Hội thả diều Bá Giang

(Nguồn: Chinhphu.vn)

Làng Bá Giang, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, có một ngôi miếu cổ, thờ ông Nguyễn Cả. Hàng năm làng mở hội vào tháng ba âm lịch thường có rước bánh dày, thổi cơm thi, thả diều thi… Hội thi thả diều đông vui và hào hứng nhất.

Theo thần phả và những câu chuyện truyền miệng trong dân gian thì ngày xưa, trong nhà hào trưởng sinh được một cô gái xinh đẹp nết na. Năm 18 tuổi mới đặt tên là Thị Trâm.

Khi đó ở đầu làng có một gò đất rất cao ráo, bằng phẳng. Giữa gò có một hòn đá xanh nhẵn nhụi. Xung quanh cây cối um tùm cỏ hoa tốt tươi. Các loài chim muông thường đến tụ tập ríu rít gọi bầy.

Một hôm cô Trâm đi nhặt củi về qua đó, nhân trời nóng bức bèn ngồi lên phiến đá để hóng mát. Bỗng có một con khỉ từ trên cây chợt nhảy xuống ôm lấy cô… Cô Trâm bàng hoàng ngất đi, ít phút sau con khỉ bỏ đi, cô Trâm dần tỉnh dậy vội vã mang củi về nhà.

Từ đó, cô thấy trong người có cảm giác lạ rồi mang thai. Đến ngày 16 tháng 2 năm Bính Thân, trời đất bỗng chuyển động, mây mù kéo đến tối mịt cả một vùng. Cô Trâm trở dạ sinh ra một người con trai có hình dáng kì lạ. Khuôn mặt như võ tướng, tay dài quá đầu gối. Một vết chàm đỏ ở lòng bàn chân như hình con gấu. Cô đặt tên cho con là Kỳ.

Người trong vùng gọi là Cả (ông lớn), năm 12 tuổi đã nổi tiếng thông minh học giỏi. Văn chương quảng bác, võ nghệ cũng tinh thông, trong vùng không ai sánh kịp.

Trong thời gian ấy thỉnh thoảng con khỉ ra vào nhà. Mùa lúa chín, khỉ lại mang thóc lúa về cho cô Trâm nuôi nấng con khôn lớn. Năm 20 tuổi uy danh của Nguyễn Cả lừng lẫy khắp nơi. Ông lập doanh trại ở giữa ấp để làm nơi tụ tập anh tài. Đối với dân ông lại khoan dung đức độ luôn lấy điều nhân nghĩa để phủ dụ lòng người. Ông được muôn dân hướng phục. Anh hùng hào kiệt kéo đến phù trợ cho ông.

Một lần bọn gian loạn của triều đình đến đánh úp ông, giữ vòng vây bốn mặt, ông dùng một chiếc quần đen, lấy cát đựng đầy hai ống quần rồi túm lại. Ông cầm quần đựng cát xông thẳng vào đám giặc, tung cát bay mù mịt làm cho chúng phải bưng mắt chạy toán loạn.

Lúc này, vua Đinh Tiên Hoàng mở vận nước, dẹp 12 sứ quân. Nghe tiếng ông giữ quyền binh một vùng, vua bèn sai ông Đinh Điền đến vời ông. Đêm ấy, ông nằm mơ thấy một cụ già râu tóc bạc, tươi cười vào dinh đọc bốn câu rằng:

Ngày mai" người ruộng" đến chơi nhà
Vua Đinh thống nhất lại sơn hà
Vua tôi gặp gỡ ngàn năm nghiệp
Trời đất định nên thế đó mà!

rồi biến mất. Tỉnh dậy thì trời đã sáng, ngoài sân binh mã kéo đến ầm ầm. Một người nói to: Tôi là Đinh Điền, bầy tôi của Đinh Tiên Hoàng, vâng lệnh nhà vua đón tướng quân về giúp nhà Đinh dựng nghiệp lớn!

