Thăng Long ngàn năm lắng đọng qua từng ngõ nhỏ

Ngõ nhỏ Hà thành vẫn cứ rung lên những nhịp điệu xôn xao tuần Đại lễ. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Internet)

Làm nên nét đặc trưng Hà Nội là sự hội tụ của các yếu tố từ lối sống, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, là vẻ đẹp của phố cổ, của cầu Thê Húc, nhưng có lẽ chỉ những người đã sống, gắn bó và tìm hiểu nhiều mới biết được cái hay của ngõ Hà Thành. Chỉ là những ngõ những ngách nhỏ cũng đủ tạo nên một cái gì mang vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội.

Trong khi cả nước cùng hướng về Đại lễ, vui niềm vui chung của Thủ đô nghìn tuổi thì những người dân sống giữa Hà Nội, còn rất nhiều những cư dân phố cổ vẫn miệt mài với cuộc sống thường ngày của họ.

Ngõ nhỏ, hồn xưa

Cái ngõ giản dị đơn sơ là thế, có khi chỉ là cái lối đi quen thuộc nhưng lại  đi vào thi ca nhạc họa cũng chẳng ít. “Nơi tôi sinh, Hà Nội, ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy. Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó..” Bài hát ấy đã từng là niềm day dứt, là nỗi nhớ của biết bao người con thủ đô mỗi khi xa nhà, xa quê hương.

Hà Nội còn rất nhiều ngõ phố mà mỗi cái tên đều chứa một phần lịch sử. Những Tạm Thương, Đại Đồng, Cống Trắng, Liên Trì, Thổ Quan, Lệnh Cư, ngõ 16 phố Ngõ Gạch... đều đậm đà dấu ấn riêng, làm nên hồn cốt của phố phường Hà Nội.

Bác Trần Trọng Hiếu, 62 tuổi sinh ra và lớn lên ở ngõ Cống Tráng, ngày ngày vẫn ra đầu ngõ ngồi nhâm nhi chén trà nóng, đánh cờ ôn chuyện xưa cùng với mấy ông bạn già.

Với bác Hiếu, cuộc sống thường ngày của những người dân trong con ngõ nhỏ nơi bác sống vẫn không có chút thay đổi mấy, ngõ nhỏ là những kí ức của thời xã xưa nơi lưu giữ những kỉ niệm tuổi thơ nô đùa cùng đám bạn trong phố, là những ngày ra đầu ngõ đứng đợi mẹ đi chợ mua quà về...

“Nếu nói về Hà Nội, tôi có thể nói được về những địa danh nổi tiếng như hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu hay những đặc trưng như cốm Vòng, hương thơm hoa sữa… Đó là những nét đẹp của Hà Nội không thể xóa nhòa, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim tôi, Hà Nội đẹp từ những điều bình dị nhất, chẳng hạn như con ngõ nhà tôi vậy…,” bác Hiếu chia sẻ.

Không chỉ bác Hiếu, mà rất nhiều người Hà Nội đều muốn đi tìm lại nét xa xưa, hay lặng mình sống với thời gian yên tĩnh trong phút chốc, tránh xa cuộc sống hối hả, xô bồ chảy trôi.

Nằm lọt thỏm trong con ngõ Tạm Thương là cửa hàng sửa đồng hồ của bác Phú, căn phòng tối, ẩm thấp lại bừng lên ánh sáng một góc phòng, người thợ già vẫn chăm chỉ nâng niu sửa những chiếc máy” đếm thời gian”. Công việc của bác cũng chính là nhịp đời của những người dân trong ngõ, vẫn bình lặng, nhẹ nhàng và phảng phất chút xưa trong phố.

Góc phố nhỏ bác ngồi dù lặng lẽ vẫn "thoảng" lên một không khí rất Hà Nội. Nó toát ra từ những chiếc cờ được cắm ngay trên nóc nhà, từ bức ảnh bác Hồ nâng niu trong căn nhà nhỏ, từ sự cần mẫn chịu khó làm ăn của người thợ sửa đồng hồ, từ những bài hát quen thuộc về Hà Nội mà bác đang nghe từ chiếc đài đặt trên tường.

Bác Phú lại chọn cho mình cách cảm nhận về không khí Đại lễ rất riêng: “Không khí Đại lễ nơi đâu cũng nhộn nhịp và sôi nổi, nhưng mỗi người đều có cách đón nhận khác nhau. Tôi thích đi dạo những con đường phố cổ vào ban đêm, được ngắm nhìn phố phường Hà Nội và Hồ Hoàn Kiếm lung linh ánh điện trông rất huyền ảo và đẹp mắt.”

