Ẩm thực Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám

Món chả cá của Hà Nội. (Nguồn: Internet)

Hà Nội đất kinh kỳ vốn nổi tiếng về ẩm thực. Người Hà Nội từ xưa đã chế biến được những món ăn đồ uống từ bình dân đến cao cấp mà chỉ nhắc đến thôi cũng đã vô cùng hấp dẫn…

Hà Nội xưa có các thứ bánh nếp, bánh tẻ nổi tiếng bán ở gần đền Huyền Thiên cuối phố Hàng Giấy nên gọi là bánh Huyền Thiên. Sau đó lại có những thứ bánh như bánh dày Quán Gánh vừa mịn vừa dẻo, nhân đường đậu hoặc nhân đậu cà cuống pha tí mỡ, thơm béo bùi; bánh rán Cầu Khâu; bánh trôi làng Gạ (Phú Gia, Từ Liêm); bánh phồng làng Vẽ (Đông Ngạc, Từ Liêm) là thứ bánh làm bằng bột nếp, áo đường trắng, to bằng quả trứng gà, ăn giòn tan và để lại một hương vị rất thanh.

Lại có thứ bánh gọi là bánh huê cầu do làng Xuân Cầu (thuộc Văn Giang, Hưng Yên) làm, là thứ bánh làm bằng bột nếp, vuông gần bằng ba ngón tay, màu vàng, xanh và đỏ, bỏ vào chảo mỡ đang sôi, bánh nở cong rất đẹp. Bánh dợm là một thứ bánh bột nếp, có nhân tôm thịt. Bánh tôm thường bán ở đường Cổ Ngư. Bánh khúc làm bằng bột nếp nhuộm nước lá khúc, nhân mỡ, đậu xanh.

Khi tiết trời sang thu người ta thấy những cô gái làng Vòng (còn gọi là làng Hậu, trước đây thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm) mặc áo đồng lầm, đầu chít khăn mỏ quạ, gánh chiếc đòn gánh cong vút lên ở một đầu. Cốm làng Vòng qua tay người thợ, còn được chế biến thành nhiều món ăn cao cấp như bánh cốm, chè cốm, chả cốm, kem cốm. Những lò bánh ở phố Hàng Than, phố Hàng Điếu, phố Hàng Đường vào vụ cốm thường tích trữ hàng tấn cốm để tiện việc chế biến bánh kẹo quanh năm.

Bánh cuốn Thanh Trì thường được người bán để trong thúng luôn đội trên đầu, ve vẩy đôi tay mà đi khắp ba mươi sáu phố phường Hà Nội.

Bún Hà Nội thì không đâu ngon bằng bún Đống Mác, sợi vừa nhỏ, vừa dẻo, lại săn không bết. Chỉ một thứ bún mà làm ra rất nhiều món ăn như bún dé, bún sườn, bún riêu, bún bò, bún thang (bán ở chợ Đồng Xuân), bún chả (bán ở Hàng Mành)…

Hà Nội có món ăn đặc sản là chả cá. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc viết: “Phố Chả Cá dài 180m, đi từ phố Hàng Mã đến phố Lãn Ông. Đây nguyên là đất thôn Đồng Thuận, tổng Hậu Túc, sau đổi là tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương cũ.”

Phố này vào thế kỷ XIX là nơi bán các loại sơn sống (sơn gioi, sơn thịt, sơn hom…), vì vậy còn có tên là phố Hàng Sơn. Sang đầu thế kỷ XX có gia đình họ Đoàn (ở số nhà 14) đã nghĩ ra một món ăn đặc biệt: lấy cá nướng làm chả ăn với bún và một số gia vị, được nhiều người thưởng thức, khen ngợi. Sau đó, gia đình này mới mở cửa hiệu bán món ăn ấy, thường được gọi là hiệu chả cá Lã Vọng vì ở ngoài cửa hàng có bày tượng ông Lã Vọng xách cần câu và một xâu cá.

