Lặng thầm những họa sĩ phố đêm đất Hà thành

Nếu có dịp dạo phố vào những tối cuối tuần trên đường Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội), khách bộ hành sẽ gặp những giá vẽ của những cây cọ trẻ miệt mài vẽ chân dung cho những người khách đi dạo phố.

Đã gần chục năm nay, chợ đêm Đồng Xuân (Hà Nội) là nơi những sinh viên ngành mỹ thuật rèn luyện tay nghề, cũng là nơi họ kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Những ngày cuối tuần chính là thời điểm một số sinh viên hành nghề ký họa. Khi chợ đêm Đồng Xuân nhộn nhịp cũng là lúc những họa sĩ phố đêm bắt đầu buổi lao động cuối tuần.

Giống như những “ông đồ bên phố đông người qua", "đồ nghề" của các  hoạ sỹ phố đêm quá đơn sơ: vài chiếc ghế nhựa, một giá vẽ nhỏ gọn với dăm tấm hình mẫu cùng dòng chữ “Ký họa chân dung”.

Công đoạn đầu tiên của những “họa sĩ đường phố” là chọn một vị trí vừa đủ, có ánh sáng trên vỉa hè ở khu phố cổ dành cho người đi bộ.

Bên giá vẽ vừa mở, Thành Đạt - sinh viên năm cuối Khoa tạo dáng công nghiệp, Viện Đại học mở Hà Nội, cho biết: “Cứ đến cuối tuần, em và bạn cùng trường lại xách giá vẽ ra chợ đêm vẽ kiếm tiền, trang trải phần nào việc ăn học... Mỗi buổi tối em vẽ được khoảng 4-5 bức tùy thuộc vào lượng khách”.

Hiện có hơn chục người hành nghề ký họa chân dung ở chợ đêm và phần lớn trong số đó là sinh viên các trường đại học. Họ thường kết thúc một ngày làm việc của mình khá khuya với thu nhập bình quân mỗi đêm khoảng 200.000-300.000 đồng.

“Thu nhập đủ để chi tiêu cho bản thân và phụ giúp gia đình chút ít anh ạ” - Thành Đạt cho biết thêm. Sau khi nhận bức chân dung của mình, anh Gunter-Udo, một khách du lịch đến từ Đức nói: “Sinh viên Việt Nam vẽ đẹp quá lại chịu khó nữa, thật tuyệt”.

Cũng bởi tác nghiệp ở môi trường đường phố, những họa sĩ đường phố này ít khi vẽ trên giá. Tính chất “tài tử” được nhiều họa sĩ “biểu diễn” khi đặt giấy vẽ lên tấm bìa trên đùi để ký họa.

Vừa hoàn thiện bức chân dung cho một cháu nhỏ, Đạt cho biết: "Em vẽ ở chợ đêm đã 7 năm nay nên cũng có nhiều khách quen".  Tay đưa thoăn thoắt, Đạt vừa kể: “Vẽ là niềm đam mê của em từ những ngày còn nhỏ. Trước khi có chợ đêm phố cổ, năm 2003 em đã ngồi đây vẽ, nhưng chủ yếu vẽ tặng để rèn luyện tay nghề. Những ngày đầu mới ngồi đây ngại lắm, lại run nữa, nhưng sau cũng quen”.

Nhà Đạt trên đường phố Huế. Do có niềm yêu thích hội họa, nên Đạt được cha mẹ cho lên Cung Thiếu nhi học vẽ từ lúc Đạt học lớp 6.

“Bây giờ những em nhỏ biết vẽ đẹp hầu hết học trên Cung Thiếu nhi đấy anh ạ”, Đạt hồ hởi chia sẻ.

Cách đây hai năm cũng có một vài sinh viên nữ theo nghề này ở chợ đêm, nhưng nay đã nghỉ. Vẽ ở đây thường là những sinh viên hoặc họa sĩ nghiệp dư. Thời gian để ký họa chân dung cho khách mất khoảng 20-30 phút với giá tiền 50.000 đồng/bức. Khách đặt vẽ hầu hết là những người trẻ tuổi dạo bộ, những em bé đòi mẹ đi chợ để được vẽ. Cả những nam thanh, nữ tú cũng muốn sở hữu ngay một bức chân dung để làm kỷ niệm hoặc tặng người thân, bạn bè.

Các họa sĩ phố đêm, tên gọi thân mật mà du khách dành cho những sinh viên yêu hội họa làm thêm kiếm sống, tạo thêm nét đẹp thanh tao cho nhịp sống người Hà Nội./.

(Tin Tức/Vietnam+)