Ông bèn nhận lời mở tiệc khao quân, thưởng dân và đem theo 500 quân sĩ về Hoa Lư yết kiến Đinh Tiên Hoàng. Vua Đinh cả mừng phong ông làm Phó súy tướng quân. Lập đàn tráng cáo tế trời đất, cho cả hai mặt quân thủy bộ cùng đánh thành sở của các sứ quân, thu giang sơn về một mối.

Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế, mở tiệc lớn ăn mừng và phong thưởng cho các công thần. Ông Nguyễn Cả được phong là Tổng súy thượng tế đại tướng quân. Thưởng cho xã Bá Giang là quý ấp sở tại. Nhờ vậy mà họ hàng được quy hiển, làng xóm được vinh quang.

Ông làm quan trong triều chẳng được bao lâu thì triều đình suy thoái, bọn gian thần gây nhiều cảnh làm oán hận lòng dân. Nhiều lần Nguyễn Cả đã khuyên can nhưng nhà vua không nghe. Cuối cùng ông viết tờ sớ nói rõ mọi điều lợi hại và nêu cụ thể về những việc nên tránh hoặc nên làm dâng lên, nhưng vẫn không được vua chấp nhận.

Ông Cả bèn cáo ấn từ quan về hương ấp. Ông dạy dân làm ăn, vui vầy cùng cảnh điền viên thôn dã. Lúc rảnh rỗi bày trò vui, chơi diều cùng đám trẻ mục đồng. Rồi một hôm, trên gò đất năm xưa, ông lại thấy hầu công (con khỉ) ngồi trên giữa hòn đá đó. Ông kính cẩn cúi đầu làm lễ. Đột nhiên hiện ra một làn mây trắng từ từ nâng bổng hòn đá lên. Làn mây bao bọc xung quanh biến thành mây ngũ sắc. Lại thấy cụ già đọc bốn câu thơ:

“Giáng sinh trần thế tại gò này
Nay lại về trời tựa áng mây
Tình nghĩa cha con, cha xuống đón
Anh hùng sinh hóa thảy đều hay”

Tiếng thơ vừa dứt thì sấm chớp ầm ầm, gió mưa mù mịt. Ông Cả cũng hóa theo, hôm ấy là ngày 12 tháng 8. Lát sau trời tạnh mây quang. Người trong làng đổ ra phía gò, vô cùng nuối tiếc. Ai nấy đều hướng lên trời như ngắm chiếc diều bay. Tưởng nhơ công ơn ông Cả, người dân lập miếu thờ ngay trên gò đất ấy. Triều đình phong sắc với những mỹ tự. Hiện nay trong miếu còn câu đối:

"Sinh tiền tích trữ Đinh triều soái
Hóa hậu linh chiêu Bá ấp thần"

Nghĩa là:

"Khi sống triều Đinh lừng tướng giỏi
Hóa rồi ấp Bá rạng thần thiêng"

Hội thi thả diều ở Bá Giang cũng được mở ra từ đấy. Ngay từ tháng 8, trong làng đã rục rịch làm diều. Người chọn tre mua giấy người khoét sáo vót dây… Công việc rất công phu, tỉ mỉ. Dây diều xưa làm bằng tre đủ tuổi, vót đều nối dài rồi quận lại ngâm vào nước quả cây cúc và muối. Cho vào nồi ba mươi đun một đêm, dây vừa mềm lại vừa dai.

Sáo diều cũng dùng nan tre đan thành ống, đun sơn gắn với miệng sáo làm bằng gỗ vàng tâm. Tiếng sáo vừa thanh lại vừa ấm. Giấy dán diều lớn là loại giấy ximăng, diều nhỏ bồi bằng giấy bản. Ngày nay diều được thay bằng dây nilông, nhẹ diều càng dễ bay lên.

