Chùa So - Danh thắng xứ Đoài

Chùa So, tên chữ Lạc Lâm Tự, thuộc xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Chùa So - danh thắng xứ Đoài, nổi tiếng về kiến trúc và các di vật cổ có giá trị nghệ thuật, chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Chùa So tọa lạc ở lưng chừng núi Phượng, nhìn từ xa trông như con phượng khổng lồ. Chùa So dựng năm Mậu Dần (1698) đời vua Lê Hy Tông, theo kiểu "nội công ngoại quốc" có 57 gian gồm tiền sảnh, tam bảo, hành lang, nhà tổ.

Tam quan chùa nằm ở gần chân núi xây kiểu chồng diêm hai tầng 12 mái. Trên ba cửa vòm cuốn đắp nổi các chữ Hán. Cửa giữa đề "Đại giác quan;" cửa bên phải có chữ "Sơn hà như tại" (sông núi như có cả ở nơi này); cửa bên hữu có chữ "Thị nhân giác lộ" (bảo cho mọi người biết từ đây là con đường giác ngộ).

Từ tam quan lần theo 80 bậc đá là tới tiền sảnh bảy gian, ở hai đầu hồi có gác chuông, gác trống xây hình tháp tám mái cong cao vút. Trên đỉnh có bình nước cam lồ gắn với triết lý nhân sinh của nhà Phật và tạo dáng cho kiến trúc thêm mềm mại.

Tiền sảnh và phật điện được nối với nhau bằng một tòa thiêu hương. Phật điện hình vuông bốn mái, tường xây gạch ống, phía ngoài để trần. Toàn bộ kiến trúc bào trơn đóng bén không chạm trổ cầu kỳ. Kiến trúc phật điện chùa So theo các di tích triều Trần.

Đăng đối với phật điện là hai dãy hành lang nơi đặt tượng 18 vị La Hán. Tượng La Hán chùa So to như người thật, từ vẻ mặt, nếp áo, dáng đứng đã mô tả sống động mọi cảnh đời. Cũng như chùa Tây Phương, tượng La Hán chùa So mang nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo.

Tại gian chính tiền sảnh còn ba viên đá tảng hình vuông, mỗi cạnh 0,8m, giữa là hình chân cột, xung quanh chạm 16 cánh sen, nét chạm mang phong cách nghệ thuật triều Trần. Chùa có 82 pho tượng Phật. Tài nghệ của người xưa thể hiện tinh tế ở các tượng Như Lai, Thích Ca, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, các pho thập điện và tượng hậu… Nét độc đáo hiếm có là bệ sơn của ba pho Tam thế được tạc bằng đá mối, màu đá đỏ tím.

Đỡ bệ sen và tượng Phật là con lân ngậm hạt châu, di vật từ triều Lý. Tại vườn chùa có năm ngôi tháp cổ. Trên tháp có khắc ba chữ Hán "Sùng Ân tháp" và chữ Phật.

Từ năm 1883 đến 1885, chùa So là nơi ở của thủ lĩnh Dương Hữu Quang. Ông đóng vai "thầy Tự" ở chùa So, bí mật tuyển 5.000 người trong vùng khởi nghĩa chống Pháp ở vùng Hà Nội-Sơn Tây./.

Ngô Trọng Bình (TTXVN/Vietnam+)