Xây dựng văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc

(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

"Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” là một trong những định hướng lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, được đề cập trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Góp ý cụ thể vào dự thảo Cương lĩnh 1991 (Bổ sung và phát triển), phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đề nghị tách văn hóa thành một phần độc lập trong hệ thống các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Phần văn hóa trong Cương lĩnh mới cần chú ý các nội dung dưới đây.

Xác định rõ phương hướng lớn của chính sách văn hóa Việt Nam là phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nâng cao chất lượng toàn diện xây dựng và phát triển nền văn hóa với đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, khoa học, hiện đại, dân chủ và nhân văn sâu sắc.

Đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ và toàn diện của ba lĩnh vực trên là điều kiện quyết định đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Kế thừa và phát triển những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tích cực và chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xác định rõ những nhiệm vụ của văn hóa, toàn bộ các hoạt động văn hóa phải tập trung vào xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Nâng cao chất lượng cuộc sống của con người là trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có lý tưởng xã hội và trách nhiệm công dân, có tri thức, thể lực, thẩm mỹ ngày càng cao, có kỹ năng lao động và đạo đức nghề nghiệp, trung thực và sáng tạo, có ý chí và bản lĩnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tư tưởng tình cảm và khát vọng vươn tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng giáo dục xây dựng con người. Đấu tranh chống các hiện tượng phản văn hóa, phản thẩm mỹ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Đảm bảo quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân. Phát triển hệ thống thông tin đại chúng hiện đại, đồng bộ, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân. Phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin trên mạng.

Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước ở các vùng, các miền, các dân tộc thiểu số, kết hợp hài hoà việc bảo vệ và phát huy di sản với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, chú trọng việc giáo dục truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng cho các thế hệ công dân.

Nâng cao hiệu qủa hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, đồng thời đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao trọng điểm, tiêu biểu ở các khu đô thị lớn. Chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao mới ở khu công nhân công nghiệp tập trung và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Chăm lo đời sống văn hóa của nông dân gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật và đạo đức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân, phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, các đoàn thể, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người, bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là xây dựng lý tưởng sống, lối sống, nếp sống, nâng cao trí tuệ, tình cảm, đạo đức, bản lĩnh, nhân cách văn hóa, thể lực của con người Việt Nam.

Đổi mới cơ chế quản lý văn hóa, thể thao, du lịch phù hợp với quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Tăng nhanh mức đầu tư của Nhà nước và xã hội cho văn hóa. Coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của các chương trình, mục tiêu quốc gia về văn hóa, thể thao, du lịch. Quản lý tốt thị trường văn hóa phẩm và xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh hoạt động văn hóa đối ngoại và coi trọng ngoại giao văn hóa để quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người và đất nước Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn cho các lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong thời kỳ mới. Nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động thể dục - thể thao, nâng cao thể lực và sức khỏe của con người Việt Nam.

Góp ý vào Báo cáo Chính trị Đại hội XI và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Duy Đức đề nghị những định hướng lớn về văn hóa cần được trình bày trong Báo cáo Chính trị của Đại hội XI tập trung vào sáu vấn đề sau:

Thứ nhất, cần tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển về thể lực, trí lực và tình cảm, có lý tưởng và nhiệt tình cách mạng, trung thành với sự nghiệp đổi mới, có kỹ năng lao động và sáng tạo, có ý chí và bản lĩnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phấn đấu vì xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các phẩm chất cơ bản của con người cần xây dựng là con người công dân, con người khoa học và con người nhân văn. Đề cao việc xây dựng ý thức công dân, tinh thần tôn trọng và làm theo Hiến pháp và pháp luật; nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; đề cao các giá trị nhân văn, hướng tới cái đúng, cái tốt và cái đẹp trong hoạt động thực tiễn của mọi người. Tăng cường giáo dục lý tưởng chính trị, đạo đức xã hội và bản lĩnh văn hóa cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng toàn diện của việc xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa thông qua đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa trong tổ chức đảng và cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, trong các doanh nghiệp, trong gia đình và trong cộng đồng dân cư... Xây dựng nếp sống văn minh trong xã hội, nhất là nơi công cộng.

