Di tích lầu Tứ Phương Vô Sự ở cố đô Huế

Lầu Tứ Phương Vô Sự. (Nguồn: Internet)

Ngày 3/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức nghiệm thu và đưa vào sử dụng di tích lầu Tứ Phương Vô Sự, thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế, sau 20 tháng trùng tu xây dựng (từ tháng 12/2008) với tổng mức đầu tư hơn 9,3 tỷ đồng.

Dự án bảo tồn tu bổ di tích lầu Tứ Phương Vô Sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm góp phần bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, từng bước làm sống lại một cách hoàn chỉnh hệ thống các giá trị di tích kiến trúc thuộc Đại nội - Huế; làm phong phú và thể hiện tính đa dạng các loại hình kiến trúc quần thể di tích cố đô; tạo thêm một điểm hấp dẫn phục vụ cho du khách tham quan, du lịch, thưởng lãm, đồng thời cũng là địa điểm tổ chức trưng bày triển lãm nghệ thuật trong các kỳ Festival Huế sắp tới.

Dự án tập trung bảo tồn, tu bổ và phục hồi các hạng mục như tường thành Bắc Khuyết Đài; hệ thống lan can; lầu Tứ Phương Vô Sự; sân vườn, không gian cảnh quan môi trường đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, có hệ thống chống sét và phòng cháy theo tiêu chuẩn, đáp ứng công năng tái sử dụng thích nghi của công trình.

Đặc biệt đây là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Về di tích lầu Tứ Phương Vô Sự

Di tích lầu Tứ Phương Vô Sự là một công trình kiến trúc hai tầng nằm trên Bắc Khuyết Đài của Hoàng thành Huế, được vua Khải Định xây dựng năm 1923, trên diện tích 1.650m2. Trước khi công trình này được xây dựng thì đây là vị trí của Đình Tứ Thông nằm trên Bắc Khuyết Đài được xây dựng vào năm 1804 (thời vua Gia Long).

Trong quá trình tồn tại, ngôi đình trên được sửa chữa vào các năm Minh Mạng thứ 11 (năm 1830) và thứ 14 (năm 1833). Tuy nhiên, đến thời vua Đồng Khánh, ngôi đình trên đã bị xuống cấp và đã được tháo dỡ do không có điều kiện sửa chữa, trùng tu, tôn tạo.

Đến năm 1923, vua Khải Định cho xây dựng trên Bắc Khuyết Đài một công trình kiến trúc hai tầng với những đường nét kiến trúc hài hòa, giao thoa giữa phong cách Á-Âu, được đặt tên mới là lầu Tứ Phương Vô Sự - mang nghĩa mong mọi sự bình yên.

Lầu Tứ Phương Vô Sự có nền, tường, cửa và kỹ thuật làm mang phong cách châu Âu, còn mái và họa tiết trang trí lại đậm đặc kiến trúc Á Đông với hình mặt trời ở giữa, hai con rồng chầu hai bên theo kiểu hồi long trên nóc, bốn bờ quyết đắp nổi hình rồng.

Đây là một công trình kiến trúc có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa nghệ thuật, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời bấy giờ, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử kiến trúc Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX. Di tích lầu Tứ phương Vô sự được ghi nhận là nơi nhà vua và hoàng gia lên hóng mát và ngắm cảnh, và là nơi học tập hằng ngày của các hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối của triều Nguyễn.

Trải qua thời gian chịu sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, chiến tranh tàn phá, đặc biệt là trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đã làm cho công trình kiến trúc Lầu Tứ Phương Vô Sự nói riêng và Bắc Khuyết Đài nói chung bị hư hỏng nặng nề và xuống cấp nghiêm trọng.

Hệ thống tường thành của Bắc Khuyết Đài bị mất ổn định, nguyên nhân chủ yếu do áp lực đất bão hòa nước cùng với tải trọng tăng cường của Lầu Tứ Phương Vô Sự làm cho tường bị đẩy trượt ra ngoài, làm gãy nứt nhiều đoạn. Toàn bộ hệ khung gỗ bị mất hoàn toàn, tường nhà tầng một bị sụp đổ một mảng nghiêm trọng ở phía Bắc, tường nhà tầng hai bị sụp đổ gần hết chỉ còn lại một mảng ở góc Tây Nam, nền nhà bị sụt lún, hư hỏng trầm trọng.

Nhận thức rõ những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích lầu Tứ Phương Vô Sự, để phục vụ cho công tác trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị của di tích này một cách có hiệu quả, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế - đơn vị chủ đầu tư, đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Phân viện Khoa học Xây dựng miền Trung tiến hành nghiên cứu các tư liệu thư tịch, điều tra thám sát khảo cổ học và lập dự án bảo tồn tu bổ di tích này một cách khoa học và bài bản theo đúng Luật Di sản, đúng các công ước quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích./.

Trà Vinh (TTXVN/Vietnam+)