Dần dần món chả cá ấy được người Hà Nội ưa thích và thế là phố này được gọi là phố Chả Cá, khiến cho mai một hẳn cái tên cũ là phố “Hàng Sơn”…

Cuối thập kỷ 1930, dân nghèo thành thị Hà Nội thường giải khát bằng hai thứ đồ uống bình dân là chè nụ vối ủ lâu năm và chè tươi nấu với mấy nõn lá bàng xanh để tăng vị chát. Hai thứ này được bọn trẻ bán rong đựng trong ấm đất nung ủ bao tải lúc nào cũng nóng, rót cho khách vào cái bát đàn nông choèn.

Người có nhiều tiền thì mua “xê cấu” là loại kem trắng muốt quay tay trong một cái bình nhôm có quai, điểm lá chanh thái thơm, được đựng trong cái cốc dày nhỏ, sâu lòng, có chân cao hoặc uống nước chanh chai của hãng Limonade La Ruy (đầu gấu) và kem sôđa tê tê mát ngọt. Ngoài ra còn có những gánh hàng rong bán sirô, lựu, chanh, cam, uống với nước đá được nhiều người ưa thích.

Trước khách sạn Phú Gia trông ra Bờ Hồ có nhiều kiốt bán kem vani, kem sôcôla.

Bên bờ Hồ Gươm, chỗ những cây vông cho đến trước cửa nhà hàng Thủy Tạ có các hàng bán kem cốc. Quán kem mái che bạt vải trắng, vải bố kẻ trắng đỏ. Kem Bờ Hồ lúc ấy là kem cốc, cái cốc nông chân cao, kem thơm mùi chanh.

Ở những restaurant (tiệm ăn Tây), khách có thể ăn điểm tâm đơn giản với paté chaud, thịt nguội xúc xích (saucisson), trứng chiên (ocufs sur plat) hay chả trứng (omlette) hoặc bánh mì phết đường và bơ (beurre). Ăn cơm phần (repas) theo thực đơn hàng ngày. Sang hơn thì đặt trước những món heo sữa (cochon de lait), thỏ nấu rượu chát đỏ (civet lapin) hoặc tôm hùm sốt trứng gà (langoustine sauce mayonaise)…

Ngoài ra còn có những món như súp rau (soupe légume), món cháo tả pí lù Mạc Xây (Bouillabeisse Marseillaise), tráng miệng bằng bánh kem sữa (Crème flanc)…

Tiệm ăn Tàu thì phố Hàng Buồm có Đông Hưng Viên ở số 88, Nhật Tân, sau đó có Nghi Xuân ở gần đền Bạch Mã, Tân Cảnh Viên (ở số 65), Mỹ Kinh, Hoan Lạc Viên, Tây Nam. Hàng Buồm còn bán những thức ăn có sẵn, như cơm tám, đậu rán, thịt sơn son (là thịt quay) ăn với dưa cuộn tròn là dưa Tây Hồ, cuốn tròn lại từng lá, thả trong nước dưa trong vắt, hơi chua chua…

Ở phố Tạ Hiện có những tiệm ăn bán cơm Tàu bằng thứ gạo Tàu thông thường, với những món ăn rẻ tiền như thắng cố, một thứ nước lèo nấu từ xương chó, xương lợn nướng trên chảo, bán cho phu khuân vác, phu xe kéo, người thất nghiệp với giá 1 chinh.

Phở hồi đó những hàng phở gánh như phở Kim ở Lò Đúc, phở Tàu Bay ở dốc Cây Thị, Hàng Gà. Lúc đầu chỉ có phở chín, phở bò, phở trâu. Mãi sau mới có phở gà, phở tái bò, phở xào, phở sốt vang ở Hàng Buồm. Phở tái lăn chỉ có hiệu Nghi Xuân Hàng Quạt.

Người Hà Nội xưa thường ngày có cái thú thanh nhã là dùng trà Tàu. Đầu thế kỷ XX, người ta phải lên Hàng Buồm mua trà Thiết Quan Âm hay lên Hàng Ngang mua trà Ô Long, Liên Tâm đựng trong hộp kẽm, đem về ướp thủy tiên. Còn trà ở hiệu ta ngon nhất là trà An Thái, Chính Thái… 

Người uống trà thường hút thuốc lào. Thuốc lào Bách Tính ở Nam Định tuy ngon nhưng nặng nên người ta hay dùng thuốc lào Kiến An và nhất là thuốc lào Vĩnh Bảo (Hải Phòng), không xóc, khói lại thơm./.

(Chinhphu.vn/Vietnam+)