Ca nương Vương Tú Ngọc đau đáu với ca trù

Ca nương Vương Tú Ngọc. (Ảnh: Internet)

Là giảng viên, ca nương của Trung tâm UNESCO Ca trù (thuộc Liên hiệp các câu lạc bộ UNESCO Việt Nam), nhưng công việc "nuôi sống" Vương Tú Ngọc lại là… biên tập viên chương trình "Chìa khóa thành công CEO" của Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia.

Ca nương có đôi mắt to mênh mang và giọng hát da diết lòng người này luôn đau đáu với nghề, đau đáu với nỗi niềm làm thế nào để ca trù được tôn vinh, trân trọng, và đặc biệt là có được vị trí xứng đáng trong cuộc sống hôm nay…

Dường như, ca trù với chị là một cái "nghiệp"?

Ca nương Vương Tú Ngọc: Năm 1997, lần đầu tiên được nghe hát ca trù, cũng là lúc tôi đã bắt đầu yêu thích và tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Tôi đã theo học nghệ nhân ca trù Phan Thị Mơn, nghệ nhân "lão làng" của làng ca trù Cổ Đạm.

Mỗi kỳ nghỉ hè chỉ được 1 tháng, nhưng ngày nào tôi cũng cặm cụi vượt quãng đường gần 30 km để đến nhà nghệ nhân học. Niềm đam mê được truyền lại từ người thầy, cũng như tình yêu với ca trù đã khiến tôi quyết tâm theo đuổi từ đó.

Sau đó, tôi tiếp tục theo học lớp dạy hát ca trù tại Trung tâm UNESCO Ca trù. Tại đây, tôi đã gặp những người có cùng đam mê và ý thức phải gìn giữ nghệ thuật ca trù như mình. Tôi học rất nhanh và vượt xa với những người cùng khóa. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi được tham gia nhiều cuộc biểu diễn lớn do Trung tâm UNESCO Ca trù tổ chức cũng như đảm nhiệm việc hướng dẫn cho những lớp đàn em.

Những lớp học lúc mới mở khá đông, thế nhưng sau đó thưa dần, một số không theo nổi vì quá khó, một số thì không có thời gian và phần còn lại học để cho biết nên không muốn học nhiều. Nhiều lớp học xong vẫn không thể tìm được người để tiếp tục học lên nữa. Một phần vì không đủ đam mê, và một phần không có thực lực.

Dù vậy, tôi với Ban giám đốc Trung tâm UNESCO Ca trù vẫn quyết tâm tuyển sinh học viên mới và mời các nghệ nhân về giảng dạy, hướng dẫn… Và đến lúc đó, chính tôi cũng băn khoăn giữa việc giữ nghề và bỏ nghề. Đó là năm tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Bản thân tôi lúc này cũng đứng trước câu hỏi: Liệu có sống được bằng nghề hát và dạy ca trù không? Và tôi biết điều đó là chưa thể.

Đó là quãng thời gian khó khăn nhất mà tôi phải trải qua, bởi thực sự lúc đó không biết đâu là con đường mình nên đi. Và tôi đã chọn một công việc ổn định để có thể tiếp tục với niềm đam mê của mình là ca trù.

Trong quãng thời gian vừa đi làm bên ngoài, vừa tham gia hướng dẫn và biểu diễn ca trù, tôi dường như quá tải. Sự tĩnh lặng để hát, sự cảm nhận cũng dần dần vơi đi theo những lo toan của công việc và cuộc sống. Nhưng có lẽ ca trù là "cái nghiệp" tôi phải theo suốt đời, bởi mỗi lần định buông xuôi thì chính ca trù lại giúp tôi lấy lại thăng bằng…

Có thể nói, ca trù mang đến cho tôi sự tĩnh lặng trong tâm hồn, sự thanh thản trong tâm trí và sự giàu có trong cảm xúc. Đó là những điều tôi nhận được sau bao năm thử thách và khổ luyện.

Theo chị, hiện nay ca trù đã có được vị trí xứng đáng chưa?

Ca nương Vương Tú Ngọc: Đáng buồn là chưa! Hiện tại, có nhiều người gặp tôi đã đặt câu hỏi rằng sao một cô gái năng động như tôi lại không chọn nhạc trẻ để phát triển sự nghiệp, còn theo đuổi ca trù thì biết bao giờ mới thành danh?

Câu hỏi đó luôn khiến tôi đau lòng, vì tôi biết để ca trù có một sức sống vững chắc trong cộng đồng là một việc làm không phải dễ. Tôi thật lòng mong muốn thế hệ trẻ, bên cạnh công việc kiếm sống hàng ngày, hãy dành một phần thời gian để đến với ca trù, tìm hiểu những giá trị, những tinh hoa của nó.

Tôi đã dạy ca trù cho rất nhiều bạn trẻ tại trung tâm, nhưng có một thực tế đáng buồn là các bạn thiếu sự kiên nhẫn, niềm đam mê, yêu thích thật sự với bộ môn nghệ thuật dân tộc này.

Lý do là vì các bạn không thật sự hiểu về ca trù, hiểu được những giá trị đích thực của nó. Họ đến với ca trù ban đầu vì tò mò, rồi không hiểu gì, nên chán và bỏ.

Cũng có bạn, đến với nghệ thuật ca trù với mục đích sai lệch: Học hát ca trù để… đi kiếm tiền! Không xuất phát từ sự đam mê, từ tình yêu và mong muốn gìn giữ nghệ thuật dân tộc thì không thể học ca trù được!

Các nghệ sĩ ca trù dường như đều không sống được bằng nghề, như bản thân chị hiện cũng phải có một công việc khác để "nuôi" niềm đam mê này của mình. Liệu đó có phải là một "nỗi niềm" lớn của những ca nương, kép đàn?

Ca nương Vương Tú Ngọc: Đúng là điều đáng buồn nhất. Ca nương, kép hát đều là những người thật lòng yêu thích nghệ thuật ca trù, thậm chí là đam mê nó. Nhưng dù là đam mê đến thế nào, cũng không thể sống được bằng nghề, mà phải làm nghề khác để "nuôi" nó.

Ví như ca nương Phạm Thị Mận (ca trù Lỗ Khê) hiện vẫn phải đi dạy mẫu giáo để kiếm sống. Hay như tôi, vẫn phải làm một nghề để nuôi "nghiệp" ca trù của mình. Và còn nhiều những người khác nữa…

Giờ đây, ca trù đã được cả thế giới biết tới, đã trở thành một di sản của thế giới. Chị và những người trong nghề có "kỳ vọng" nhiều vào những thay đổi cho nghệ thuật ca trù sau sự kiện này?

Ca nương Vương Tú Ngọc: Khi nghe tin ca trù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, trong tôi đã trào dâng lên niềm vui sướng và tự hào khôn tả, bởi giờ đây, chúng tôi đã thấy được tương lai của ca trù.

Tôi hy vọng giờ đây cộng đồng và mọi người sẽ hiểu được những giá trị đích thực của ca trù; yêu thích và trân trọng ca trù hơn. Hi vọng những câu lạc bộ ca trù hiện tại, những ca nương, kép đàn sẽ có cơ hội để làm nghề, được sống bằng nghề. Và đặc biệt hi vọng sẽ có thể mở được nhiều hơn những lớp truyền dạy cho thế hệ tương lai./.

(Tin Tức/Vietnam+)