Chuyện của “bà đại biểu hội đồng” Phạm Thị Thành

NSND Phạm Thị Thành phát biểu tại kỳ họp đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố. (Nguồn: Internet)

Gần 70 tuổi, ngoài nghề đạo diễn, tôi cũng từng có thời gian làm Giám đốc Nhà hát Kịch Tuổi trẻ và Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Kinh nghiệm từ những năm ấy cũng giúp tôi tự tin hơn khi tham gia Hội đồng Nhân dân thành phố, cho dù đó là một công việc khác nhiều so với “nghề” quản lý - nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành bắt đầu câu chuyện.

Vào Hội đồng chỉ sợ “họp”

Tôi về hưu năm 1999, sau đó có tham gia hoạt động tại nhiều hội nghề nghiệp, chẳng hạn như làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Đầu năm 2004, khi chuẩn bị bầu cử Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội, tôi được động viên để ứng cử. Nói không ham thì có vẻ sáo rỗng quá, nhưng quả thật, nhìn lại quãng thời gian làm quản lý, tôi sợ nhất là chuyện liên miên họp hành hết tháng lại ngày. Hỏi, các anh lãnh đạo “dỗ”: Không sợ, Thành cứ ra đi. Làm đại biểu của thành phố thì không vất vả như các “ông” Quốc hội đâu, ba bốn tháng mới họp một lần.

Ở tuổi 63 khi đó, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản: Mình về hưu, dù có tiếp tục làm nghề thì vẫn sẽ có nhiều thời gian trống. Mà với tôi, điều đáng sợ nhất của tuổi già là cảnh ngồi không và chỉ nói mãi về những gì đã từng làm.

Vào Hội đồng Nhân dân, do xuất thân từ ngành sân khấu, tôi được đưa về Ban Văn hóa - Xã hội. Hóa ra làm đại biểu Hội đồng Nhân dân chẳng “nhàn” chút nào. Ngoài những kì họp còn hàng lô công việc khác, trong đó nhiều nhất là những lần đi kiểm tra thực tế và góp ý các vấn đề mà cơ sở phản ánh. Chẳng hạn kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, về thiết bị trường học, thậm chí cả về kế hoạch hóa gia đình. Thảng hoặc, cũng đôi khi tôi gặp những công việc gần với chuyên môn của mình, chẳng hạn như một số lần về Sơn Tây kiểm tra công tác tu bổ di tích Thành cổ.

Bạn bè hỏi: Thường đi kiểm tra theo cách được “cơ sở bố trí” chứ không phải “vi hành”, liệu các đại biểu có dễ nhìn ra những góc tối mà dư luận phản ánh không? Quả thật, trong những chuyến kiểm tra ấy, dễ nhận thấy công tác quản lý ở cơ sở khá tốt, khá hay chứ không tệ như báo chí “kêu” (cười). Tuy nhiên, với những trường hợp bất cập về môi trường, vệ sinh công cộng... thì các đại biểu có thể nhìn ra được. Chẳng hạn, một đề xuất của Ban Văn hóa - Xã hội đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tán thành là việc xóa bỏ khu chợ tạm Đức Viên (Gia Lâm) để chuyển tới một khu vực khác thông thoáng và vệ sinh hơn.

Những lần “thắc mắc”

Tại những kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội, tôi cũng thường phát biểu và “thắc mắc”. Đơn giản, tôi nghĩ rằng: Cử tri tín nhiệm mình để làm một việc duy nhất: nói thay cho họ trong những kỳ họp này. Sẽ là rất tệ, nếu trong 5 năm nhiệm kỳ, mình chỉ ngồi im mà chẳng phát biểu được câu nào, cho dù gặp những chuyện không thể bằng lòng.

Chẳng hạn, năm 2006, trong cuộc họp, tôi là một trong những người đứng lên chất vấn ông Hoàng Văn Nghiên (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội khi đó) về việc sử dụng chiếc xe ô tô Lexus trị giá 5 tỷ đồng. Câu trả lời nhận được khi đó đại ý là điều này đã được lãnh đạo cấp cao cho phép, và thành phố Hà Nội cũng cần một chiếc xe sang trọng để “đẹp mặt”. Tôi hỏi tiếp rằng biết là như vậy, nhưng nhân dân còn nghèo, đi chiếc xe “xịn” như thế thì liệu có nhận được sự đồng thuận từ dư luận không? Chuyện chỉ có vậy, nhưng sau này nhiều người thích ly kỳ hóa nên đồn rằng chính tôi là so sánh chiếc xe đó trị giá 3.000 con trâu. Thật ra, sự so sánh đó là của báo chí (cười).

