Sinh viên ngoại tỉnh: Quyết tâm bám trụ chốn đô thị

Sinh viên đăng ký tìm việc tại các sàn giao dịch việc làm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN).

Tốt nghiệp đại học, trụ lại thành phố - điệp khúc này đã quá quen thuộc trong sự lựa chọn của nhiều thế hệ sinh viên xuất thân từ các tỉnh ra những thành phố lớn học cao đẳng, đại học.

Chủ trương khuyến khích trí thức trẻ về xây dựng nông thôn đã có, nhưng "đường về" cho những tân cử nhân dường như còn "hẹp," nhất là khi cơ sở hạ tầng nông thôn và cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện làm việc chưa đủ hấp dẫn họ về.

Mướt mồ hôi làm trái nghề

Bên cạnh những sinh viên học ở Hà Nội ra trường bằng mọi cách trụ lại Thủ đô, còn có trường hợp sinh viên học ở tỉnh khác, sau khi tốt nghiệp cũng thiết tha tìm cơ hội việc làm ở Hà Nội.

Đổi lấy một công việc ở đây, họ chấp nhận làm trái ngành và đương đầu với không ít trở ngại.

Tháng 6, thi tốt nghiệp xong, Nguyễn Thị Hiền - sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định đã chuyển đồ đạc, tư trang lên Hà Nội.

Trong thời gian chờ lấy bằng (tháng 10 nhà trường mới phát bằng cho sinh viên), Hiền quyết tâm sẽ không để thời gian "chết," cô ngày ngày săn việc trên các trang web rao vặt.

Hiền khởi đầu quá trình tìm việc khá vất vả. Tham khảo hàng trăm nơi tuyển, cuối cùng Hiền cũng chọn được khoảng mươi địa chỉ, rồi lóc cóc xe đạp đến nơi tuyển, nộp hồ sơ. Nhưng mỗi lần đi về, cô đều thở dài đánh thượt. Chỗ thì hẹn nộp hồ sơ, đến nơi mới biết người ta tuyển kế toán trưởng chứ không tuyển nhân viên kế toán. Chỗ thì đăng tuyển là một siêu thị tầm cỡ, nhưng sau khi gọi theo số di động được ghi trên quảng cáo là người tuyển dụng của siêu thị, hẹn gặp, đến nơi mới té ngửa đó chỉ là một trung tâm giới thiệu việc làm, phải đóng phí thì họ mới dẫn đến nơi tuyển.

Vừa mất tiền điện thoại, vừa mất công đi, Hiền ấm ức vô cùng. Đó là chưa kể việc hoàn thiện được bộ hồ sơ cho đúng yêu cầu cũng vô cùng gian nan.

Không gian nan làm hồ sơ, không bị mất công mất sức vì gặp phải trung tâm "lừa đảo" nhưng có nhiều bạn lại khổ sở bị đánh trượt vì nhà tuyển dụng nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm làm việc.

Hoàng Thị Trang, sinh viên tốt nghiệp loại khá, khoa Quản trị kinh doanh (Viện Đại học mở Hà Nội) kể: "Sau 10 tháng tốt nghiệp, em vẫn chưa tìm được việc làm."

Mặc dù Trang đã nộp không dưới 20 bộ hồ sơ nhưng sau vòng phỏng vấn là "bặt vô âm tín."

"Em sẵn sàng chấp nhận khó khăn, nhưng đều bị nhà tuyển dụng từ chối chỉ vì thiếu kinh nghiệm thực tế", Trang buồn bã.

Rủi ro làm việc trái nghề

Ở lại thành phố, vừa làm vừa học văn bằng 2 hoặc tại chức để có kiến thức phù hợp với công việc mới hoặc tìm cơ hội mới là hướng đi của rất nhiều thanh niên sinh viên xuất thân từ nông thôn.

Kết quả của một điều tra do Viện Nghiên cứu giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cho thấy có 75% số sinh viên muốn học tiếp sau khi ra trường. Mong muốn được sống ở thành phố, có một công việc để "nuôi ước mơ, tìm cơ hội" khiến nhiều người sẵn sàng bỏ chuyên ngành được đào tạo trong trường đại học.

Làm trái nghề là thực trạng phổ biến của sinh viên hiện nay, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chặng đường khởi nghiệp của các bạn trẻ gian nan hơn.

