Lưỡng quốc trạng nguyên Phùng Khắc Khoan

Phần mộ Phùng Khắc Khoan tại làng Bùng.

Phùng Khắc Khoan, danh sĩ thời Lê Thế Tông, hiệu Nghị Trai, tự Hoằng Phu, sinh năm 1528 ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Năm Canh Thìn (1580) đang làm quan đời Lê Trung Hưng, Phùng Khắc Khoan vẫn đi dự thi, đỗ Nhị giáp tiến sĩ (tức là Hoàng giáp), lúc ấy 52 tuổi. Sau đó mãi đến năm 70 tuổi, ông đi sứ nhà Minh, rất được ca ngợi.

Từ cuộc đi sứ thành công và nổi tiếng này, nhân dân bắt đầu lưu truyền ông là Lưỡng quốc trạng nguyên. Vì quê ở Phùng Xá (làng Bùng) nên dân gian gọi là Trạng Bùng, nổi tiếng văn võ toàn tài, lại giỏi cả canh nông, thủ công nghiệp.

Gọi là Trạng, song thực ra ông không đậu trạng nguyên. Tuy không mang học vị trạng nguyên, nhưng ông đạt trình độ uyên bác và có thành tựu rất cao.

Phùng Khắc Khoan học giỏi, cả tuổi thanh niên sống dưới triều Mạc, đến năm Nhâm Tý (1552) nhưng chỉ đỗ có tam trường.

Năm 30 tuổi (1557), ông dự khoa thi Hương mở ở xã Đa Lộc, huyện Yên Định và đỗ thủ khoa.

Trịnh Kiểm biết tài ông và dùng ngay ông làm quan ở nhiều cương vị đáng kể. Phùng Khắc Khoan cũng dám khuyên Trịnh Kiểm đi hỏi Trạng Trình về việc tìm kiếm con cháu nhà Lê, mà lập vua Anh Tông.

Riêng về thâm tâm Phùng Khắc Khoan, ông phục vụ, tuân theo mọi sự điều hành của chúa Trịnh, nhưng vẫn trung thành, tha thiết với nhà Lê.

Khi triều đình Lê-Trịnh trở về Thăng Long, Phùng Khắc Khoan giữ nhiều chức vụ quan trọng. Đó là dịp cho ông thể hiện tài năng xuất sắc của mình trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao.

Về ngoại giao, Phùng Khắc Khoan tỏ rõ bản lĩnh, sự thông minh sắc sảo, và có rất nhiều giai thoại.

Sau khi nhà Lê Trung Hưng lên, việc bang giao giữa nhà Lê và nhà Minh trở nên căng thẳng và phức tạp.

Khi lên ngôi vua, các vua Mạc đã tỏ ra yếu hèn, quỵ lụy, tiến cống, hối lộ quá nhiều để mong được vua quan nhà Minh che chở. Nhà Minh đòi vua Lê phải lên tận Nam Quan để chúng khám duyệt các giấy tờ, xác minh xem Lê Thế Tông có đúng là con cháu nhà Lê hay Trịnh giả danh.

Năm 1596, Phùng Khắc Khoan cùng hai anh của vua Lê là Lê Nganh và Lê Hựu mang các giấy tờ có in mẫu ấn An Nam Đô thống sử ti và mẫu ấn An Nam quốc vương cùng một trăm cân vàng và một nghìn lạng bạc lên Nam Quan để quan nhà Minh công nhận. Sau đó 10 ngày thì vua Lê Thế Tông cũng lên Nam Quan để hội khán, nhưng đã bị quan nhà Minh tìm cách không gặp.

Cuối năm 1596, vua sai Đỗ Uông và Trịnh Vĩnh Lộc đem hai tượng người bằng vàng bạc, lọ hoa, bình hương bằng vàng bạc, lụa lên Nam Quan định hội khán cũng không thành.

Tháng hai năm Đinh Mậu (1597), Đỗ Uông và Nguyễn Văn Giai lại lên Nam Quan thăm dò tình hình quân Minh, việc không thành. Tháng ba, Lê Thế Tông phải kéo đại quân sang Bằng Tường hội khán với các quan nhà Minh. Quan hệ ngoại giao giữa Lê và Minh là không bình đẳng. Nhà Minh hống hách, quan nhà Minh thường ăn đút lót của nhà Mạc, gây khó khăn cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai triều đại.

Trong hoàn cảnh quan hệ khó khăn như vậy, vua Lê đã cử Phùng Khắc Khoan đi sứ. Đi sứ nhà Minh lúc đó thực sự là một đại họa không lường hết được.

Vào thời nhà Mạc, Lê Như Hổ đi sứ bị sơn cả hai mắt, Lê Quang Bí bị chúng lấy mất đồ cống, bị vu cho là giả và bị giam cầm đến 18 năm sau mới được tha về.

