"Cần đặt văn hóa trong cái tổng thể của Việt Nam"

Nhà văn, nhà nghiên cứu Lý Khắc Cung. (Nguồn: TT&VH)

Là người viết trên 40 cuốn sách về Hà Nội, 15 cuốn sách về văn hóa Việt Nam và dịch gần 30 cuốn sách nước ngoài, nhà văn, nhà nghiên cứu Lý Khắc Cung vừa hoàn thành ba tập sách về Thăng Long-Hà Nội; đồng thời chuẩn bị cho ra mắt cuốn "Tình sử và văn hóa phồn thực Thăng Long-Hà Nội."

Lý Khắc Cung, người làng Bưởi, quận Tây Hồ. Cuối năm 1958, Lý Khắc Cung theo lời kêu gọi làm giáo viên dạy tiếng Trung Quốc, đào tạo phiên dịch. Sau đó, ông sang học ở Tiệp Khắc rồi về làm công nghệ. Về sau, ông lại được cử đi làm phiên dịch cho nhiều cơ sử, nhà máy ở Hà Nội và các miền xung quanh.

Ở Bộ Văn hóa (trước đây), ông làm thư ký UNESCO và ACCT cho Bộ. Sau đó ít lâu, ông làm hướng dẫn viên du lịch xuyên quốc gia. Ông dùng năm ngoại ngữ gồm Trung, Pháp, Anh, Tiệp, Tây Ban Nha. Ông đã ở và đi qua 22 nước trên thế giới.

- Là nhà nghiên cứu văn hóa, ông quan tâm đến vấn đề gì nhất ?

Nhà văn hóa Lý Khắc Cung: Tôi quan tâm đến nhiều thứ, nhưng để hiểu văn hóa, cần phải đặt trong cái chỉnh thể. Phát triển văn hóa đồng bộ với sự phát triển giáo dục, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật…Cả mấy mặt này không tách rời nhau để đưa đất nước đi lên. Nước lên thì thuyền lên. Chúng bổ sung cho nhau.

Tôi cũng quan tâm đến những con người hoạt động văn hóa và nghệ thuật. Tôi tôn trọng họ, viết về họ vì trong số họ có nhiều người giỏi, đạt tầm cỡ thế giới qua sự hiểu biết và tài năng. Ví dụ như các vị Phan Cung Việt, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trương Thị Kim Dung, Anh Chi, Hoàng Kim Dung, Bằng Việt, Thanh Thanh Hiền…

- Khi nghiên cứu sâu đến những vấn đề văn hóa hôm nay, đặc biệt là trước thềm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông thấy nổi lên những vấn đề gì nhất?

Nhà văn hóa Lý Khắc Cung: Theo tôi có bốn vấn đề gồm Thăng Long-Hà Nội được thế giới vinh danh là "Thành phố vì hòa bình;" đời sống vật chất của người dân được cải thiện, kinh tế-khoa học-kỹ thuật được chú ý; chúng Việt Nam hòa nhập với thế giới hiện đại với tinh thần vừa hiện đại vừa có nét truyền thống; và ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại có giá trị đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản. Ngôn từ duyên dáng và trang phục rất đẹp.

- Theo ông, nét đặc sắc của Thủ đô kinh kỳ là gì?

Nhà văn hóa Lý Khắc Cung: Đó chính là con người Thủ đô. Người dân Thăng Long Hà Nội nhạy bén, thích nghi nhanh chóng với sự tiến hóa của xã hội hiện đại. Và, người Thăng Long Hà Nội ham học, không nói nhiều mà nghe nhiều, quan sát, học hỏi một cách lịch sự, khiêm tốn. Nhưng, điều không thể phủ nhận là Hà Nội có rất nhiều cô gái đẹp. Đi 10m sẽ gặp một cô rất đẹp, đi 30m sẽ gặp một cô quá đẹp. Đó là ý kiến của trên 10 vị khách nước ngoài là bạn tôi.

- Kinh kỳ xưa và nay có khác biệt, nhưng theo ông, sự cách biệt có xa không?

Nhà văn hóa Lý Khắc Cung: Khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thương nghiệp…(mà bản thân chúng cũng là một dạng văn hóa)…tiến lên cùng với văn hóa, nghệ thuật là tạo nên sự khác biệt xưa và nay. Có điều, tốc độ phát triển về các mặt công nghiệp hóa, khoa học, kỹ thuật, thương mại, mậu dịch… của Việt Nam còn chưa được nhanh chóng lắm nên sự khác biệt cũng chưa được mạnh lắm. Sau này sẽ khác biệt nhiều hơn và như vậy sẽ không tránh khỏi sự mất mát của những yếu tố và cơ sở văn hóa nghệ thuật cùng với những yếu tố xã hội khác. Đó là điều rất đáng để suy ngẫm, trăn trở.

