Tứ đại khí nước Đại Việt

Chùa Một Cột ngày nay. (Nguồn: Internet)

An Nam tứ đại khí là bốn khí vật bằng đồng cực lớn tương truyền được đúc ở thời Lý, là tháp Báo Thiên và chuông Quy Điền ở kinh đô Thăng Long, là vạc chùa Phổ Minh ở Nam Định (hay chùa Phả Lại ở Bắc Ninh?) và tượng phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh, do làm bằng đồng nên quân Minh trong thời gian thống trị nước ta ở đầu thế kỷ 15 đã phá hủy lấy đồng.

Dân gian còn nhớ vạc Phổ Minh còn có thể chạy được trên miệng, còn bia chùa Quỳnh Lâm kể rằng pho tượng Phật ở đây cao những 6 trượng (3,1m) đầu tượng chạm nóc điện cao 7 trượng, đứng ở bến đò Triều Đông xa mươi dặm (chừng 5km) còn trông thấy rõ.

Kinh đô Thăng Long sở hữu hai trong bốn số đại khí như thế. Hai công trình này được ghi khá đầy đủ trong thư tịch, nó được xem như là huyền thoại, kỳ vĩ cả về ý tưởng chứ không phải chỉ ở hình thức.

Đầu tiên là tòa tháp do vua Lý Thánh Tông  cho xây dựng vào năm 1057, tên tháp là "Đại Thắng Tư Thiên." Nhưng vì là bộ phận của ngôi chùa "Sùng Khánh Báo Thiên," cho nên người đời quen gọi là "Tháp Báo Thiên."

Tháp xây ngay trên đất bằng ở giữa kinh thành, có số tầng chẵn (12 hoặc 30?). Tháp có số tầng chẵn biểu thị sự cân bằng, ổn định, tĩnh tại , bền vững như triều đình nhà Lý đầy khí thế, sẽ tồn tại dài lâu.

Ngọn tháp đúc bằng đồng khắc ba chữ "Đao Ly Thiên," thể hiện ý chí vươn lên tận trời cao cho nên tháp Báo Thiên luôn được coi là cây "Kình Thiên Trụ" (cột chống trời) của kinh đô và văn hóa Thăng Long.

Nhà thơ - tể tướng đời Trần là Phạm Sư Mạnh đã có bài thơ rất hay, tả lại cây tháp với hình tượng thật hoành tráng:
                                                "Giữ vũng kinh đô, trấn Tây Đông
                                                Sừng sững vươn cao vượt núi sông
                                                 Chống trời một cột yên đất nước 
                                                Mũi nhọn xưa nay chẳng hề cong!"


33 năm sau khi tháp Báo Thiên vươn mình tới tận chỗ của trời (Đáo Lỵ Thiên) ở ngoài cửa nam Hoàng thành Thăng Long, đến lượt "tứ đại khí" thứ hai được tạo tác ở chỗ của Tây Hoàng thành.

Đó là quả chuông đồng khổng lồ do vua Lý Nhân Tông cho đúc vào mùa xuân năm 1080 để treo ở ngôi chùa Diên Hựu - nơi có tòa tháp hình hoa sen nở trên cuống sen (quen được gọi là "Chùa Một Cột") - do vua Lý Thái Tông xây dựng từ năm 1049.

Truyền rằng chuông to đến nỗi phải xây một lầu chuông bằng đá xanh, cao đến 8 trượng (20-25m) để treo. Nhưng khi đánh thử chuông lại không kêu nên đành phải trục vần chuông ra chỗ ruộng lầy ở cạnh chùa.

Thửa ruộng này vì ngập nước nên có nhiều rùa làm tổ, vào ở trong chuông, do đó chuông được mang tên là chuông "Quy Điều" (Ruộng Rùa), quả chuông khổng lồ đặt đó nên cũng có tên là "Quy Điền chuông."

Chuông tồn tại đến đầu thế kỷ 15 thì bị quân Minh phá hủy lấy đồng.

Trở lại ngôi chùa Một Cột, hình ảnh cây cột đá kỳ vĩ đội tòa chùa ở giữa hồ nước còn có thể xem là cặp tượng Linga-Yoni hoành tráng, biểu thị sự trường tồn, sinh khí rộn bừng sức sống. Rất tiếc là cuối thời Nguyễn làm lại thu nhỏ nhiều lần, rồi tháng 9/1954 thực dân Pháp lại lén phá, sau khi tiếp quản thủ đô đã cho làm lại.

Cột chùa ngày nay bằng ximăng cốt thép chỉ cao chừng 4m với đường kính 1,2m và ngôi chùa trên đầu cột mỗi cạnh cũng chỉ chừng 3m. Chùa nhỏ nhưng hình tượng bông sen vẫn giữ được và hòa hợp với cảnh trí cây xanh mang một vẻ đẹp duyên dáng.

Năm 1958, chùa Một Cột còn được trồng cây bồ đề chiết từ cây mẹ mà đức Thích Ca đã tu thành Phật, do Tổng thống Ấn Độ Prasat tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Diện mạo Thăng Long ban đầu qua thư tịch rất phong phú, xứng tầm một thành phố lớn thời trung cổ thế giới, thực sự là khí thế rồng bay của dân tộc, của vương triều, của hoàng đế. Gần nghìn năm biến đổi, dấu tích xưa còn lại quá ít ỏi, chỉ có thể hình dung với bức tranh phác hoạ, song thật rất quý./.

("Kể chuyện ngàn xưa Thăng Long-Hà Nội"/Vietnam+)