Người phụ nữ viết sách lưu giữ ký ức về Hà Nội

Bà Nguyễn Bích Ngọc. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Thiếu nữ Hà Nội xưa dù ở nhà hay ra phố đều mặc áo dài, cặp tóc trễ sau lưng duyên dáng, thướt tha. Ngay cả những cô gái bán hàng rong, với những thứ quà giản dị như bún, bánh cuốn... cũng thế.

Đó là những ký ức về Hà Nội của những ngày chưa xa lắm vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí bà Nguyễn Bích Ngọc. Là người gốc Hà thành, tuổi thơ và thời thiếu nữ lớn lên trong khu phố cổ đã để lại trong bà nhiều kỷ niệm đẹp về Hà Nội.

Đây cũng chính là nguồn tư liệu phong phú để người giáo viên dạy văn đam mê nghiên cứu biên soạn nhiều cuốn sách độc đáo về Thăng Long - Hà Nội.

Chỉ còn trong ký ức

Bà Ngọc trông trẻ hơn tuổi 77 rất nhiều và gương mặt vẫn còn những nét đẹp của người con gái khuê các đất kinh kỳ khi xưa. Nay đang ở cùng các con ở phố Vũ Ngọc Phan, bà vẫn còn nhớ con phố Hàng Đường nhà bà trong những năm 40-50 của thế kỷ trước, buôn bán sầm uất nhưng không ồn ã, xô bồ. Hà Nội ngày ấy cũng vậy, đẹp và bình lặng.

Thiếu nữ Hà Nội xưa khi ở nhà hay ra phố đều mặc áo dài. Không cứ gì con nhà khuê các, ngay cả những cô gái bán hàng rong, với những thứ quà giản dị như bún, bánh cuốn... cũng mặc áo dài nâu, áo the với thắt lưng xanh, hồng cánh sen hay hoàng yến.

Hàng rong xưa phải là: Anh sắm cho em đôi quang tám dẻ cho bền/Chọn người thanh lịch gánh lên kinh thành.

Ký ức sâu đậm nhất của bà Ngọc về mẹ - một người phụ nữ đảm đang, tháo vát từng có cửa hàng tơ lụa nổi tiếng ở Hàng Đào - là cung cách tiếp khách chu đáo, tinh tế của mẹ.

“Mặc dù trong nhà có người làm nhưng mẹ tôi vẫn đích thân ướp trà, chọn những lá trầu quế thơm nhất, quả cau ngon nhất để têm mời khách. Khi các bà bạn của mẹ tôi đến chơi, các bà thường ngồi trò chuyện và hút những điếu thuốc kiểu loa kèn, cuốn từ những sợi thuốc lá đã được ướp hương hoa sói, hoa mộc,” bà Ngọc kể.

Cách chế biến, sắp xếp các món ăn trong bữa cơm gia đình xưa cũng thật tinh tế. Bà Ngọc vẫn nhớ vào thứ năm và chủ nhật hàng tuần, gia đình thường tổ chức những bữa ăn đặc biệt để các cô con gái tập nữ công gia chánh.

Những ngày giỗ, ngày Tết lại càng cầu kỳ. Năm nào cũng vậy, cứ ngày 30 Tết là bà và các con lại ngồi tỉa hoa từ các loại rau củ để làm dưa góp và trang trí cho các món ăn. Các loại thực phẩm cũng được chuẩn bị trước cả tháng, từ măng, miến, mộc nhĩ đến vây, bóng.

Ngay cả món bóng làm từ bì lợn bây giờ rất thông dụng cũng không giống như xưa. Bóng được dùng trong cỗ Tết xưa là bóng của cá dưa, cá thủ, cá đường. Bóng được chẻ thành hoa, ngâm cho nở rồi nhồi giò sống, mộc nhĩ sau đó hấp lên hoặc cắt khúc chưng với đường phèn. Khi thưởng thức, mỗi người chỉ dùng một chén nhỏ chứ không phải một bát canh lớn nấu thập cẩm như cỗ bây giờ.

