Nguyễn Tuân - Bậc thầy sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt

Nhà văn Nguyễn Tuân. (Nguồn: Internet)

Xuất hiện trên văn đàn vào đầu thế kỷ 20, Nguyễn Tuân là một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại, một nhà văn bậc thầy, một nhân cách văn hóa mẫu mực.

Nhà văn đã cống hiến cho nước nhà một sự nghiệp văn học đồ sộ... đỉnh cao là những bài tùy bút với phong cách riêng biệt không lẫn với bất cứ cây bút nào. Ông cũng được coi là một trong ba nhà văn (cùng với Tố Hữu và Xuân Diệu) sớm có tác phẩm ngay từ những ngày đầu độc lập của dân tộc.

Nguyễn Tuân sinh ngày 10/7/1910, trong một gia đình nhà nho. Quê ông ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (nay là phường Nhân Chính), quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông mất ngày 28/7/1987 tại Hà Nội.

Thời trẻ, Nguyễn Tuân theo gia đình làm ăn sinh sống ở nhiều nơi, trong đó thời gian lâu nhất là ở các tỉnh miền Trung: Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Ông học đến bậc trung học ở thành phố Nam Định.

Năm 1929, do tham gia phong trào bãi khóa, bị đuổi học, ông sang Thái Lan, nhưng ông bị bắt giải về xử tại Hà Nội, và bị quản thúc ở Thanh Hóa. Trong thời gian làm ở Nhà máy đèn Thanh Hóa, ông bắt đầu viết báo, viết văn và làm phóng viên báo Đông Tây. Hết hạn quản thúc, ông ra Hà Nội tiếp tục sống bằng nghề làm báo, làm văn. Ông viết nhiều cho các báo như Đông Tây, Nhật Tân, Hà Thành Ngọ báo, Tiểu thuyết Thứ bảy, Hà Nội Tân văn, Tao đàn, Thanh nghị, Trung Bắc Chủ nhật... Ngoài tên thật, ông còn dùng các bút danh Ngột Lôi Quất, Thanh Hà, Nhất Lang, Thanh Thủy, Tuân, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc.

Từ năm 1937, ông thật sự đi vào nghề văn và nổi tiếng với một loạt truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết Thứ bảy và Tao đàn trong những năm 1938-1939. Những truyện ngắn này được tập hợp in trong cuốn “Vang bóng một thời” (1940).

Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân là cây bút tiêu biểu cho văn xuôi lãng mạn thời kỳ phát triển cuối cùng. Hầu hết tác phẩm của ông đều tập trung làm nổi bật cái “tôi” của tác giả, đó là tài hoa, khinh bạc, muốn “nổi loạn” chống lại xã hội phong kiến, thực dân.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông hòa mình vào cuộc sống nhân dân, rũ bỏ cái “tôi”, vươn lên thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ. “Tùy bút kháng chiến” đã có cái nhìn ấm áp, tin yêu với cuộc đời mới, sự gắn bó cảm động giữa nhà văn và quần chúng kháng chiến. Trong một số truyện như “Những con đò danh dự”, “Thắng càn”, ông đã thể hiện chân thực những người lao động bình thường, giản dị, anh dũng trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ của dân tộc. Tùy bút “Sông Đà” viết về cuộc sống đổi thay đi lên chủ nghĩa xã hội ở vùng Tây Bắc. Những năm chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Tuân có những tùy bút viết về cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân thủ đô Hà Nội, được tập hợp trong tác phẩm “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.”

Ngoài truyện ký, ông còn viết tiểu luận, phê bình văn học, các chân dung văn học và dịch giới thiệu văn học nước ngoài. Ông viết về tiếng Việt giàu và đẹp; về Truyện Kiều; về Tú Xương, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Thạch Lam, Dostoevsky (Nga), Chekhov (Nga), Lỗ Tấn (Trung Quốc).

Với vốn hiểu biết phong phú nhiều lĩnh vực, với năng lực thẩm mỹ sắc sảo và lối viết tài hoa, những bài viết của ông đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng độc giả. Với Nguyễn Tuân, ngôn từ không chỉ là chất liệu mà còn là văn chương và nhà văn đã có ý thức “lạ hóa” nó, để tạo dấu ấn độc đáo cho mình đồng thời lôi cuốn người đọc.

Gần 50 năm hoạt động văn học liên tục, Nguyễn Tuân đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển văn xuôi quốc ngữ Việt Nam hiện đại, với phong cách nghệ thuật độc đáo, trình độ sử dụng tiếng Việt điêu luyện. Tùy bút là sở trường và chiếm số lượng lớn nhất trong văn nghiệp của ông cũng là phần in dấu đậm nét và phong phú hơn cả cái “tôi” độc đáo của nhà văn. Tùy bút của ông thấm đượm văn hóa Đông Tây, không chỉ thấu hiểu triết lý mà còn thấm cả đạo lý, dù hấp thụ sâu sắc chủ nghĩa tự do cá nhân vẫn thấy mình nặng nợ với đất nước, với làng xóm, thấy mình có gốc rễ từ lịch sử.

Từ một cây bút tiêu biểu của văn xuôi lãng mạn tiểu tư sản thời kỳ 1939-1945, nhà văn tự nguyện đến với cách mạng, dùng ngòi bút tham gia cuộc đấu tranh của nhân dân, dân tộc. Con đường nghệ thuật này của Nguyễn Tuân tiêu biểu cho một lớp văn nghệ sĩ Việt Nam vốn mang quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, đã chuyển mình trở thành văn nghệ sĩ cách mạng. Toàn bộ sáng tác của ông thấm đẫm tinh thần dân tộc thiết tha, nhất là những giá trị văn hóa cổ truyền.

Từ năm 1948-1958, Nguyễn Tuân là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau đó, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I và II.

Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996 cho các tác phẩm “Nguyễn” (truyện ngắn, 1945), “Đường vui” (tuỳ bút, 1949), “Tùy bút kháng chiến” (1955), “Sông Đà” (tuỳ bút, 1960), “Tình chiến dịch” (tùy bút, 1960), “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” (tùy bút, 1972), “Ký” (1976), “Tuyển tập Nguyễn Tuân” (tập I, 1981; tập II, 1982), “Chuyện nghề” (phê bình tiểu luận, 1986)./.

Hoàng Yến (TTXVN/Vietnam+)