- Thế còn văn hóa truyền thống Việt Nam, sự khác biệt với văn hóa thế giới có tạo ra độ vênh?

Nhà văn hóa Lý Khắc Cung: Có nhiều nét khác nhau lắm chứ. Nhưng lại có một mẫu số chung là phải phục vụ cho cộng đồng, khuấy động sức sốn của trai gái trong cộng đồng làm cho họ vui lòng, vui sống, hòa đồng.

Văn hóa truyền thống Việt Nam khá hùng hậu và rực rõ. Riêng về mặt sân khấu và Tuồng, Việt Nam có "Sơn Hậu," "Ngọn lửa Đông Sơn," "Đào Việt Namm Xuân"… Về Chèo, Việt Nam có "Quan Âm Thị Kính," "Kim Nham," "Lưu Bình-Dương Lễ," "Chu Mãi Thần."

Về Cải lương, Việt Nam có "Đời Cô Lựu," "Tô Ánh Nguyệt," "Hoa rơi cửa Phật," "Dương Vân Nga"… Đó là những tác phẩm sân khấu được diễn lên với dáng vóc nhân loại. Chúng không thể hay hơn được nữa. Chúng đã được thử thách với thời gian dài trong nước và ngoài nước. Việt Nam lại còn những hình thức độc đáo khác nữa như nghệ thuật Chầu văn, Múa rối nước…

Nhiều tác phẩm sân khấu truyền thống vẫn còn được diễn đến tận ngày nay hoặc chúng được cải biên cho phù hợp với cuộc sống ngày nay. Nhiều tác phẩm truyền thống của Việt Nam hội tụ được những yếu tố thẩm mỹ của nhân loại như cái tốt, cái đẹp, cái cao cả, cái lạ lùng kỳ hoa dị thảo. Những năm gần đây (2000-2010) một số tác phẩm của Việt Nam không có đủ những thành tố kể trên nên nhạt nhẽo, khiến công chúng thờ ơ…

- Là người viết trên 40 cuốn sách về Hà Nội, 15 cuốn sách về văn hóa Việt Nam và dịch 29 cuốn sách nước ngoài qua mấy ngoại ngữ. Trên mọi phương diện, ông đã và sẽ quan tâm nhất vấn đề gì hiện nay?

Nhà văn hóa Lý Khắc Cung: Trong số những đầu sách này, tôi có một cuốn sách tổng hợp về văn hóa: “Hà Nội-văn hóa và phong tục” gồm chín chương. Chương một là dấu tích, chương hai là phong tục, chương ba nói về nghệ thuật ẩm thực rồi đến các chương về văn hóa tâm linh, nếp sống, mấy khuôn mặt người Hà Nội, phục trang, những thú vui chơi, nghệ thuật… Tôi cho rằng, ít nhất nên nắm lấy chín chương sách kể trên mới dễ cảm thụ được cái hình hài, tinh thần, thanh sắc tài duyên của văn hóa Hà Nội.

Tôi cũng quan tâm về hai mặt vật chất và tâm linh của văn hóa vì hai vấn đề đó đề cập đến tín ngưỡng là niềm tin lạc quan và nghệ thuật là hai vấn đề vừa thíêt yếu vừa bay bổng tâm linh. Con người Việt Nam sống về hai cái nhẽ đó. Nếu không có chúng, Việt Nam không thể sống được

- Nếu hiểu cho thấu đáo về bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc, theo ông… Việt Nam đang ở đâu?

Nhà văn hóa Lý Khắc Cung: Văn hóa Việt nam giữ được bản sắc và truyền thống để phát triển. Nó đứng sừng sững, không nghiêng ngả mà thu hút những tinh hoa bạn bè của thế giới để làm cho mình trở nên phong phú và màu sắc.

- Ông có dự định viết về văn hóa phồn thực Việt Nam không? Tại sao?

Nhà văn hóa Lý Khắc Cung: Tất nhiên rồi. Tôi muốn nhắc đến cái cốt lõi vật chất và tinh thần (tâm linh) của con người văn hóa. Đó là những câu chuyện vừa máu thịt với cuộc sống vừa đưa con người: bay bổng và trở nên hoàn thiện hơn trong cõi sống trần gian đầy gió bụi.

- Theo ông, giáo dục văn hóa truyền thống cho lớp trẻ hiện nay, cần chút ý đến vấn đề gì?

Nhà văn hóa Lý Khắc Cung: Trước sau, Việt Nam cũng phải cho lớp trẻ rõ cuộc sống mới hiện đại cần rất nhiều tri thức ở nhiều ngành nghề, môn học khác nhau. Phải cho lớp trẻ có một tư duy tổng hợp, phải học thêm ngoại ngữ, tham khảo và đọc sách nước ngoài đặc biệt là các nước tiên tiến hàng đầu thế giới để đưa đất nước tiến lên./.

(TT&VH/Vietnam+)