“Có những hình ảnh, những món ăn của Hà Nội chỉ còn trong ký ức. Nhiều khi tôi cứ ngồi nghĩ về những ngày xưa, để nhớ, để tiếc bởi dù muốn cũng không thể giữ lại được,” bà Ngọc chia sẻ.

Sống lại trong những trang sách

Bởi nhớ, bởi tiếc nên khi đã thôi đứng trên bục giảng, bà Ngọc bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu sâu về văn hóa Hà Nội. Không chỉ là Hà Nội thời bà sống mà còn tìm về quá khứ để hiểu văn hóa Thăng Long dưới các triều đại Lý, Trần, Lê.

Những cuốn sách bà biên soạn về văn hóa Việt Nam dưới các triều đại là kết quả của niềm say mê những nét đẹp, nét độc đáo trong lối sống, lối ứng xử, trong truyền thống của người xưa.

Bà đã được mời tham gia thực hiện bộ sách kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Những cuốn như 36 gương mặt nhà giáo tiêu biểu; 36 hoàng hậu, hoàng phi; 36 mỹ nhân; 36 tình sử; Học hiệu Thăng Long… đã được bà dành rất nhiều tâm huyết.

Ở tuổi 77 bà vẫn tự đạp xe tìm đến những nhân chứng, những người sống cùng thời với các mỹ nhân Thăng Long xưa, là học trò của các nhà giáo tiêu biểu hay đã chứng kiến hoặc được nghe kể những câu chuyện tình bất hủ.

Có những mỹ nhân xưa của Hà Nội vẫn còn sống, như bà Hạc Đính, người đẹp nổi tiếng của đất Thăng Long những năm 40. Dù đã gần trăm tuổi, bà Hạc Đính vẫn còn giữ những tấm ảnh xưa, vẫn kể cho bà Ngọc nhiều câu chuyện về những người ngưỡng mộ nhan sắc của bà.

Hay chuyện kể về những học hiệu Thăng Long cũng có nhiều điều hấp dẫn. Đầu thế kỷ XX, đất Thăng Long chưa có trường học mà chỉ có những “học hiệu.” Trường của cụ Đốc Mọc, cụ Cử Kim Cổ… có tên là nhờ danh tiếng của các ông thầy. Ngay cả những người được gọi là quan Giáo thụ, Huấn đạo cũng không có trụ sở dạy học.

Trường học xưa chỉ là “Vài gian nhà học khuất trong lau, với cỏ ao vươn mình…” (Thơ Nguyễn Phi Khanh) và nổi danh bởi những người thầy uyên bác, đức độ như Lê Văn Hưu, Phù Thúc Hoành, Vũ Thạnh, Vũ Công Đạo…

Bà Ngọc cho biết: “Theo như tôi hiểu thì các ngôi trường có hình thức, cách tổ chức như ngày nay chỉ bắt đầu từ khi có trường Đông Kinh nghĩa thục, rồi đến các trường công như trường Bưởi, trường Gia Long.”

Truyền thống tôn sư trọng đạo và đức hiếu học của người Hà Nội cũng được bà đề cập nhiều trong cuốn “36 gương mặt nhà giáo tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội”. Những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò sẽ khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Không chỉ viết sách, bà Ngọc còn hoạt động trong chi hội “Chân tâm” của Hội bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long. Chi hội của bà đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, bảo vệ những di tích đền chùa đã xuống cấp của Hà Nội, gần đây nhất là tôn tạo lại đền Hội Mỹ tại phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng.

Tự nhận mình là người “nặng lòng với Hà Nội,” khi đã ở tuổi "cổ lai hy," bà vẫn say mê tìm hiểu về Hà Nội, về mảnh đất gần gũi, nơi bà đã sinh ra và lớn lên./.

(Chinhphu.vn/Vietnam+)