Trần Thủ Độ - vị Thái sư giúp mở nghiệp nhà Trần

Triều Trần gồm 12 đời vua bắt đầu từ Thái Tông Trần Cảnh đến Thiếu đế Trần Án, kéo dài 175 năm, từ năm 1225 đến 1400, là một triều đại lớn, có vị trí quan trọng trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước.

Người có công đầu trong việc khởi nghiệp triều Trần và giữ cho triều đại đó vững bước trong giai đoạn mới thành lập chính là Trần Thủ Độ.

Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194), người làng Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, là em họ Trần Thừa, chú họ Thái Tông Trần Cảnh.

Trần Thủ Độ là người có tài xuất chúng trong số những người con ưu tú khác của họ Trần, giúp triều Lý tránh dẹp các thế lực cát cứ, khôi phục cơ nghiệp nhà Lý. Ông tuy ít được học nhưng lại có bản lĩnh, thẳng thắn và rất quyết đoán trong công việc triều chính.

Cuối triều đại nhà Lý, các vua ăn chơi sa đọa, trác táng; kinh tế suy thoái, thiên tai, mất mùa đói kém liên tiếp xảy ra. Lợi dụng cơ hội đó, các thế lực phong kiến nổi lên chống lại triều đình, đánh giết lẫn nhau, cướp bóc bừa bãi.

Ngoài biên thùy, đế quốc Nguyên Mông đang tung hoành đánh Kim diệt Tây Hạ, chiếm Triều Tiên, chuẩn bị đại binh xâm lược Tống và Đại Việt. Thù trong giặc ngoài, đất nước rơi vào cảnh nguy khốn.

Trong lúc ấy, vua Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới lên 8 tuổi, rồi bỏ đi tu ở chùa Chân Giáo. Trong hoàn cảnh đó, Trần Thủ Độ đã thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng (vị vua cuối cùng của triều Lý) truyền ngôi cho Trần Cảnh.

Trần Cảnh lên ngôi vua, các đảng loạn mượn cớ phù Lý chống Trần nổi lên ngày càng nhiều. Trần Thủ Độ mời Trần Thừa làm thượng hoàng, lo giúp Thái Tông Trần Cảnh điều khiển triều đình để Thủ Độ rảnh tay dẹp loạn. Không đầy một năm sau, Thủ Độ đã vừa đánh dẹp vừa thu phục được các đảng giặc.

Sau khi lên làm vua, Trần Thái Tông phong cho Trần Thủ Độ làm Thái sư nắm giữ mọi quyền bính. Trong một thời gian ngắn, Trần Thủ Độ đã thu phục được các thế lực đối địch, tổ chức lại bộ máy hành chính từ trung ương đến cấp xã.

Năm Ất Dậu (1225), Trần Thái Tông phong Trần Thủ Độ làm Tri thành thị nội ngoại chư quân sự. Tháng 12 năm ấy phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, coi việc thiên hạ.

Năm 1234, phong Thủ Độ làm Thống quốc thái sư, tri Thanh Hóa phủ sự.

Trần Thủ Độ là người có công lớn, trong cuộc đổi ngôi giữa hai họ Lý - Trần vào năm 1225 mà sau đó là hàng loạt chấn chỉnh và cải cách được thực thi đã tạo dựng một nước Đại Việt hùng mạnh đủ sức bảo vệ đất nước, đánh thắng những tập đoàn xâm lược hùng mạnh nhất bấy giờ.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Thủ Độ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Tháng 12 năm Đinh Tỵ (1257), quân Mông sau khi tiêu diệt nước Đại Lý (Vân Nam), đã tiến vào lưu vực sông Hồng. Thế giặc rất mạnh. Trên chiến trường, quân Đại Việt không địch nổi, phải rút lui theo kế sách của Lê Tần.

Vua Thái Tông và quần thần phải bỏ Thăng Long đưa quân sang phía đông đóng giữ vùng Thiên Mạc (Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay). Trên sông Thiên Mạc, vua ngự thuyền nhỏ đến chỗ em ruột là Thái úy Trần Nhật Hạo hỏi kế. Nhật Hạo chỉ lấy ngón tay chấm nước mà viết hai chữ “nhập Tống” ở mạn thuyền, có ý khuyên vua nên chạy sang nhờ vả nước Tống. Vua dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ khẳng khái trả lời:

“Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.

Vào lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến, câu trả lời đanh thép của Trần Thủ Độ đã giữ vững được tinh thần chiến đấu quyết đánh quyết thắng của quân dân Đại Việt. Ông thực sự trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến và là người lãnh đạo cuộc phản công quyết liệt đánh vào Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng, cạnh dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay).

Quân Mông Cổ sau 9 ngày chiếm đóng Thăng Long (từ 21/1/1258 đến 29/1/1258) cuối cùng bị đánh tan tác phải tháo chạy, hoảng sợ tới mức không hề dám cướp bóc, hiền lành đến mức nhân dân ta bấy giờ gọi chúng là “giặc phật”.

Sau đại thắng, Trần Thủ Độ còn sống thêm 6 năm nữa, ông mất tháng giêng năm Giáp Tý (1264) thọ 71 tuổi được truy tặng Thượng phụ thái sư Trung Vũ đại vương. Trong thời gian tham dự triều chính, tuy không phải là người đứng đầu đất nước, nhưng bằng sự sắc sảo và quyết đoán đầy mưu lược của mình, Trần Thủ Độ đã đóng góp rất lớn vào sự hình thành triều đại Trần, tạo cơ sở quan trọng cho triều đại đó lớn mạnh, tồn tại gần hai thế kỷ, cường thịnh bậc nhất trong lịch sử dân tộc./.

("Danh nhân Hà Nội/Vietnam+)