Phố Nguyễn Thái Học

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nằm trên phố Nguyễn Thái Học (Nguồn: Internet)

Phố Nguyễn Thái Học dài gần 1,7km, từ ngã năm Cửa Nam đến phố Sơn Tây, chạy qua phía sau Văn Miếu. Đây vốn là đường chạy trên hào và tường lũy bao phía nam thành Thăng Long thời Nguyễn.

Đất các thôn: Vĩnh Xương, Văn Mặc, Đỉnh Tân, Cố Thành, huyện Thọ Xương và thôn Thanh Ninh, huyện Vĩnh Thuận cũ nay thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, hai phường Điện Biên, Kim Mã, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc là phố Đuyvyliê, tên dân gian gọi phố Hàng Đẫy. Sau Cách mạng gọi là phố Phan Chu Trinh. Thời tạm chiếm đổi thành đại lộ Nguyễn Thái Học cho đến tận bây giờ.

Viện bảo tàng được người Pháp xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ 20 với chức năng là nơi dành cho con cái của các quan chức người Pháp từ khắp Đông Dương về Hà Nội trọ học.

Năm 1962, nhà nước Việt Nam giao cho Bộ Văn hóa cải tạo ngôi nhà từ chỗ mang dáng dấp kiến trúc phương tây được bổ sung những chi tiết trang trí kiến trúc của đình làng Việt Nam để làm nơi trưng bày vĩnh viễn các tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam.

Năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức được khánh thành với diện tích mặt bằng là 4200m2 và diện tích trưng bày là 1200m2, năm 1997-1999, đã được mở rộng với tổng diện tích là 4737m2.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long thời nhà Lý, là tổ hợp gồm hai di tích chính: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam.

Quốc Tử Giám trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam, đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.

Ngày nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sỹ tử ngày nay đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi.

Phố Nguyễn Thái Học cũng là nơi sống và làm việc của nhiều danh nhân trong ngành mỹ thuật, hội họa, văn học như họa sỹ Nguyễn Phan Chánh, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, họa sỹ Nguyễn Sáng, họa sỹ Huỳnh Văn Gấm, nhà văn Vũ Tú Nam...

Phố Nguyễn Thái Học mang tên nhà yêu nước Việt Nam chống thực dân Pháp đầu thế kỷ XX, người đã có câu nói nổi tiếng “không thành công thì cũng thành nhân.”

Nguyễn Thái Học sinh ngày 1 tháng 12 năm Quý Mão (1902) tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên.

Năm 19 tuổi ông thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và nhận học bổng của Chính phủ Bảo hộ Pháp. Do tính tình cương trực và không thích khuất phục lối giáo dục của người Pháp, ông bỏ học năm thứ ba, và sau đó ghi danh học trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương (1925-1927).

Tháng 10/1927, ông tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng với mục đích dùng bạo động lật đổ chính quyền thực dân Pháp, thành lập một chế độ cộng hòa dân chủ độc lập trên toàn cõi Việt Nam.

Tháng 12/1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức đại hội đảng lần thứ nhất đã bầu ông làm Chủ tịch Tổng bộ đảng, kiêm Chủ tịch đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học, Việt Nam Quốc Dân Đảng bắt đầu phát triển rất nhanh chóng để kết nạp tầng lớp trí thức, giáo viên, nông dân, công chức, binh sĩ.

Đến đầu năm 1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã thành lập được 120 chi bộ tại Bắc kỳ với 1500 đảng viên.

Sau cuộc khởi nghĩa không thành của Việt Nam Quốc dân Đảng, ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Ông để lại gương sáng cho lớp thanh niên yêu nước, cách mạng Việt Nam.

Phố Nguyễn Thái Học là một con đường rộng và đẹp của thủ đô Hà Nội. Khoảng 50 cửa hiệu bán tranh, lịch, các loại quà tặng quảng cáo, các sản phẩm tranh gốm sứ, tượng… ở đây đã tạo cho phố vẻ đẹp đầy màu sắc, tôn tạo những nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô.

Phố Nguyễn Thái Học cũng được coi là một trong những tuyến đường có số phương tiện tham gia giao thông lớn nhất của Hà Nội do hầu hết các phương tiện từ đường Láng-Hòa Lạc, đường 32 và đường Thăng Long-Nội Bài khi vào trung tâm thành phố Hà Nội đều phải qua đường Nguyễn Thái Học.

Mỗi ngày lưu lượng phương tiện giao thông qua lại đường Nguyễn Thái Học càng nhiều hơn, dù đó là đường một chiều nhưng vẫn quá tải./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)