Hai lần “thắc mắc” gần nhất của tôi là về ý tưởng đặt tên “Đại lộ Ngàn năm Thăng Long” cho con đường Láng - Hòa Lạc kéo dài và việc dựng cổng chào Hà Nội. Ở câu chuyện thứ nhất, tôi hỏi: Tại sao phải lồng chữ “ngàn năm” vào cái tên ấy để ghi nhớ năm 2010 làm gì? Nếu vậy, tới năm 2110, chúng ta sẽ phải đổi tên tiếp thành Đại lộ Một ngàn một trăm năm Thăng Long thì mới phù hợp. Còn ở chuyện thứ hai, tôi không muốn “thắc mắc” nữa. Tôi nói thẳng rằng “không tán thành” đề án này. Và kết luận: Có cảm giác rằng chúng ta chưa định hình về vị trí địa lý Hà Nội nên vẫn hoang mang giữa việc chọn bốn cửa, năm cửa và cả vị trí đặt cổng chào.

Tôi vốn là người nóng tính và cho rằng việc nói thẳng là điều cần thiết để tranh thủ thời gian trong các kỳ họp như vậy. Tất nhiên, trong nhiều trường hợp, mình cũng phải nói nhẹ nhàng và “có trước có sau”, để không thành buộc tội người khác một cách vô lý. Chẳng hạn, lần giải tỏa mặt bằng tại làng đào Nhật Tân để làm dự án, tôi cũng lưỡng lự mãi rồi mới có thể đặt câu hỏi: Dư luận đang có thông tin rằng một số đồng chí lãnh đạo thành phố được hưởng “suất” mua đất giá rẻ khi giải tỏa xong. Tôi nghĩ chúng ta nên chú ý tới thông tin này để tránh gây hoang mang hiểu lầm...

Thỉnh thoảng được cấp kinh phí để… may áo dài

* Sau những lần phát biểu như vậy, có bao giờ bà gặp những phản ứng thiếu tích cực nào không?

- Nói thật là chưa bao giờ. Có lẽ, ngay cả ở những kỳ họp Quốc hội chuyện góp ý hay “thắc mắc” một cách cởi mở cũng là điều được mọi người quen rồi. Thỉnh thoảng, lúc nghỉ giải lao, một số trợ lý, văn phòng, phó giám đốc... có gặp tôi tại hành lang và cười: Chỗ thân tình, theo tôi thì chị Thành cứ nói thoải mái, nhưng nên... hạ giọng và bớt gay gắt thì người nghe dễ “vào” còn không khí cuộc họp cũng đỡ căng thẳng hơn. Tôi nghĩ, đó cũng là những lời góp ý mang tính thiện chí thôi.

* Còn các lãnh đạo cấp cao hơn thì phản ứng thế nào khi nghe bà “thắc mắc”?

- Mọi thứ đều diễn ra bình thường như trong các cuộc họp. Có một lần duy nhất là phiên họp vừa rồi khi bàn tới vấn đề cổng chào. Giờ giải lao, Bí thư Phạm Quang Nghị có tới gặp tôi ngoài hành lang và hỏi: Tôi muốn chị Thành nói cụ thể hơn. Theo chị, giải pháp cho chuyện cổng chào nên được tính thế nào? Chỉ có vậy thôi.

* Xin hỏi thật, một đại biểu Hội đồng Nhân dân như bà được hưởng chế độ bồi dưỡng ra sao?

- Không có gì nhiều (cười). Đại khái mỗi ngày họp, tôi được bồi dưỡng 50.000 đồng tiền ăn trưa. Hình như theo chế độ mới thì gần đây khoản này có tăng thêm một chút. Ngoài ra, khoảng vài năm một lần thì tôi được cấp kinh phí để... may một chiếc áo dài. Lương hưu của tôi cũng được cộng thêm vài chục phần trăm, cũng không đáng kể nếu so với mức trượt giá như bây giờ. Nếu bạn hỏi ở góc độ thu nhập “ không chính thức” thì tôi cũng nói luôn: Chẳng có khoản biếu xén, thăm nom gì từ doanh nghiệp hay đơn vị nào đâu. Có chăng, mỗi năm các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố được đi tham quan để “trao đổi, học tập kinh nghiệm” một vài lần, như đi Cao Bằng, Côn Đảo, Thành phố Hồ Chí Minh... Nói thật, những chỗ đó thì tôi cũng đã có dịp đi rồi nên đôi khi không tham gia./.

(TT&VH/Vietnam+)