Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải

Đại Việt sử ký toàn thư đoạn ghi những sự việc xảy ra trong tháng 10 năm Tân Sửu (1241) có viết: “Hoàng tử thứ ba là Quang Khải ra đời, là em cùng mẹ khác cha với thái tử Hoảng. Quốc Khang anh trưởng”.

Như vậy thì Trần Quang Khải là con đẻ thứ hai của Trần Thái Tông vì Quốc Khang thực ra là con của Trần Liễu. Quang Khải kém thái tử Hoảng 1 tuổi. Năm Quang Khải ra đời (1241) Trần Thái Tông mới 29 tuổi nhưng đã ở ngôi vua được 16 năm.

Trong thời niên thiếu, Quang Khải là một cậu học sinh chăm chỉ cần cù. Về văn chương cũng như về võ bị cậu đều ra công rèn luyện tu dưỡng, đặc biệt Quang Khải lại còn am hiểu nhiều thứ ngôn ngữ của các dân tộc khác.

Thời trẻ của Trần Quang Khải, ta thấy sử bỏ bẵng đi, không ghi chép gì tới 17 năm. Mãi tới năm Mậu Ngọ (1258) Toàn thư mới lại cho biết thêm một chi tiết: “Năm Mậu Ngọ tháng 11, Trần Thánh Tông phong cho em là Quang Khải làm Chiêu Minh đại vương”.

Nguyên là trước có 9 tháng, vào tháng 2, Thái Tông đã truyền ngôi cho thái tử Hoảng để làm thái thượng hoàng. Hoảng lên ngôi tức là Thánh Tông, vì vậy Toàn thư mới viết là phong cho em. Phải bốn năm năm nữa, Quang Khải mới thực sự nhận một chức vụ chính quyền.

Một vị tướng tài

Cuối tháng 1/1285, quân Nguyên vượt biên giới xâm lược Đại Việt. Chúng cho ba mũi tiến công: Thoát Hoan là mũi chính, từ Quảng Tây đánh qua cửa ải Nam Quan. Nạp Tốc Lạp Đinh từ Vân Nam đánh theo dòng sông Chảy. Còn Toa Đô khi đó đã chiếm đóng phía bắc Chiêm Thành, đánh thúc lên các lộ phía nam, nhà Trần liền chia quân đón đánh.

Để ngăn cánh quân Toa Đô, đầu tháng giêng (tức tháng 2/1258) Trần Nhật Duật đã được lệnh vào Nghệ An chuẩn bị chiến trường. Cũng trong thời gian này, vua Trần điều thêm Trần Kiện đem 1 vạn quân vào giữ Thanh Hóa.

Tuy vậy, nhưng cũng chưa thật sự yên tâm về phía nam, nên Trần Quốc Tuấn đề nghị vua Trần cử thêm Trần Quang Khải vào Thanh Nghệ để quán xuyến công việc kháng chiến. Ngày 28 tháng Giêng năm Ất Dậu (5/3/1285) Quang Khải lên đường.

Cũng vào thời gian này, Toa Đô đã đánh vào lộ Bố Chính (nay là Quảng Bình) và tiến xa tới Nghệ An. Trần Nhật Duật không cản được phải rút lui.

Khi quân giặc tới Thanh Hóa thì gặp Trần Kiện, gã này không những không chiến đấu mà lại đem cả 1 vạn quân ra hàng giặc (ngày 8-3-1285). Sau đó hắn lại dẫn đường cho quân Nguyên tìm đánh Trần Quang Khải ở bến Phú Tân. 

Việc Trần Kiện đầu hàng và làm tay sai cho giặc đã gây cho ta nhiều khó khăn. Trần Quang Khải phải lui quân về Thiên Trường (Nam Định), hội với vua Trần. Lúc này Thoát Hoan đã chiếm Thăng Long và dự định đánh vào Thiên Trường.

Để tránh hai gọng kìm quân Nguyên, vua tôi nhà Trần đã rút về các lộ ven biển (Quảng Ninh) rồi quay trở vào Thanh Hóa để củng cố lực lượng và đợi thời cơ phản công.

Và dịp đó đã tới: một tháng sau, tức tháng 4 âm lịch năm đó (khoảng tháng 5/1285), Trần Quốc Tuấn, Quang Khải, Nhật Duật và các tướng lĩnh khác đem binh thuyền vượt qua vùng chiếm đóng của Toa Đô tiến ra Bắc. Mục tiêu tấn công trước tiên là các cứ điểm của giặc đóng cọc sông Hồng đoạn qua vùng Hưng Yên.

Mở đầu Trần Quốc Tuấn hạ vùng A Lỗ (nằm ở chỗ sông Hồng gặp sông Luộc). Tiếp đó Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái hạ đồn Tây Kết (gần bãi Mạn Trù thuộc Khoái Châu). Còn Trần Quang Khải dẫn Trần Quốc Toản và một số tướng khác đánh địch ở bến Chương Dương (Thường Tín, Hà Tây).

Chiến thắng Chương Dương có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vì nó đã tiêu diệt một cứ điểm trọng yếu cuối cùng của địch trên sông Hồng, tạo điều kiện cho việc giải phóng Thăng Long, từ đó mở ra một thời kỳ mới: Thời kỳ phản công trên các mặt trận, đập tan ý đồ xâm lược của địch, buộc Thoát Hoan phải rút chạy về nước.

Năm ấy, Quang Khải đã 44 tuổi, và từ đây trở đi cho tới khi ông mất (ngày 3 tháng 7 năm Giáp Ngọ - 1294), ông được mọi người quý mến gọi là Quốc thúc.

Một nhà thơ

Không chỉ là một nhà ngoại giao, một vị tướng, Quang Khải còn là một nhà thơ. Ông có tập Lạc Đạo thi tập nhưng ngày nay không còn. Thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn chỉ sưu tầm được 9 bài, chép vào Toàn Việt thi lục.

Số lượng còn lại ít ỏi như vậy nhưng cũng đủ cho ta thấy ở ông một tấm lòng mến yêu đất nước, quê hương mà ông đã từng bảo vệ, một niềm lạc quan một sự khiêm nhượng, một cốt cách dân tộc đậm đà, tất cả được thể hiện ra bằng một năng khiếu quan sát tinh tế, một xúc cảm đẹp đẽ, lành mạnh.

Một điểm nổi bật nữa trong thơ Trần Quang Khải là đề tài và chất liệu thật là thân thuộc: một bến đò, một cánh đồng, một mảnh vườn, một lũy tre, một bờ liễu, một trận mưa xuân trên đường thôn, một khúc sáo mục đồng trong chiều sương... Và với bấy nhiêu chất liệu tác giả vẽ nên những bức tranh thật đẹp./.


("Danh nhân Hà Nội"/Vietnam+)