Phùng Khắc Khoan được cử đi sứ lần này lúc tuổi đã 70. Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời xưa chưa có một sứ thần nào tuổi già như thế. Ông được cử đi sứ hai lần vào năm 1597 và 1606.

Sứ bộ Phùng Khắc Khoan đến biên giới, quan nhà Minh không cho sứ bộ nhập cảnh với lý do chúng chỉ biết nước Nam có nhà Mạc cai trị, chưa công nhận nhà Lê. Phùng Khắc Khoan đã đấu lý và chắc là có đút lót vàng bạc cho chúng nên cửa ải được mở.

Đoàn đi sứ tháng 7 năm Đinh Dậu đến tháng 8 năm sau mới đến Yên Kinh. Lúc đi đường thủy, lúc đi đường bộ qua Nam Ninh, Quảng Châu, Hồng Châu, Nam Kinh, Tế Nam, Thiên Tân, rồi đến Yên Kinh. Hành trình dài như vậy đã làm tiêu hao sức lực con người đã 70 tuổi như Phùng Khắc Khoan.

Sau đây là cảnh sứ bộ Đại Việt do Phùng Khắc Khoan là chánh sứ khi ở Yên Kinh dưới ngòi bút miêu tả của sứ thần Triều Tiên là Lý Chi Phong:

“Sứ thần họ Phùng tên là Khắc Khoan, tự hiệu là Nghị Trai, tuổi ngoại 70, hình dáng lạ lùng, răng nhuộm đen, tóc vận thành búi, áo dài, ống tay rộng. Khăn đội trên đầu thì lấy cả khổ vải đen trùm lên đầu như dáng khăn ông sư, để một nửa rủ về đằng sau xuống quá vai. Ông họ Phùng, người tuy đã già, sức còn khỏe, thường đọc sách, viết sách luôn luôn...” (Trích Hậu chí của Lý Chi Phong, do Trần Văn Giáp dịch).

Sứ bộ Phùng Khắc Khoan đến Yên Kinh, tạm trú ở quán Ngọc Hà trong 5 tháng liền mà không được bàn đến việc chính là sang xin cầu phong cho vua Lê Thế Tông. Chánh sứ Phùng Khắc Khoan phải chịu sự khinh thị của nhà Minh. Sách lược ngoại giao của ông đã được thực hiện: nói khéo và lời hay.

Bằng sở trường của mình, ông đã có quan hệ văn chương với quan lại nhà Minh. Ông đã nắm được tinh thần cốt yếu của thơ nhà Minh đương thời, đàm đạo văn chương, thù ứng các câu đối, trở thành người bạn văn chương của họ.

Quan hệ ngoại giao với các quan nhà Minh bắt đầu bằng việc văn chương. Chỉ trong mấy tháng, ông đã hoàn thành một công trình văn học nghiêm túc để phục vụ mục đích ngoại giao.

Trong triều đình nhà Minh lúc đó, có phe ủng hộ sứ giả Phùng Khắc Khoan công nhận vua Lê, có phe ăn tiền của nhà Mạc tìm cách trì hoãn. Được Minh Thần Tông vì nể, ông đã mềm mỏng, ôn hòa và cương quyết buộc quan nhà Minh phải tổ chức để ông được dâng biểu cầu phong của vua Lê lên vua Minh.

Yêu cầu cao nhất của chuyến đi sứ của Phùng Khắc Khoan là xin phong vương tuy chưa đạt được (vua Minh chỉ phong cho vua Lê chức Đồng thống), song cũng là một thắng lợi, vua quan nhà Minh phải coi nhà Lê là chính thống, không còn danh nghĩa gì để giúp quân Mạc.

Khi ông về nước, chúa Trịnh Tùng kính trọng tài năng và khí phách của ông, gọi là Phùng tiên sinh. Dân gian gọi ông là Trạng nguyên, là Trạng Bùng. Một phái đoàn do Đỗ Uông dẫn đầu đã lên tận Nam Quan để đón ông về nước. Vua Lê qua sông Cái đón ông về kinh đô.

Ông đã được phong làm Thượng thư bộ Hộ, bộ Công, tước Mai Lĩnh hầu, rồi thăng tước Mai Quận công.

Khi về hưu ở tuổi gần 80, ông thường cùng các bạn văn vãn du ngọn núi Thầy (Sài Sơn) và có xây hai nhịp cầu ở bên hồ một ngôi chùa gần đấy gọi là Nhật Tiên kiều và Nguyệt Tiên kiều.

Ông tổ chức đào mương dẫn nước ở các cánh đồng quanh núi Thầy, đưa nước về tưới cho các cánh đồng Phùng Xá, Hoàng Xá. Ông cũng chính là người mang nghề dệt lụa cho dân làng Phùng Xá và đem giống ngô bắp về vùng sông Đáy.

Năm Quý Sửu (1613), Phùng Khắc Khoan mất, thọ 85 tuổi. Nhân dân Phùng Xá đã lập đền thờ ông./.

("Danh nhân Hà Nội/Vietnam+)