Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm, tự Hanh Phủ, thuở nhỏ tên là Văn Đạt, người làng Trung Am huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng.

Ông xuất thân từ một gia đình Nho học. Cha là Giám sinh Nguyễn Văn Định. Mẹ là Nhữ Thị Thục, con của Thượng thư Nhữ Văn Lan.

Từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh, hiếu học, thường được mẹ đem kinh truyện và thơ quốc âm ra dạy.

Lớn lên, may mắn được theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được truyền thụ khá sâu về môn học dịch lý, và tương truyền còn được thầy truyền cho một cuốn “thiên thư” gọi là Thái ất thần kinh.

Tuy học giỏi nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa chịu đi thi, bởi xã hội đang quá rối ren. Triều đình nhà Lê với những loại “vua quỷ, vua lợn” và cả bộ máy quan liêu đang ngày càng suy đồi, mục nát. Với những vua quan ấy, làm sao một người như ông có thể dựa vào đó để thực hiện lý tưởng giúp nước, cứu dân được. Ông thấy rõ sự suy sụp không thể cứu vãn nổi của nhà Lê. Ông chờ đợi một đổi thay thời thế tất yếu sẽ xẩy ra.

Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê, lập ra vương triều Mạc, người ta thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn ung dung ở nhà tiếp tục nghề dạy học. Năm 1529, nhà Mạc mở khoa thi thứ nhất, năm 1532 mở khoa thi thứ hai, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn chờ.

Phải chờ gần 8 năm trời, có đủ thời gian để thực tiễn chứng minh sự hiện diện đáng tin cậy của nhà Mạc. Bấy giờ Nguyễn Bỉnh Khiêm 45 tuổi mới đi thi và lập tức giành học vị cao nhất. Kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ (1534) đỗ giải nguyên. Mùa xuân năm Ất Mùi (1535) thi Hội đỗ hội nguyên, thi Đình đỗ trạng nguyên.

Sau khi đỗ trạng nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm ra làm quan với triều Mạc. Ở triều được 8 năm, thấy gian thần lộng hành, ông dâng sớ đàn hặc và xin chém 18 tên. Vua Mạc không nghe. Ông bèn thác bệnh xin về trí sĩ.

Trở lại quê nhà, ông vẫn được nhà Mạc trọng vọng, khi có việc gì quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi. Có khi ông được triệu về kinh, “thung dung trù liệu kế hoạch, rồi lại trở về am, chứ không ở lại” (Phả ký).

Riêng ông, ông vẫn quan tâm đến thời cuộc và không quên trách nhiệm của mình đối với xã hội. Bởi vậy sau một thời gian, ông lại trở lại tham gia chính sự. Trong khoảng những năm từ 1554 đến năm 1561, đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn làm Tham tán quân cơ theo quân nhà Mạc hai lần đi “dẹp loạn” ở miền Tây.

Xong binh vụ này, ông lại về quê nghỉ, nhưng chỉ ít lâu lại ra làm việc, được thăng chức Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ, giữ chức vụ này cho đến khi về hưu lần thứ ba (năm 1564). Lần này ở tuổi 74, ông mới thực sự treo ấn từ quan.

Trở lại quê nhà, ông lập am Bạch Vân, mở trường dạy học bên bờ sông Hàn, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ, tự coi mình như một áng mây trắng. Trắng như tâm hồn trong trắng, thanh cao của ông vậy.

Qua nhiều năm dạy học, trước sau ông đã đào tạo ra hàng trăm trò giỏi, trong đó có nhiều người sau này trở thành những nhân vật nổi tiếng một thời, như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử, Đinh Thời Trung v.v.

Vào những năm tháng cuối đời, sức khỏe không tốt, ông càng thêm da diết bởi vận nước vẫn long đong, tương lai mù mịt. Năm 1585 đau ốm nhiều. Cuối năm bệnh nặng không qua khỏi. Ông mất ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585), thọ 95 tuổi.

Triều đình truy tặng ông từ chức Tả thị lang bộ Lại lên chức Thượng thư bộ Lại, từ tước Trình Tuyền hầu lên tước Thái phó Trình Quốc công. Vua Mạc Hậu Hợp tự tay viết biển ngạch “Mạc triều trạng nguyên Tể tướng từ” để treo ở đền thờ ông.

Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại một di sản văn học quý báu: khoảng 700 bài chữ Hán (gồm thơ, phú, bi, ký, văn tế) và gần 200 bài thơ chữ Nôm, chủ yếu tập trung trong Bạch Vân am thi tập - thơ chữ Hán và Bạch Vân quốc ngữ thi - thơ chữ Nôm.

Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ phản ánh sâu sắc những diễn biến của cuộc đời mà còn thể hiện chân thành những suy tư, xúc cảm, thái độ của ông trước những diễn biến ấy.

Nội dung thơ văn của ông trước hết là những vấn đề thế thái nhân tình. Những vấn đề đó lại thường được ông phản ánh và phân tích theo tinh thần Dịch lý. Vì vậy, nhiều người gọi ông là nhà thơ triết lý.

Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, đặc biệt là thơ Nôm của ông, đánh dấu một chặng đường quang vinh trong lịch sử văn học Việt Nam.

Thơ của ông vừa mang những nét mộc mạc và rắn chắc của thơ Nguyễn Trãi, vừa tiếp thu truyền thống trau chuốt và nhuần nhuyễn của thơ Lê Thánh Tông và nhóm Tao Đàn. Thơ của ông chính là sự chuẩn bị cần thiết cho sự phát triển rực rỡ của thơ Nôm thế kỷ XVIII.

Trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân cách rất đặc biệt. Hiếm có ai được như ông, cuộc đời dài tới 95 tuổi, sống gần trọn vẹn cả một thế kỷ, thế kỷ XVI đầy biến động.

Ông là một đại nho, một nhà tư tưởng, nhà chính trị có uy vọng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân.

Ông là tác giả lớn của nền văn học nước nhà, để lại một di sản văn thơ lớn.

Ông là một “phu tử”, người thầy lớn của thời đại, nhà giáo dục nhiệt thành của chủ nghĩa nhân văn, đào tạo ra hàng trăm đệ tử anh tài.

Ông là bậc hiền nhân, nêu gương sáng về đạo đức liêm khiết, thanh cao, sống có bản lĩnh giữa một xã hội ô trọc.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà trí thức đức tài toàn vẹn, rực rỡ một thời và tiêu biểu cho nhiều tầng lớp trí thức Việt Nam./.

("Danh nhân Hà Nội/Vietnam+)