúc, khởi công tháng 12/1835 và hoàn thành tháng 6/1837, biểu trưng cho sự thống nhất, sự giàu đẹp của giang sơn cẩm tú, thể hiện ước mơ triều Nguyễn sẽ được bền vững, trường tồn.

Bộ đỉnh được vua Minh Mạng đặt tên bằng chữ Hán, trong đó bảy đỉnh mang thụy hiệu của bảy vua triều Nguyễn (tức tên thụy của vua sau khi băng hà):

- Cao đỉnh (vĩ đại): tiêu biểu cho Thế tổ Cao hoàng đế, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, niên hiệu của vua Gia Long (1802-1820).

- Nhân đỉnh (nhân ái): tiểu biểu cho Thánh tổ Nhân hoàng đế, niên hiệu của vua Minh Mạng (1820-1840).

- Chương đỉnh (ánh sáng): tiểu biểu cho Hiến tổ Chương hoàng đế, niên hiệu của vua Thiệu Trị (1840-1847).

- Anh đỉnh (hiển đạt): tiểu biểu cho Dực tông Anh hoàng đế, niên hiệu của vua Tự Đức (1847-1883).

- Nghị đỉnh (cương quyết): tiểu biểu cho Giản tông Nghị hoàng đế, niên hiệu của vua Kiến Phúc (1883-1884).

- Thuần đỉnh (tinh khiết): tiểu biểu cho Cảnh tông Thuần hoàng đế, niên hiệu của vua Đồng Khánh (1885-1888).

- Tuyên đỉnh (sáng tỏ): tiểu biểu cho Hoằng tông Tuyên hoàng đế niên hiệu của vua Khải Định (1916-1925).

- Dụ đỉnh (phong phú) và Huyền đỉnh (sâu xa) không tiêu biểu cho vị vua nào. Triều Nguyễn còn sáu vị vua khác: Dục Đức (lên ngôi ba ngày năm 1883), Hiệp Hòa (lên ngôi bốn tháng năm 1883), Hàm Nghi (1884-1885), Thành Thái (1889-1907), Duy Tân (1907-1916) và Bảo Đại (1925-1945).

Tất cả chín đỉnh đều có dáng chung giống nhau, bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới có bầu ba chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi (1835), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh.

Mỗi đỉnh đều có kích thước và trọng lượng khác nhau. Cao đỉnh là đỉnh lớn nhất, cao 2,5m, đường kính miệng 1,15m, đường kính bụng 1,65m, trọng lượng 2.601kg, được đặt ở giữa, đứng trước tám chiếc đỉnh kia khoảng 3m. Đỉnh thấp nhất và nhẹ nhất là Huyền đỉnh cao 2,31m, nặng 1.935kg.

Quanh hông mỗi đỉnh đều chạm trổ 17 cảnh vật mô tả phong cảnh sông núi, địa danh, các sản vật (động, thực vật), vũ khí, xe, thuyền, các hiện tượng tự nhiên... tập hợp thành một bức tranh toàn cảnh đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn. Tổng cộng có 153 cảnh vật được chạm nổi trên Cửu đỉnh.

Về mặt kỹ thuật, Cửu đỉnh Huế được coi là những tuyệt tác của nghề đúc đồng triều Nguyễn, có giá trị cao về mặt lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam, chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý nguyện của con người về vũ trụ, thiên nhiên và đất nước. Cửu đỉnh góp phần tô điểm thêm cho thành phố Huế nét trang nghiêm và cổ kính.

Chín loài hoa trên Cửu đỉnh Huế

1- Tử vi hoa (Cao đỉnh)

Đây là loài hoa của cây Tử vi, thuộc họ Tử vi (Lythraceae). Hoa to 3-4cm, màu hồng tươi, hồng tím hoặc trắng, mọc thành chùm dài 10-20cm, sáu cánh hoa rời nhau, phiến quăn và uốn lượn ở mép. Hương thơm dịu, nhẹ, hoa thường nở vào mùa Thu. Ở phương Tây, hoa Tử vi có tên là Little Chief Mixed và được coi là một loại kỳ hoa dị thảo.