Một nữ cử nhân sư phạm văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, quê ở Thái Bình, ra trường với tấm bằng khá, muốn về quê nhưng cũng không đặt nhiều hy vọng. Cô gái quyết định thử việc trái ngành ở một tòa soạn báo có tiếng ở Hà Nội. Lao vào một công việc hoàn toàn khác với ngành được đào tạo, cô gặp không ít khó khăn.

Kết quả điều tra của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2009, đối tượng là sinh viên K44 đến K48 các khoa Tâm lý học, Thông tin-Thư viện, Ngôn ngữ học, chỉ có 41,9% sinh viên ra trường sau 1 năm có việc làm đúng ngành được đào tạo.

Để bám trụ lại thành phố sau khi ra trường, sinh viên phải đối mặt với nhiều trở ngại, rủi ro, đặc biệt với những người làm trái nghề đào tạo.

Tiến sĩ Tôn Thiện Chiếu, Trưởng phòng Lao động và Nguồn nhân lực (Viện Xã hội học) phân tích làm việc trái ngành thì phí thời gian, tiền của đào tạo suốt mấy năm đại học mà khi làm trái nghề, họ ở vào thế bất lợi khi ký hợp đồng lao động.

"Nhiều cơ hội nhưng không phải dễ mà được chọn. Nhiều lúc họ buộc phải chấp nhận những hợp đồng chưa đúng với những điều khoản của Bộ luật Lao động, ví dụ, không được đóng bảo hiểm. Nhất là khi vào làm trong những doanh nghiệp liên doanh, khi có tranh chấp lao động, họ bị yếu thế, dễ bị tổn thương," tiến sĩ Chiếu nói.

Do đó, muốn tự bảo vệ mình, hạn chế những tổn thương có thể gặp phải, các chuyên gia về nguồn nhân lực khuyến cáo một thanh niên muốn sống ở thành phố, đặc biệt là vào làm trong các doanh nghiệp, ngoài việc phải có trình độ chuyên môn, cần thiết có hiểu biết pháp luật, nhất là luật lao động.

Để nông thôn thu hút được trí thức trẻ

Theo tiến sĩ Chiếu, việc thanh niên dồn về thành phố tìm việc, sinh viên học xong ở lại thành phố là một xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Thực tế này không chỉ hiện nay mới có mà thậm chí, thời bao cấp, sinh viên ra trường, được phân về nông thôn đã có "tình trạng chống quyết định," tức là nhiều sinh viên được phân công về các tỉnh miền núi đã không nhận quyết định.

Có nhiều nguyên nhân như ở thành phố dễ kiếm việc, thu nhập cao hơn, môi trường sống dễ chịu hơn so với nông thôn. Thành phố có những cơ sở, phương tiện tiếp cận với nhiều thông tin, có nhiều cơ hội hơn.

Một nguyên nhân nữa là thanh niên sinh viên sau một thời gian học ở thành phố, đã nhiễm lối sống đô thị. Họ so sánh và thấy sống ở đô thị thoải mái, đầy đủ dịch vụ tiện nghi, còn nông thôn không tiện nghi, không có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại phục vụ công việc và cuộc sống của họ. Thế nên, rất nhiều sinh viên sau khi ra trường, ở lại thành phố không phải vì muốn có điều kiện phát huy chuyên ngành được học mà chỉ là để được tiếp tục sống ở thành phố.

Tuy nhiên, nếu sinh viên hễ ra trường là ở lại thành phố thì sẽ dẫn đến mất cân đối trong thị trường lao động các vùng miền. Nơi thì tập trung quá nhiều lao động kỹ thuật chuyên môn, thậm chí có chuyên môn nhưng lại bỏ chuyên môn để làm ngành khác, rất lãng phí.

Tiến sĩ Chiếu cho rằng chủ trương thu hút nhân lực trẻ có chuyên môn về nông thôn là đúng đắn nhưng muốn hiệu quả, cần đầu tư cho nông thôn về cơ sở hạ tầng, để trí thức trẻ có thể dễ dàng tiếp cận tri thức mới. Đồng thời, cần nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật của điều kiện làm việc để tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn, có điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn. Nếu không, việc sinh viên tốt nghiệp xong ở lại thành phố là tất yếu và sẽ còn tiếp diễn./.

Mạnh Minh (Báo Tin Tức/Vietnam+)