Lên vùng cao Tây Giang

Các nghệ nhân điêu khắc gỗ người Cơ Tu làm tượng cho nhà mồ. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Trong cái nắng hè oi bức chói chang của nơi phố thị sầm uất, tôi hành trình ngược lên vùng miền Tây đất Quảng đến huyện Tây Giang. Hành trang đem theo ngoài thiết bị cho tác nghiệp, tôi còn mang thêm chiếc áo chống lạnh vì trên ấy… đêm là mùa đông.

Nắng rực rỡ, nhưng không nóng như ở miền xuôi. Trung tâm huyện lỵ Tây Giang (Quảng Nam) mới ngày nào đó còn hoang sơ nay đã thành phố núi khang trang. Ngày cũng như đêm ở đây rất yên tĩnh. Tối nhà không đóng cửa, xe máy “hồn nhiên” dựng ngoài hiên mà không sợ bị mất cắp như ở dưới xuôi.

Câu hát lý Cơ Tu của những nghệ nhân bên kia làng Văn hóa dân tộc ở Trung tâm Huyện Tây Giang vọng qua phố đêm nghe quá nao lòng. Anh Briu Liếc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho tôi biết, đó là những nghệ nhân tiêu biểu trong huyện về phục dựng nhà mồ đặc trưng của người Cơ Tu. Và đêm đêm các già làng hát lý cũng là cách bảo tồn bản sắc của đồng bào vùng cao.

Đường lên biên giới gồm các xã Tr'hy, A Xan, G'ry, Ch'ơm, những bản làng tạc vào dáng núi như một bức tranh thủy mặc gắn kết cùng rừng. Từng áng mây lơ lửng hòa cùng với nắng trong khí trời mát lạnh.

Người Cơ Tu nơi vùng giáp biên vẫn còn bản sắc nguyên vẹn như ngày xưa. Họ rất thân thiện, chỉ có cà châng (nụ cười) thay lời giao tiếp. Đồng bào sống theo quần cư, từng gia đình trong làng chan hòa, tình cảm.

Ngoài Giàng (Trời), thần linh, niềm tin mãnh liệt của đồng bào là già làng và bộ đội biên phòng. Cán bộ chiến sĩ của hai đồn biên phòng 649 và 651 là những ân nhân của họ. Từ đau ốm, sinh sản, chăn nuôi, làm lúa nước… cũng do các anh giúp đỡ, hướng dẫn mọi mặt. Đời sống của đồng bào bây giờ khác xưa nhiều lắm, nên đồng bào rất quý các anh.

Trên đường về Đồn Biên phòng 651, ngang qua làng Poóc ở xã G'ry, dốc núi thoai thoải dưới những tán cây rừng giăng kín, giữa đường gặp già làng Alăng Zênh 70 tuổi. Thấy khách lạ ông nhìn rồi nói với mấy anh lính biên phòng: “Bộ đội nói với khách chưa…? Không được bứt lá rừng nhai cho vui đó nghe! Chỉ cần nhai một lá này là chết tại chỗ…” - nói xong, ông với tay bẻ nguyên một cành cho tôi xem.

Vậy ra đây là lá ngón, một loại lá rừng nhìn bình thường, có hoa vàng rất đẹp và luôn luôn hướng theo mặt trời. Trong chiến tranh, đồng bào dùng lá ngón để đánh đuổi kẻ thù, bằng cách giã lá ngón đổ xuống các dòng suối, địch uống nước vào sẽ chết, đành phải rút quân.

Đêm ở cùng đồn biên phòng 651, cách biên giới Việt-Lào theo đường chim bay 2km. Thượng tá, Đồn trưởng Vương Đăng Vinh, người có 20 năm ở tuyến biên giới Quảng Nam nên rất am hiểu về cuộc sống của đồng bào đã kể cho tôi nghe về phong tục tập quán của bà con nơi đây.

Anh nói: “Những ngày đầu cán bộ chiến sĩ rất vất vả về công tác vận động, như người chết để lâu, đau ốm mời thầy cúng, tảo hôn… đến nay những hủ tục đó không còn. Chính anh em chúng tôi hướng dẫn cho đồng bào bỏ tập tục phát rừng làm rẫy, nay đã chuyển qua làm lúa nước, chăn nuôi gia cầm, gia súc… Có trạm y tế, có trường học, chương trình phủ sóng truyền hình quốc gia đã đến với đồng bào. Nói chung cuộc sống đồng bào nơi vùng biên đã tạm ổn.”

Mùa nào trên này về giao thông cũng vất vả, nhưng học sinh trên này vẫn đến lớp, rất ít bỏ học. Hiện nay hai xã thuộc địa bàn đồn đóng quân có 21 em đang là sinh viên đại học chính quy. “Những lá thư em viết về gia đình, viết cho chúng tôi, đọc rất cảm động…!” - anh Vương Đăng Vinh tâm sự.

Bây giờ bên Lào là mùa mưa, từng cơn gió đổ về, đêm lạnh lại càng lạnh thêm. Gần đồn đóng quân, làng Pức, làng Pooc mặc dù mới tái định cư được vài năm nhưng nhờ bộ độ biên phòng, cuộc sống đồng bào đã có sự đổi thay. Ánh điện đã về đến từng căn nhà mới, tuy chưa sáng tưng bừng như miền xuôi nhưng cũng đủ để khẳng định đồng bào nơi biên cương có sự khởi sắc.

Đàn gà rừng của nhà chị Alăng Bơh ở làng Pooc bây giờ đã cất tiếng gáy báo hiệu cho một ngày mới lại đến… Ánh bình minh bên kia núi Tà Xuyên đã bắt đầu bừng sáng… Đã đến lúc tôi chia tay về xuôi và nhớ mãi con người cùng núi rừng nơi biên ải xa xôi của Tổ quốc./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)