Cụm di tích lịch sử đình và chùa Đại Lan

Đình Đại Lan. (Nguồn: Internet)

Đình và chùa Đại Lan thuộc thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đình cùng với chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, trước ở sát bờ sông, sau do bờ sông bị lở nên được di chuyển vào vị trí hiện nay.

Năm 1989, cụm di tích này được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Đình Đại Lan

Đình Đại Lan thờ bốn vị Thành hoàng làng, trong đó ba vị thuộc thời Hùng Vương là Linh Hổ, Minh Châu và Chà Lục có công dẹp giặc và Nguyễn Như Đổ - một đại thần nhà Lê, thi đỗ Bảng nhãn, làm quan trải tám triều, tới chức Thượng thư với tước Quận công, ba lần đi sứ Trung Quốc, thọ trên trăm tuổi.

Đình là một kiến trúc nhỏ hình chữ "Đinh," gồm ba gian tiền đình và hai gian hậu cung. Hai gian bên nền tiền đình được tôn cao 20cm làm chỗ ngồi cho dân làng mỗi khi có hội họp. Một bức hoành phi làm theo dạng cuốn thư và một cửa võng được đục chạm rất tinh xảo.

Các đề tài điêu khắc ở bức hoành phi và cửa võng đều mang nét chạm khắc truyền thống: lưỡng long triều nhật, rồng cuốn thủy, long mã tranh châu, phượng múa… Cũng tại đây bày một hương án với những mảng điêu khắc kín xung quanh diềm. Trong hậu cung còn có một khám lớn, đặt các long ngai và bài vị của bốn vị Thành hoàng làng.

Hiện nay ở đây còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị gồm 11 đạo sắc phong của các triều Lê và Nguyễn, sắc có niên đại sớm nhất là Chính Hòa 12 (năm 1691). Một cửa võng, ba long ngai bài vị, một hương án, hai án văn, hai cây trúc hóa long nghê, bốn bộ kiệu, bát hương gốm, chén sứ, những hiện vật này đều mang nét nghệ thuật thế kỷ 18, hai lọ sứ đời Thanh, bốn nậm rượu tương truyền của Nguyễn Như Đổ đi sứ Trung Quốc đem về cung tiến vào đình, một cuốn Thần phả, một quyển Văn tế ghi danh 18 vị khoa bảng của làng được thờ trong văn chỉ, cùng nhiều câu đối…

Chùa Đại Lan

Chùa có quy mô kiến trúc khá lớn với hai ngôi nhà liên tiếp nhau. Nhà tiền tế để trống làm nơi hội họp của dân làng, nhà phía sau làm chùa thờ Phật. Tiền tế được trang trí những đề tài điêu khắc truyền thống như rồng, phượng, hoa, lá.

Nhà phía sau chùa được xây dựng theo kiểu chữ "Đinh," ba gian tiền đường gắn thông với hai gian hậu cung. Các đề tài trang trí ở đây đều là những đề tài truyền thống gồm tứ linh, tứ quý, đáng lưu ý là hai bức cốn nách thể hiện rồng mây ẩn hiện.

Tại hậu cung có xây các bệ cao dần lên từ ngoài vào trong, trên đặt các pho tượng Phật. Tượng Tam Thế, A Di Đà, Ngọc Hoàng với hai bên là Phạm Thiên, Đế Thích, Thích Ca sơ sinh trong vòng Cửu Long với hai bên là Kim Đồng và Ngọc Nữ. Ở sát hai bên tường hậu cung còn có tượng Quan Âm tọa sơn, Quan Âm tống tử và Thổ Thần. Phía ngoài Tiền đường có các bệ thờ Đức Ông, Thánh Hiền, Diệm Nhiên và Đại Sĩ.

Bên cạnh chùa là nhà thờ Tổ và Mẫu cũng được xây theo hình chữ “Đinh,” có tiền đường và hậu cung. Tại tiền đường đặt tượng các vị sư Tổ, còn trong hậu cung đặt các tượng Thánh Mẫu, Đức Phật Quan Âm và một số tượng Ông Hoàng cùng tượng Hậu.

Ngoài các tượng Phật, chùa Đại Lan còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị, cửa võng, hương án, bát hương thời Lê, một đôi lọ sứ thời Thanh, hai quả chuông, bốn bức hoành phi và hai đôi câu đối./.

Đình Trung (TTXVN/Vietnam+)