Hát ru Cảnh Dương - độc đáo văn nghệ dân gian

Cồng vào làng Cảnh Dương. (Ảnh: Internet)

Làng Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình, có bề dày lịch sử hơn 350 năm với truyền thống văn hoá lâu đời, nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc đã đi vào tâm thức của người dân miền biển như lễ hội cầu ngư, bơi chải, đánh cờ người...

Cùng với những loại hình văn hóa phi vật thể như các làn điệu hò khoan, chèo cạn, ở làng quê này còn duy trì hát ru - một loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc.

Điệu hát ru ở Cảnh Dương có từ ngày thành lập làng đến nay, thực sự trở thành làn điệu trữ tình và mặn mà mang âm hưởng đặc biệt chỉ có ở làng quê miền biển này. Hát ru đã đi vào tâm thức của mọi người dân nơi đây.

Khác với làn điệu hát ru của các vùng miền khác, người dân Cảnh Dương hát ru theo một làn điệu riêng, âm hưởng hơi nặng hơn nhằm át tiếng sóng vỗ rì rầm của biển.

Cái hay của hát ru Cảnh Dương là những lời hát đậm chất văn hóa miền biển, sử dụng nhiều tiếng địa phương chỉ nghề chài lưới và người ngư dân mới có.

Ông Phạm Ngọc Thức năm nay 73 tuổi, đã có ba đời giữ gìn nhiều làn điệu hát ru Cảnh Dương. Gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của làng quê, hàng ngày, ông Thức đi đến các nghệ nhân trong làng, nghe các cụ hát rồi ghi chép lại.

Nhờ vậy, nhiều làn điệu hát ru, chèo cạn, hò khoan bơi chải... một thời bị mai một nay được ông sưu tầm, lưu giữ đến ngày nay.

Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia cải biên, sáng tác những làn điệu hát ru mới phù hợp với những đổi thay của quê hương, được nhận nhiều huy chương vàng, các giải thưởng lớn ở các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng.

Lời hát ru do ông sáng tác còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục con, cháu về truyền thống anh hùng của làng Cảnh Dương trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.

Tuy nhiên, lớp nghệ nhân văn hóa dân gian ở làng biển Cảnh Dương nay tuổi đã cao.Những người làm công tác văn hóa, văn nghệ nơi đây mong muốn việc trao đổi, chuyển tiếp cho thế hệ sau cần được quan tâm đầu tư hơn để hát ru Cảnh Dương phát triển bền vững đến mai sau./.

(TTXVN/Vietnam+)