Đảo Kim Châu trên hồ Văn đang bị hạ thấp dần

Đảo Kim Châu trên Hồ Văn năm 1922 (nhìn từ Cổng Văn Miếu). (Nguồn: Internet)

Nhận thấy cốt đảo Kim Châu trên hồ Văn đang bị hạ thấp dần, Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội đã đề xuất việc nâng cốt đảo và gia cố đất, kè bờ xung quanh.

Những đề xuất này đã được đưa vào một dự án đang trình thành phố Hà Nội nhằm khai thác, phát huy các giá trị của hồ Văn nói riêng trong quần thể khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội nói chung.

Dự án này nếu được triển khai không những đòi hỏi phải có tác dụng phát huy được vẻ đẹp của thắng cảnh hồ Văn mà còn phải bảo tồn được các giá trị lịch sử văn hóa gắn liền với di tích đặc biệt quan trọng này.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám xung quanh các thông tin về Hồ Văn.

Phải nâng cốt nền đảo Kim Châu

* Về đảo Kim Châu trên Hồ Văn, thưa ông, có bằng chứng gì về việc đảo hiện đang bị hạ cốt nền (mặt đảo đang bị thấp dần)?

- Cách đây khoảng 100 năm, Hồ Văn có diện tích rất rộng, mặt nước lan ra đến tận tứ trụ ngay trước cửa Văn Miếu, qua cả đường Quốc Tử Giám bây giờ.

Đảo Kim Châu theo như các ảnh chụp tư liệu còn lưu lại được thì cũng rộng hơn bây giờ rất nhiều. Cây cối um tùm, chim chóc về đậu chi chít trên ngọn cây.

Nhưng những năm gần đây, như mọi người đều thấy, đảo Kim Châu có mặt bằng lồi lõm không đều, mặc dù hầu như không có người tự do lên đảo, ngoại trừ các công nhân của Trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám có trách nhiệm bảo trì, dọn dẹp vệ sinh ở đây.

Hiện giờ, cứ hễ mưa to là nước hồ dâng lên ngập tràn qua cả mặt đảo. Hàng năm khi làm công tác kiểm tra địa hình, tỉa cây, dọn cành, làm vệ sinh bảo dưỡng di tích trung tâm đã phát hiện ra cốt mặt đảo thấp dần xuống.

Cây cối trên đảo đều bị nước xâm lấn làm mục rễ. Nhiều cây cổ thụ gốc bị lở, nghiêng, một số cây có bộ rễ nửa dưới nuớc, nửa trên đảo do đất rìa xung quanh đảo bị lở rất không an toàn.

Trước đây Khu Công nghệ cao Hòa Lạc khi làm công tác vệ sinh khử sạch nước Hồ Văn đã có ý kiến về việc cốt đảo bị hạ thấp dần. Rồi Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội hàng năm khi thu dọn các cây xanh quanh đảo và đặc biệt trước đây hai năm khi có hai cây cổ thụ là si và đa trên đảo bị đổ, họ cũng đã cảnh báo phải nâng cốt đảo và gia cố đất, kè bờ xung quanh để trước hết bảo vệ tuổi thọ cho cây cối trên đảo.

* Vậy biện pháp cụ thể được đưa ra là gì, thưa ông?

- Về tình hình đảo Kim Châu như đã nói ở trên, để có một giải pháp thích hợp thì bên kỹ thuật của dự án đang trình Ủy ban Nhân dân thành phố với phuơng án đầy đủ.

Đây là một đề xuất lớn nằm trong dự án đang được xây dựng, hoàn chỉnh và nghiên cứu tính khả thi. Còn trước mắt là các biện pháp thủ công.

Nguyên ở đây hiện đang có 1 kè ta-luy bằng đá và bêtông hỗ trợ quanh đảo nhưng đã cũ và xuống cấp theo thời gian. Đất trên đảo vẫn theo mưa trôi xuống lòng hồ.

Trước mắt chỉ có thể gia cố đóng cọc, đổ thêm đất và hy vọng giữ không cho cốt đảo thấp thêm xuống. Trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám vẫn có đội duy tu bảo dưỡng tuần vài lần sang đảo kiểm tra tình hình.

