Nghệ nhân chế tác bình ngọc gốm Luy Lâu kỷ lục

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông say sưa với gốm Luy Lâu

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), sau khi học hết phổ thông, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông theo học chuyên ngành mỹ thuật hội họa khóa 1976-1980 tại Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc.

Ngay từ thủa bé, Nguyễn Đăng Vông thường xem ông nội làm những con vật được nặn bằng đất và nung bếp rơm, sơn phẩm màu để mang ra chợ quê bán vào những dịp lễ Tết.

Thời gian còn đi học, anh có dịp theo chân các nhà khảo cổ đi khai quật, tìm kiếm di chỉ gốm Phùng Nguyên, Đông Sơn… Chính vì được sống trong cái “nôi” của vùng đất gốm, từ tấm bé những sản phẩm gốm đã ăn sâu vào tiềm thức của anh, là động lực để sau này anh quyết tâm theo học nghề gốm.

Kiến thức hội họa được trang bị bài bản qua trường lớp đã giúp cho anh làm ra những sản phẩm gốm độc đáo sau này.

Học xong mỹ thuật hội họa, anh bắt đầu lang thang khắp các làng nghề để học hỏi nghề làm gốm và nhận thấy gốm Luy Lâu ở quê hương mình mang đặc tính dòng gốm cổ, hội tụ tinh hoa truyền thống rất riêng biệt không giống bất cứ dòng gốm nào. Từ đây, anh nung nấu ý chí khôi phục dòng gốm cổ quê hương.

Trong khu xưởng khá cũ kỹ trong gian nhà do bố mẹ để lại bề bộn những sản phẩm gốm đã hoàn thành và cả những những bình gốm đang được bàn tay khéo léo của chính vợ, con anh tỉ mỉ trang trí, chế tác.

Chỉ tay vào những sản phẩm đang hoàn thiện phần thô còn tươi màu đỏ của đất sét, anh cho biết đang gấp rút hoàn thành chiếc bình ngọc do khách hàng đặt để mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Thông tin về chiếc bình ngọc gốm Luy Lâu có kích thước kỷ lục do nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông và 10 họa sỹ, nghệ nhân hợp tác xã Gốm mỹ nghệ Luy Lâu đang thực hiện để mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã lan rộng trong vùng.

Anh Vông cho biết: Nguyên liệu làm chiếc bình ngọc gốm là đất được lấy ở các tỉnh, thành phố trong cả nước được phối trộn hài hòa và hợp lý với đất gốm chính tại xã Hà Mãn (đất cổ Luy Lâu).

Đây là chiếc bình ngọc gốm to nhất từ trước tới nay do anh cùng các đồng sự bắt tay làm để mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hiện chiếc bình đã xong phần thô nhưng vẫn còn nằm trong vòng “bí mật.”

Công việc được khởi động từ năm 2009. Từ khi bắt tay làm chiếc bình ngọc gốm, anh Vông lo lắng mất ăn mất ngủ, mất khá nhiều công sức và tiền bạc.

Làm chiếc bình gốm to chưa từng thấy đồng nghĩa với độ rủi ro rất cao, đòi hỏi kỹ thuật cao, chính xác từng công đoạn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan.

Họa tiết trang trí chiếc bình cũng kỳ công không kém, đòi hỏi thời gian, công sức của cả tập thể làm việc không biết mệt mỏi. Vì thế, chiếc bình ngọc gốm ngọc này chưa được chủ nhân của nó hé lộ hình ảnh.

Đến nay, ngoài những họa sỹ, nghệ nhân trực tiếp bắt tay chế tác chiếc bình thì chưa ai có cơ hội được chiêm ngưỡng.

Theo thông tin anh Vông cung cấp: chiếc ngọc bình 4,2m, đường kính 2,1m, ước tính trọng lượng sẽ là 2,2 tấn, được sản xuất hoàn toàn thủ công dưới bàn tay sáng tạo của khoảng 10 họa sỹ, nghệ nhân.

Chiếc ngọc bình có kiểu dáng hình tròn với năm phần: nắp, miệng, cổ, thân, đế với chiều cao và đường kính hài hoà, hợp lý, tạo dáng thanh thoát với thế thăng hoa mà rất vững chắc.

Trên lọ ngọc bình sẽ có cảnh sinh hoạt và các lễ hội đặc trưng của người Kinh Bắc là quan họ giao duyên, cây đa, bến nước sân đình, cảnh đấu vật, đánh đu, chọi gà, rối nước... cùng với những di tích văn hoá nổi tiếng như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Lăng Kinh Dương Vương, đình Đình Bảng, Đền Đô, Văn miếu Bắc Ninh... và các làng nghề cổ truyền gốm Luy Lâu, tranh dân gian Đông Hồ, đúc đồng Đại Bái, gỗ Đồng Kỵ, giấy Phong Khê; hình ảnh vua Lý Thái Tổ với Chiếu dời đô và chiến thắng Như Nguyệt trên phòng tuyến sông Cầu.

Trên vai lọ ngọc bình là đôi rồng thời Lý vươn mình, thể hiện sức mạnh khẳng định vị thế Thăng Long mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ. Nắp bình là cả toà sen nâng đỡ ngôi tháp Hoà Phong sừng sững toạ lạc biểu tượng cho thời kỳ thanh bình thịnh trị; trên bình có vầng nhật - nguyệt, có chữ Đạo và chữ Tâm... Sản phẩm được phủ bởi màu gốm đỏ, men xanh ngọc sang trọng.

Dự kiến, chiếc bình ngọc kỷ lục bằng gốm Luy Lâu sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9/2010, kịp có mặt tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.

Thái Hùng (TTXVN/Vietnam+)