Nguyễn Thị Quế - Bà lang còn lại của làng thuốc nam

Bà lang của làng thuốc Đại Yên bên vườn thuốc còn sót lại. (Nguồn: TT&VH)

Dù chẳng biết làng thuốc ngàn tuổi giữa thủ đô này sẽ tồn tại được bao lâu nữa trước sự đô thị hóa, nhưng hơn 70 năm nay cụ Nguyễn Thị Quế ở làng Đại Yên vẫn tần tảo chăm bón cho mảnh vườn thuốc Nam của mình. Vườn thuốc của cụ như một “vườn thảo mộc” còn vương lại chốn trần gian.

Hương thuốc hồn người

Ít ai biết làng cổ Đại Yên thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội lại có nghề truyền thống trồng cây thuốc Nam ngót ngét ngàn năm nay.

Sử làng chép rõ, vào thời nhà Lý thế kỉ XI, một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi, rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây. Quân lính của Lý Thường Kiệt qua đây bị mắc bệnh đều được cô chữa giúp. Nhờ đó, quân ta đã đánh thắng giặc.

Ngọc Tường được nhà vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa công chúa, nhưng vì nhớ mẹ nên cô đã quay trở lại làng Đại Bi (Đại Yên ngày nay) và truyền nghề thuốc cho dân.

Trước đây, ở làng này gia đình nào cũng có một vườn cây lá thuốc. Thập niên 70- 80 của thế kỷ XX, cả làng là vựa thuốc cung cấp cho Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và hàng thuốc nam còn bày bán rộng khắp các chợ Khâm Thiên, Cửa Nam, Đồng Xuân, Phố thuốc Bắc.

Cụ Quế năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng đôi mắt vẫn tinh tường, đôi tay vẫn còn khỏe để ngày hai buổi dọn vườn và hái thuốc. Nhà cụ đã sáu đời trồng và bán thuốc nam ở làng.

Tuổi thơ cụ đã gắn chặt với cây thuốc Nam, từ khi còn nhỏ, cụ và trẻ con trong làng đã chơi những trò chơi đố tên các loại cây thuốc. Lên tám tuổi, cụ đã biết đi cắt lá đem về sao thuốc chữa bệnh.

Nghề trồng cây thuốc rất vất vả và gian truân. Bất kể ngày nắng hay mưa người trồng thuốc cũng phải có mặt ở vườn, cũng “chân lấm tay bùn” như người nông dân “bới đất, kiếm ăn" vậy.

Thời con gái, những bước chân gánh thuốc của cụ đã in dấu trên khắp chốn Hà Thành. Cụ thường gánh cây thuốc đi bán rong ở những con phố cổ như phố Thuốc Bắc, Khâm Thiên, Cửa Nam, chợ Đồng Xuân. Rồi khi tuổi già đến, cụ không còn đủ sức đi các chợ nữa thì cụ lại quay về chợ ngay tại cổng làng Đại Yên.

Cụ Quế dẫn chúng tôi ra mảnh vườn thuốc của gia đình, khu vườn xanh mát luôn thoang thoảng hương thơm thanh khiết dễ chịu của dược liệu.

Với diện tích khoảng 400m2, khu vườn có đủ các loại cây thuốc nam như hương nhu, mã đề, sài đất, lô hội, trinh nữ hoàng cung, lá mò, bưởi bung, lưỡi đồng, lá diễn.

Dù vất vả nhưng thu nhập của cụ Quế từ vườn trồng thuốc Nam chỉ đạt chừng bốn năm chục nghìn một ngày. Cụ vẫn quyết tâm giữ nghề vì đây là công việc đã gắn bó với cụ cả đời và cũng là nghề truyền thống của gia đình.

Cụ Quế không chỉ thông thạo cách chăm sóc, đặc tính chữa bệnh của từng loại cây, mà còn có thể nghe kể bệnh để bốc thuốc. Rồi cụ chỉ vào từng cây mà nói vanh vách.

Cây hương nhu lá nhỏ có răng cưa, thân màu tía, có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Loại cây này trị cảm nắng, sốt nóng ớn lạnh, nhức đầu, đau bụng đi ngoài, tức ngực, nôn mửa. Cây mã đề dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu, phù thũng, ho lâu ngày, tiêu chảy, chảy máu cam.

Cả một cuộc đời gắn bó với mảnh đất trồng lá thuốc, cụ Quế vẫn tâm niệm sẽ làm cho đến lúc nào không còn đủ sức nữa thì thôi.”

Làng nghề sắp đi vào cổ tích

Cụ Quế xót xa dọc con kênh chảy ven cống của đình làng, chỉ còn sót lại bốn khu vườn nho nhỏ nằm chênh vênh bên những đống rác phế thải.

Làng cũng chỉ còn vài ba hộ sống bằng nghề trồng thuốc, bốc thuốc và những “mảnh hồn” lá thuốc Đại Yên không biết còn có thể "vương vấn" được bao nhiêu lâu nữa.

Trong những năm gần đây người dân làng đua nhau bán đất hoặc xây nhà cửa cho thuê, những vườn cây bị phá bỏ hoặc bị thu hẹp và có nguy cơ biến mất. Những khu nhà cao tầng thi nhau mọc lên và những mảnh vườn kèm theo vô số các loại cây thuốc biến mất vĩnh viễn.

Giờ muốn mua một số cây thuốc, phải nhờ con cháu về tận Canh, Diễn, Thanh Trì, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với hơn 200 loại cây lá trước đây cả.

Bà cụ lo rằng: “Rồi mai đây Đại Yên chẳng có lấy một thước đất để trồng cây thuốc. Cái nghề làm phúc cho đời cũng theo đó mà mất đi.”

Mảnh vườn ít ỏi của gia đình đang đứng trước nguy cơ giải tỏa vẫn được cụ chắt chiu chăm sóc. Với cụ thì mùi hương của lá thuốc đã thấm vào đất làng, thấm vào máu xương. Mà dù có tiếc nuối bà cụ cũng chẳng biết phải làm gì để gìn giữ, chẳng còn đất mà lưu truyền cho hậu sinh nữa.

Mỗi buổi chiều, thuốc Nam thu hoạch từ các khu vườn của làng Đại Yên được bày bán ở một chợ cóc nhỏ ngay cạnh cổng làng. Trước kia, nơi đây là một chợ thuốc Nam nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội, mỗi lần họp chợ người mua kẻ bán tấp nập. Bây giờ, mỗi buổi chợ chỉ còn lèo tèo vài ba người bán và mua hàng.

Và mấy ai biết được ngay trong lòng Hà Nội có một làng thuốc nam đã gần ngàn năm tuổi. Những bà lang trồng thuốc Nam ở làng cổ Đại Yên như cụ Quế chính là những nghệ nhân đang nắm trong tay vốn văn hóa phi vật thể của cha ông truyền lại từ 1.000 năm qua.

Làng thuốc nam Đại Yên đang có nguy cơ mai một dần. Liệu có một lúc nào đó chúng ta chỉ còn nghe đến nghề trồng thuốc nam của làng Đại Yên như một câu chuyện cổ tích?./.

(TT&VH/Vietnam+)