Công bố và xác lập bảy kỷ lục Phật giáo ở Hà Nội

Chùa Trấn Quốc - nơi phát xuất Thiền phái Thảo Đường ở Việt Nam. (Nguồn: Internet)

Vào đêm Lễ hội hoa đăng “Dấu ấn Thăng Long” diễn ra tối 31/7, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam và Ban tổ chức đã công bố bảy kỷ lục Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Chùa Trấn Quốc - nơi phát xuất Thiền phái Thảo Đường ở Việt Nam: Năm 1069 vua Lý Thánh Tông mời Thiền sư Thảo Đường về trụ trì và đã phong ông làm quốc sư.

Thiền học của Thảo Đường có những giác sắc mới lạ và từ đó Việt Nam có thêm một thiền phái nữa.

Chùa Hương Hải  hay còn gọi Hương Hải Ni viện là Ni viện Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Chùa tọa lạc tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, khởi dựng từ thời nhà Lý (1009-1225). Ni sư Diệu Nhân (1041-1113) thuở nhỏ được vua Lý Thánh Tông nuôi dạy trong cung.

Sau khi chồng mất, bà thủ tiết, cạo đầu xuất gia, xin thọ giới Bồ Tát với Thiền sư Chân Không, ngài ban cho bà pháp danh Diệu Nhân và dạy trụ trì Ni viện Hương Hải.

Chùa Kiến Sơ - nơi phát xuất Thiền phái vô Ngôn thông ở Việt Nam: chùa cũng toại lạc tại xã Phù Đổng, do thiền sư Lập Đức khởi dựng.

Năm 820, Thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang Việt Nam thuyết pháp, được Thiền sư Lập Đức tôn làm thầy, mời ở lại trụ trì chùa Kiến Sơ. Từ đấy, chùa Kiến Sơ trở thành trung tâm của Thiền phái Vô Ngôn Thông ở Việt Nam.

Chùa Ngũ Xã với Pho tượng Đức Phật A Di Đà bằng đồng đầu tiên ở Việt Nam: Làng Ngũ Xã nổi tiếng với nghề đúc đồng, nay ở phố Ngũ Xã, quận Ba Đình.

Pho tượng Đức Phật A Di Đà tôn trí trong chánh điện là pho tượng lớn nhất và cũng là đầu tiên do các nghệ nhân đúc đồng tại làng Ngũ Xã thực hiện từ năm 1949-1952.

Tượng cao 3,95m, khoảng cách giữa hai đầu gối là 3,60m, nặng 10 tấn. Pho tượng đặt trên tòa sen cao 1,45m, nặng 3,9 tấn. Chùa Ngũ Xã dựng vào thế kỷ XVIII.

Tháp Báo Ân - ngôi tháp tôn trí tượng Phật bằng đồng nhiều nhất. Tháp được xây dựng xong vào năm 2007 trong khuôn viên Chùa Bằng tọa lạc tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - chùa khởi dựng từ đầu triều Lê Sơ, trùng tu năm 1654.

Tháp Báo Ân cao 54m, bên trong tôn trí 104 tượng Bổn sư Thích Ca bằng đồng ngồi trên bệ đá, được tạo theo ba kích thước khác nhau: 40 tượng Phật cao 1,55m, nặng 300kg; 32 tượng Phật cao 1,15m, nặng 200kg và 32 tượng Phật cao 0,67m, nặng 100kg.

Hà Nội - thành phố có nhiều tự viện Phật giáo nhất với con số 2.050, tọa lạc ở trên 10 quận, 18 huyện và một thị xã.

Vòng hương lớn nhất Việt Nam do ông Nguyễn Văn Yên ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội làm để tiến cúng chùa Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam ở Ninh Bình.

Vòng hương có đường kính 2,1m, tổng chiều dài 265m, nặng 25kg. Sợi hương có đường kính 10cm, khi đốt có thể cháy liên tục trong 180 ngày./.

Hạnh Long (Vietnam+)