Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám: Xe điện trong phố

(Nguồn: Internet)

Tháng 5/1899, Công ty Điền địa Đông Dương được phép thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng xe điện, gọi là Nhà máy Xe điện thuộc Công ty Điền địa Đông Dương (Usine de la Souité des tramways électrique de l’Iudo chine) đặt tại đầu làng Thụy Khuê.

Ngày 13/9/1900, xe điện chạy thử tuyến đường đầu tiên Bờ Hồ-Thụy Khuê. Ngày 10/11/1901, khai thác tuyến Bờ Hồ-Thái Hà ấp.

Ngày 18/12/1906, đến lượt tuyến Bờ Hồ-Chợ Mơ. Sau đó kéo dài thêm từ Thụy Khuê lên chợ Bưởi, từ Thái Hà ấp vào Hà Đông và đặt đường mới Bờ Hồ-Cầu Giấy. Tháng 12/1929 hoàn thành tuyến Yên Phụ-Kim Liên. Tháng 5/1934 làm thêm đoạn Kim Liên-Vọng.

Như vậy là từ Bờ Hồ tỏa ra sáu tuyến tàu điện đi Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, Vọng, chợ Mơ tức là tỏa ra sáu cửa ô nối nông thôn với nội thành Hà Nội.

Thời đó lưu hành bài “Vè tàu điện”:

Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
"La-ga" thì ở Thụy Chương
Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên
Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền ký cược đi làm “sơ-vơ”
Xưa nay có thế bao giờ
Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba.

Nhà văn Tô Hoài kể: “Xe ngựa, xe bánh sắt, xe cút kít một bánh gỗ rít váng óc giữa oi ả trưa hè dần dần mất đi, chỉ còn cái tàu điện vẫn còn và được nối thêm một toa, hài hòa, chạy ầm ầm giữa tiếng chuông ở chân người lái tàu dận xuống thành tiếng dài dài keng keng ầm ầm, mà người vùng Bưởi gọi là tiếng 'keng ầm' tàu điện.”

Thân hình cái tàu điện, toa tàu, đầu tàu, đường ray đến bây giờ vẫn tương tự thế. Chỉ khác, ngày trước người “vắt man” (lái tàu) phải đứng suốt ngày, quay chiếc tay lái bằng đồng mở khắc ba thì tàu chạy chậm, mở bảy cho tàu chạy nhanh, còn tay kia nắm chuôi cái hãm quay quay...

Bây giờ thì người lái tàu có ghế ngồi. Trong tàu khi đó ở chỗ cửa bước vào có một khoang nhỏ, đặt ghế bọc đệm vải sơn cánh gián - khác hai hàng ghế gỗ dài đồng loạt ngoài kia. Bởi vậy, cái bài hát ru em “Vè tàu điện” còn có câu rằng: “Năm xu ngồi ghế đệm bông/Hỏi mình có sướng hay không hả mình.”

Đường nối phố Hàng Đậu lên Yên Phụ, quãng xe điện ấy làm sau cùng, khoảng năm 1943.

Bến tàu đi Hà Đông ngày trước dài đến cuối phố Cầu Gỗ, bên cạnh có một nhà bàn giấy cho các đường tàu. Đường Hà Đông, 8 giờ tối hết tàu, tàu không dồn về nhà tàu điện giữa làng Thụy Khuê mà chạy về trạm Cầu Mới. Sáng mai, 5 giờ tàu lại ra chuyến thứ nhất.

Các đường xe điện của thành phố đều gặp nhau ở Bờ Hồ. Từ Bưởi xuống Bờ Hồ rồi đi Bạch Mai, từ Bờ Hồ đi Thái Hà ấp, vào Hà Đông; đường này, khi đến sau Văn Miếu, có nhánh đi Cầu Giấy. Chỉ có một con đường qua phía Tây: Từ Yên Phụ, qua Hàng Cót, Cửa Nam, rồi theo đường Nam Bộ đến Cống Vọng (Phương Liệt)./.

(Chinhphu.vn/Vietnam+)