2- Liên hoa (Nhân đỉnh)

Liên hoa tức hoa của cây Sen, còn gọi là Hà hoa, Thủy chi hoa, Tịnh khách hoa, Lục nguyệt xuân, Bó bua (Thái), Ngậu (Tày). Hoa Sen được người Việt Nam yêu quý vì nó biểu trưng cho sự thanh khiết, cao quý, tượng trưng cho khí tiết của người quân tử (liên hoa chi quân tử). Hình ảnh hoa Sen được chạm khắc trên nhiều công trình xây dựng, đình, chùa... được vẽ trên những bức tranh, được ca ngợi trong những áng thơ văn tuyệt tác đã nói lên giá trị văn hóa của hoa Sen.

3- Mạt ly hoa (Chương đỉnh)

Mạt ly hoa tức hoa Nhài, còn gọi là Mạt lợi, Mạt lệ, Mộc lệ hoa... Loài hoa này có nguồn gốc ở Ấn Độ, được trồng ở nhiều nơi của châu Á để làm cảnh, lấy hoa ướp trà và làm thuốc. Hoa nở màu trắng, thơm ngát, có loại đơn, có loại kép.

Vì mùi thơm đậm của hoa (nhất là lúc đêm khuya) nên một số văn nhân thi sĩ ví loài hoa này với kỹ nữ.

4- Mai khôi hoa (Anh đỉnh)

Mai khôi hoa tức hoa Hồng, còn gọi là Thích mai hoa, Bút đầu hoa, Nguyệt quy hoa... Ở Việt Nam có nhiều giống hồng như hồng trắng, hồng đỏ, hồng phấn, hồng nhung (đỏ thẫm), hồng vàng, hồng cam... Hoa Hồng có dáng đẹp mỹ miều, hương thơm dịu, được người phương Đông quý chuộng vì nó là biểu tượng của sự hoàn mỹ, thanh cao, sự thành đạt, vinh hiển, quyền quý.

5- Hải đường hoa (Nghị đỉnh)

Hoa Hải đường là một loài hoa có dáng đẹp, cánh hoa cân đối, cứng cáp, màu đỏ hồng tươi thắm. Hoa Hải đường nở từ cuối Đông đến cuối Xuân, bất chấp các khí lạnh buốt của mùa Đông, cương quyết đứng vững trước những cơn gió rét để dâng tặng cho đời nét đẹp hài hòa, tươi thắm và đầy cương nghị của mình.

6- Quỳ hoa (Thuần đỉnh)

Hoa quỳ tức hoa Hướng dương, còn gọi là Hướng nhật quỳ hoa, Vọng nhật quỳ hoa, Nghinh dương hoa, Thái dương hoa, hoa Mặt trời... Hoa Hướng dương có nguồn gốc ở Trung Mỹ, được trồng nhiều ở châu Âu vào thế kỷ 16 để lấy hạt làm dầu. Đây là một loài hoa vừa đẹp vừa có giá trị thiết thực cho đời sống.

7- Trân châu hoa (Tuyên đỉnh)

Trân châu hoa tức hoa Sói, còn gọi là Kim tác lan. Hoa Sói là hoa kép (gié) ở ngọn, màu xanh hay vàng xanh. Do trái cây sói có hình tròn, nhỏ, màu đẹp như hạt ngọc nên người xưa gọi là Trân châu.

8- Thuấn hoa (Dụ đỉnh)

Thuấn hoa tức hoa Dâm bụt, còn gọi là Râm bụt, Bông bụt, Bông cẩn, Bông bụp, Đăng uyển hoa, Phiên ly hoa, Triêu khai mộ lạc hoa (sáng nở, chiều rụng), Mộc cẩn hoa. Có nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải, được trồng làm cảnh, làm hàng rào (phiên ly), lấy hoa, lá, rễ cây để làm thuốc. Hoa Dâm bụt to, có năm cánh, màu hồng, đỏ, đỏ thẫm, hồng nhạt... tươi thắm, rực rỡ, thanh tú.

9- Ngọc lan hoa (Huyền đỉnh)

Hoa Ngọc lan là một loại hoa màu trắng, hương thơm ngát, thường nở rộ vào mùa Hè. Cây Ngọc lan còn gọi là Ngọc lan hoa trắng, Bạch ngọc lan, Bạch lan hoa, Bạch lan... Do dáng hoa đẹp, thanh nhã, trắng tinh khiết nên Ngọc lan thường được trồng làm cảnh trong vườn để thưởng thức hương hoa. Hoa Ngọc lan còn được dùng để bày tỏ lòng thành kính sâu xa khi dâng cúng lên Trời Phật, tổ tiên.../.

Hoài Nam (TTXVN/Vietnam+)