Tượng nhà mồ - truyền thống đầy tính nhân văn

Tượng nhà mồ Tây Nguyên. (Ảnh minh họa: Internet)

Sự tài hoa, đôi tay khéo léo của 26 nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ tại Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009 đã dần biến những khúc gỗ vô tri thành những tượng tạc có hồn, chứa đựng bao triết lí nhân sinh, làm người xem ngỡ ngàng.

Điều đặc biệt là, các nghệ nhân hầu như chỉ sử dụng chiếc rìu có một đầu lưỡi sắc, một đầu lưỡi tù nhưng tạo ra những tượng người với đủ tư thế, thần thái khác nhau khiến không ít người xem phải trầm trồ.

“Đây là tượng một người cha với nỗi đau mất con. Vẻ thinh lặng, buồn đau được ẩn bên trong chứ không hiển lộ ra bên ngoài như nỗi đau của người phụ nữ khi mất con, mất chồng”, nghệ nhân Đinh Pri (Kông Chro) nói về tác phẩm của ông.

Những người vợ ôm mặt khóc chồng, người bế con, người lấy nước, người mang gùi, người ngồi khóc, người đánh trống đánh chiêng, người phụ nữ mang thai, người phụ nữ giã lúa, tất cả các tác phẩm trong Festival lần này như tái hiện cuộc sống thật một cách sinh động, phong phú.

Nghệ nhân Kpuh Dol (Chư Pah) cho biết: “Khi người vợ hoặc người chồng chết, chúng tôi thường tạc cả hai vợ chồng để trong khu nhà mồ. Như thế, sẽ không ai phải cô đơn…”.

Những gì nghe và thấy đã phản ánh cả một truyền thống ứng xử đầy tính nhân văn với người chết mà các nghệ nhân muốn gửi tới người xem qua bàn tay sáng tạo của mình.

Có thể thấy các nghệ nhân tạc tượng nhà mồ đã gửi những thông tin mang tính xã hội, cộng đồng sâu sắc qua tác phẩm của mình.

Chúng vừa là những tác phẩm nghệ thuật, vừa mang ý nghĩa tâm linh nhưng không hề tạo ra cảm giác cách biệt mà trái lại, rất quen, rất gần với mọi người./.

(TTXVN/Vietnam+)