Ai đã ở Hà Nội lâu năm, đã từng đến nhiều con ngõ nhỏ thì dù có đi xa về gần cũng không bao giờ quên nét đẹp bình dị, thân thương này của phố phường Hà Nội.

Lắng đọng thời gian của phố

Trên đường Thụy Khuê, một cái cổng làng bằng gạch cũ kĩ mở ra một con ngõ nhỏ lát gạch sạch sẽ, đó có thể là đường dẫn vào một làng cổ. Bước vào thế giới đó, ta không bị ngợp trong khói bụi, ồn ào mà chỉ thấy những khoảng tường lộ gạch lên rêu màu thời gian. Lặng lẽ đắm mình trong không gian ấy để thấy chút hoài niệm xưa cũng là sở thích của không ít người. Đôi khi muốn ngồi lặng trong cái quán trà nơi ngõ nhỏ mà nhìn ra cảnh phố thị ồn ào tấp nập, nhìn dòng người xe hối hả ngược xuôi, để thấy ngõ cho mình những cảm xúc dịu dàng dấu kín.

Theo bác Trà, một cư dân lâu năm trong ngõ Thổ Quan thì sống trong những con ngõ nhỏ mới thấy được những rung động tận chiều sâu tâm hồn, để nghe tiếng gọi ngàn xưa vang vọng lại chính là những mảng tường thô ráp, những mái ngói nhấp nhô trong các ngõ nhỏ, những chiều ngồi trên tầng hai của nhà hướng mắt xuống con phố để ngắm nhìn những ánh nắng vàng mật chiếu rọi suống đường.

Lục trong góc hòm bụi bặm, bác Trà mang cho chúng tôi xem những bức thư và chiếc tem cũ kỹ ngày trước mà chồng bà đi bộ đội gửi thư về. Những bức thư với nét chữ vội vàng bị thời gian làm mờ đi nhưng vẫn tròn vành rõ chữ, gửi gắm vào đó là những câu chuyện về thời chiến tranh, những lời hỏi thăm về gia đình, về sự thay đổi của góc phố.

Những ngày Đại lễ, bác Trà lại cố gắng đi xem những sự kiện mang tính dân tộc như triển lãm ảnh chợ xưa, những điệu múa cổ, những di tích lịch sử để gợi nhớ về những tinh hoa văn hóa, những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc.

Mỗi ngõ nhỏ Hà Nội đều lưu giữ hồn xưa trong đó. Nói về các con ngõ nhỏ thân thương của đất Hà thành, nhà văn Băng Sơn, một người cả đời dành những trang viết cho Hà Nội đã từng viết: “Xin một lần ghé thăm để đừng quên là Hà Nội vẫn còn nhiều ngõ nhỏ rất riêng Hà Nội, như tâm hồn ta vẫn còn những khoảng sâu lắng đôi khi mới có dịp lần giở đến... vào một hôm nào trở gió... Mong sao những ngõ nhỏ ấy, những góc sâu trong tâm hồn ấy đừng bị những ào ạt của xây dựng phá phách, xâm lăng mất”.

Trong không khí Đại lễ, những người dân trong các ngõ nhỏ và các khu phố cổ vẫn lựa chọn cho mình một cách chào mừng sự kiện trọng đại văn hóa lớn của đất nước, dù thầm lặng nhưng vẫn thể hiện tình yêu Hà Nội luôn có trong trái tim họ.

Bác Nguyễn Đức Nam, đã mấy chục năm nay sống tại ngõ Chợ Khâm Thiên, con ngõ hun hút sâu, chạy ngoằn ngoèo suốt dọc khu phố bom ngày trước. Mấy hôm rồi, lá cờ đỏ bay phần phật trước cửa nhà bác. Bác kể, tối nào, cả gia đình 5 người cũng bắt xe buýt lên phố cổ, đi dạo và nhìn dòng người ngược xuôi đủ sắc màu.

Khác với bác Nam, cụ Nguyễn Thị Mùa, năm nay 80 tuổi sống tại ngõ Trạm nhiều năm về trước. Đến tuần Đại lễ, cụ cứ nằng nặc đòi con cháu đưa về con ngõ nhỏ gắn liền với tuổi thơ của mình.

“Dịp này, nhìn con ngõ ngày nào rực rỡ cờ hoa, đông kịt người, tôi lại nhớ da diết những ngày còn bé,” cụ Mùa rưng rưng.

Cụ cũng bảo, Hà Nội bước vào Đại lễ, lòng những người đã sinh ra, lớn lên và gắn bó cùng với những góc nhỏ nhất của thành phố này cũng đang rung lên những nhịp điệu riêng của mình./.

Mạnh Hùng - Sơn Bách (Vietnam+)