Hồ Văn - sẽ là nơi tôn vinh văn chương?

* Theo dự án nói trên, thì Trung tâm sẽ thống nhất quản lý và khai thác hai khu vực Hồ Văn, Vườn Giám trong quần thể di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói chung. Vậy với việc tôn tạo đảo Kim Châu, diện mạo tương lai của Hồ Văn sẽ như thế nào?

- Những ý kiến khôi phục, bảo tồn và phát triển các hạng mục di tích ở khu vực Hồ Văn rất phong phú. Hồ Văn vốn là địa điểm sinh hoạt mang đậm chất văn chương của các sĩ tử thời xưa.

Nơi đây đã từng tập hợp, hội tụ các nhà văn nhà thơ lớn vào các ngày Tết, ngày lễ, đầu Xuân để bình thơ, giảng văn, trở thành một truyền thống của người Hà thành xưa.

Đến hôm nay khi nó đã bị lãng quên và mai một đi, nên Trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám đề xuất kế hoạch phục dựng lại, trước hết là đảo Kim Châu ở giữa hồ.

Cùng với kế hoạch nâng cốt đảo Kim Châu, trên đảo sẽ xây dựng một ngôi đình 8 mái để thành nơi cho các nhà văn, nhà thơ của thành phố tụ hội, bình thơ, bình văn.

Xung quanh Hồ Văn chúng tôi cũng sẽ xây các tấm bia, trên đó có các bài văn, thơ độc đáo tiêu biểu của hàng nghìn năm được ông cha ta lưu truyền trong sử sách, thư tịch cổ. Người đến đấy bình thơ, giảng thơ cũng phải ăn mặc theo lối khăn xếp, áo the và mang tác phong của một ông đồ hoặc một nhân sĩ Hà thành đúng dáng dấp của thế kỷ 18, 19.

Bên cạnh các tấm bia như vậy sẽ có tượng chân dung của các nhà văn, nhà thơ, các nhân sĩ lớn của đất nước như Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung, Nguyễn Trực, Nguyễn Bỉnh Khiêm v.v... như vậy khu vực Hồ Văn sẽ tạo thành một không gian văn hóa độc đáo và cũng hết sức có ý nghĩa.

Xung quanh tường Hồ Văn chúng tôi sẽ cho áp những phiến đá mài nhẵn để viết những câu thơ, bài văn nổi tiếng trong lịch sử của đất nước chúng ta. Diềm của những phiến đá đó sẽ có những hình trang trí mang đúng phong cách của triều Lê hoặc triều Nguyễn để mọi người có cảm giác toàn bộ không gian xung quanh Hồ Văn là một không gian lịch sử, vang vọng tiếng nguời xưa.

Sẽ bắc cầu ra đảo Kim Châu?

* Chắc chắn trong thời gian tới, dư luận sẽ hết sức quan tâm tới những ý tưởng hạng mục trong dự án. Nghe nói theo dự án thì phải làm cầu bắc sang đảo?

- Chúng tôi đề xuất sẽ xây hai cây cầu bằng đá gọi là “song kiều,” một chiếc để đi sang và một chiếc để đi quay trở lại.

Trên thành cầu chúng tôi cho khắc các hình trang trí bằng các bài thơ chữ Hán và cả chữ Việt, những bài thơ nổi tiếng về Thăng Long-Hà Nội.

Những bài thơ văn hay, độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam được khắc trên thành cầu.

Cầu làm bằng đá, khách tham quan có thể từ bên này qua cầu đi sang bên kia dự các buổi bình thơ, văn, tạo ra một sinh hoạt rất riêng của giới văn nhân mang đậm truyền thống của người Thăng Long-Hà Nội xưa.

Việc xây dựng “song kiều” này là một ý tưởng mà chúng tôi cho là hết sức cần thiết và cũng rất hợp lý với một không gian di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám như chúng ta đang thấy.

* Xin cảm ơn ông./.

(TT&VH/Vietnam+)