Bất cập trong quản lý game online và "bịt" ngã tư

Rào chắn ở ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh-Láng đã được dỡ bỏ. (Ảnh: Bùi Tường/TTXVN)

Tại phiên chất vấn sáng 14/7 tại Kỳ họp thứ 21 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XII, việc quản lý hoạt động kinh doanh đại lý Internet; thực trạng “bịt” ngã tư mà vẫn gây ách tắc giao thông; công tác dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho con em nông dân ở những nơi bị thu hồi đất là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Phiên chất vấn có sự tham dự của ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo và các thành viên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Bất cập trong quản lý nhà nước về đại lý Internet

Báo cáo với các đại biểu, ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thừa nhận sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đại lý Internet. Nguyên nhân chính là do có nhiều cơ quan cùng quản lý, trong khi sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan lại chưa đồng bộ.

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định cấp phép cung cấp dịch vụ Internet cho doanh nghiệp trong khi việc thẩm định, cấp phép các đại lý Internet lại là trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã; còn Bộ Thông tin và Truyền thông duyệt và cho phép doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến...

Từ đó dẫn đến tình hình quản lý đại lý Internet trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng còn nhiều hạn chế, đặc biệt thiếu những chế tài và biện pháp kỹ thuật nghiêm minh để kiểm soát được game lậu, game từ máy chủ nước ngoài...

Những mặt trái của Internet và game online với những nội dung bạo lực, thiếu lành mạnh… đã và đang làm băng hoại nhân cách của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên.

Thấy rõ sự nguy hiểm của game bạo lực, đại biểu Bùi Thị An đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông làm rõ thêm những giải pháp mà Sở sẽ phải thực hiện trong thời gian tới theo Nghị định 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là “làm thế nào để ngăn chặn game “bẩn”?

Đặc biệt thành phố có xin cơ chế đặc thù để giải quyết triệt để “vấn nạn” này không? Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, hiện nay thành phố đang tổng hợp đánh giá tình hình hoạt động của các đại lý Internet trên địa bàn thành phố và đang thực hiện cài đặt thí điểm phần mềm “quản lý đại lý Internet” tại quận Hoàn Kiếm; từ đó sẽ rút kinh nghiệm để triển khai rộng rãi tại 28 quận, huyện, thị xã còn lại.

Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn sử dụng trò chơi trực tuyến một cách lành mạnh; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điều kiện kinh doanh của các đại lý...

Hết “bịt” lại “mở” vẫn ùn tắc giao thông

Theo trình bày của ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, theo thuật ngữ chuyên ngành, quan niệm dân gian “bịt ngã ba, ngã tư” được gọi là “đảo giao thông hình tròn.”

Nhưng hiện nay khi chưa có đủ điều kiện áp dụng “đảo giao thông hình tròn” thì thành phố áp dụng “đảo giao thông hình elip dẹp.” Ông Hùng cho biết, đầu năm 2009, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 124 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Qua quá trình khảo sát và nghiên cứu, Sở Giao thông Vận tải và Sở Công an thành phố đã chủ động thí điểm tiến hành các bước cải tạo, tổ chức lại giao thông tại một số tuyến nút có nguy cơ ùn tắc giao thông cao như như tuyến Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh; Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân- Phố Huế-Bạch Mai, Đào Tấn-đường Láng...

Thực tế cho thấy, tại một số nút giao thông, hiện tượng ùn ứ giao thông chưa được giải quyết triệt để do sự gia tăng mạnh mẽ của các loại phương tiện cá nhân nên lưu lượng phương tiện lưu hành vượt quá khả năng thông hành của nút; một số điểm quay đầu xe có bán kính quay đầu nhỏ, vào giờ cao điểm lưu lượng giao thông lớn đã dẫn đến ùn ứ cục bộ.

Cũng liên quan đến giao thông, đại biểu Tô Yên Khánh cho biết Dự án hạ ngầm và chỉnh trang đường phố là “nằm trong tay thành phố” nhưng cách thức thực hiện không chấp nhận được, chất lượng vô cùng tồi, chạy theo tiến độ, gây bức xúc trong dân.

Chung thắc mắc này, đại biểu Phạm Thị Thành gợi mở, các nước có một công ty phụ trách công trình ngầm, mọi việc liên quan đều do công ty này quản lý, thành phố Hà Nội có không? Bởi hiện nay, hiện tượng “đào lên, lấp xuống rồi đào lên” cứ diễn ra hết năm này sang năm khác, đặc biệt trong thời gian thực hiện dự án hạ ngầm. “Làm như thế vừa khổ cho dân lại vừa lãng phí,” đại biểu Thành lên tiếng.

Giải đáp những thắc mắc này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết vỉa hè đã phân cấp quản lý cho các quận huyện và những hạ tầng đô thị khác (như thoát nước, cấp nước…) thuộc ngành khác quản lý. Tuy nhiên ông Hùng thừa nhận là việc hoàn trả đường sau khi hạ ngầm là không đồng bộ, “chúng tôi sẽ tiếp thu và xử lý.”

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết, đến 30/7/2010 sẽ cơ bản hoàn thành các dự án hạ ngầm và chỉnh trang đường phố, chậm nhất đến 15/8/2010 mọi công tác chỉnh trang đường phố Hà Nội sẽ phải xong.

Chưa thống kê được số thanh niên sau khi học nghề tìm được việc

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội cho biết, ước tính toàn thành phố hiện nay có khoảng 40.000 lao động do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp bị mất việc làm, cần hỗ trợ giải quyết việc làm.

Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy người lao động ở khu vực này không có nhu cầu đào tạo vì họ cho rằng đã có một thu nhập rất lớn do được đền bù. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa đủ để người lao động hiểu được họ sẽ có tương lai sau khi đi học về có nghề thì sẽ có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống lâu dài. Đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến những người trong độ tuổi lao động ở khu vực này đi học nghề rất ít.

Đại biểu Bùi Thị An đặt thẳng câu hỏi, hiện nay có bao nhiêu người trong độ tuổi lao động được đi học nghề đã tìm được việc làm thì đã nhận được câu trả lời từ Giám đốc Sở Lao động Thương binh-xã hội là “đến nay chưa thống kê được con số này”./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)