Ngày rằm tháng ba âm lịch, làng Bá Giang vào hội. Sau phần tế lễ, rước bánh dày tưởng nhớ thần nhân, hội thi thả diều mở ra. Mỗi năm, làng cử người khéo tay làm một chiếc diều to làm biểu tượng. Diều dài 5m, rộng 1m50 dán giấy hồng điều, có đề bài thơ:

Gió hát trăng thanh hồn non nước Sải cánh diều bay nhạc sáo ngân Khí thiêng tướng Cả lưu truyền thống Anh hùng rạng rợ sáng lòng dân

Địa điểm thi thả diều là khu vực trước cửa miếu thờ ông Nguyễn Cả đến đề Châu Trần thờ thần bản thổ. Cửa miếu nhìn ra một cánh đồng thoáng rộng bên con đê sông Hồng ôm ấp lấy xóm làng. Một dải hồ trong xanh in bóng nước.

Mở đầu là lễ trình diều, tất cả những người dự thi mang diều đến lễ trình trước cửa miếu. Hàng năm thường có từ 30 đến 60 diều dự thi. Diều to dài 3m, diều nhỏ dài 1m. Người thi đa số ở trong làng, có thêm ở Hạ Mỗ, Tân Hội, Liên Trung…cũng mang diều đến dự.

Buổi chiều quê, khi gió nồm nam lộng thổi, cánh đồng lúa đang thì con gái xao động rì rào. Trước cửa miếu Bá Giang, mấy chục cánh diều nối tiếp bay lên, bầu trời xanh vi vu tiếng sáo…

Đứng trên bờ đê, trong làng xóm, ngoài đồng ruộng, ở đâu cũng xem được diều bay. Thỉnh thoảng lại có diều đứt dây bay mất ra phía sông. Có diều chao đảo rồi rơi xuống nước. Lại có những diều đan chéo dây quấn vào nhau, cả hai đều rơi… gây thành những cuộc reo hò huyên náo và những chuỗi cười sảng khoái của người xem.

Lũ trẻ trong làng rủ nhau thả diều con theo hội. Thế là có hàng chục, hàng trăm diều nhỏ dán đuôi bay khắp hội, tạo thành mấy tầng diều, tầng cao tầng thấp bay chấp chới trong gió xuân. Nghe đâu đây ngân nga tiếng "chuông Bồng, cồng Bá" hòa cùng tiếng sáo, tiếng vằng của hội diều. Cảnh sắc làng quê biết bao ngoạn mục.

Cuộc thi thả diều diễn ra 1 hoặc 2 giờ do ban tổ chức qui định, còn phụ thuộc vào sức gió của thiên nhiên. Những diều do đứt dây hoặc đảo, tự loại khỏi cuộc thi. Thường khi vào chung kết chỉ còn lại trên hoặc dưới 10 diều dự chấm giải. Ban tổ chức trực ở đền Châu Trần. Người có diều dự chấm lùa dây buộc vào hàng cột trước cửa đền. Sao cho diều ở trên cao ứng với nóc thờ miếu ông Nguyễn Cả.

Giải thưởng của hội diều là cờ và tặng phẩm, xếp theo thứ tự nhất nhì ba với tiêu chuẩn diều bay cao không đảo và có tiếng sáo hay. Người được nhận giải lần lượt vào tạ lễ thần và hội thi kết thúc, những cánh diều vẫn tiếp tục bay, tiếng sáo vẫn ngân nga để “hầu thánh” cho đến tận đêm khuya.

Trong ánh trăng thanh, dân làng Bá cứ nghe tiếng sáo véo von cũng phân biệt được diều ấy là của ai thả. Mấy năm gần đây, diều chiếm giải nhiều nhất là của cụ Thìn Ngọ (1992), Hồng Nhâm (1993), Nguyễn Văn Bồi (1994) đều ở làng Bá Giang.

Ngày hội văn hóa huyện Đan Phượng lần thứ nhất, xã Hồng Hà cử 10 người mang diều lên huyện dự liên hoan, được người xem hoan nghênh.

Ngày nay, miếu Bá Giang đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa . Người dân ở đây quan niệm rằng cứ năm nào hội diều mãn nguyện thì năm ấy dân làng được “hòa cốc phong đăng.” Di tích và hội diều đều được giữ gìn và kế thừa./.

(Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến/Vietnam+)