Thứ ba, cần mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa, gắn kết chặt chẽ văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên văn hóa một cách hợp lý để phát triển du lịch dịch vụ. Đa dạng hóa các ngành nghề sáng tạo và sản xuất các sản phẩm văn hóa, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thứ tư là đảm bảo tự do và dân chủ trong hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, báo chí xuất bản, phát huy vai trò tích cực của các lĩnh vực này trong việc xây dựng môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ những người làm báo đối với nhân dân, dân tộc và thời đại, nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường, các viện về văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản. Phát huy vai trò của các hội văn học, nghệ thuật và báo chí từ trung ương đến địa phương.

Thứ năm, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, cần chú trọng xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm quốc gia và khu vực. Đặc biệt, Nhà nước quan tâm tới đầu tư xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới và hải đảo, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân.

Thứ sáu, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách chế tài ổn định phù hợp với yêu cầu quản lý văn hóa trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa.

Về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Duy Đức kiến nghị về vấn đề văn hóa đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm nên tập trung vào một số nội dung sau:

Phát triển đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực văn hóa. Xây dựng và hoàn thiện các chính sách đảm bảo găn kết chặt chẽ văn hóa với phát triển kinh tế và chính trị, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Nâng cao chất lượng của việc xây dựng văn hóa chính trị, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước. Coi trọng văn hóa lãnh đạo và văn hóa quản lý. Đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Tổ chức thực hiện tốt luật sở hữu trí tuệ.

Phát triển mạnh mẽ các ngành nghề sáng tạo và sản xuất các sản phẩm văn hóa. Đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nhất là điện ảnh, báo chí, phát thanh và truyền hình, quảng cáo và trình diễn nghệ thuật... Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ ở các trường văn hóa, nghệ thuật, khuyến khích tài năng, tăng cường công tác đào tạo ở nước ngoài. Có chính sách thu hút và khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ tập trung sáng tạo về những chủ đề lớn có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới chính sách đãi ngộ và tôn vinh những trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu. Đẩy mạnh việc xuất bản, tái bản và quảng bá những công trình văn hóa, lịch sử, nghệ thuật tiêu biểu của dân tộc. Khuyến khích văn hóa đọc trong xã hội.

Nâng cao chất lượng toàn diện của các hoạt động thông tin, báo chí, phát thanh và truyền hình, xuất bản và phát hành sách, tuyên truyền miệng ở tất cả các vùng, các miền. Phát triển đi đôi với quản lý tốt mạng Internet. Đẩy mạnh công tác thông tin và văn hóa đối ngoại.

Nâng cao chất lượng của phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhất là ở khu dân cư, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chăm lo các hoạt động văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng biên giới, hải đảo; xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn và trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân. Xây dựng nếp sống văn minh trong giao thông đô thị, trong tổ chức đám cưới, đám tang và lễ hội, đấu tranh kiên quyết loại bỏ những hủ tục và những tệ nạn xã hội trong sinh hoạt cộng đồng.

Mở rộng hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa. Đa dạng hóa các hình thức trao đổi và hợp tác văn hóa, văn học, nghệ thuật với nước ngoài. Khuyến khích cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và quảng bá văn hóa Việt Nam, tham gia tích cực vào xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước.

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Duy Đức lưu ý các thách thức lớn đối với văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011-2020 , đó là :sự tụt hậu của văn hóa so với tăng trưởng kinh tế; sự tụt hậu của văn hóa Việt Nam so với một số nước trong khu vực và thế giới; sự chệch hướng về mục tiêu phát triển văn hóa; sự phân hóa trên lĩnh vực văn hóa; trình độ lãnh đạo, quản lý văn hóa có thể tụt hậu so với tốc độ phát triển văn hóa.

Theo ông Phạm Duy Đức, 13 nhiệm vụ chủ yếu để xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 gồm xây dựng con người và lối sống văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa; xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; xây dựng văn hóa trong kinh tế, văn hóa sản xuất kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ; phát triển văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng; phát triển thông tin đại chúng; tăng cường, chủ động hợp tác và mở rộng giao lưu quốc tế về văn hóa; xây dựng văn hóa môi trường. Hoàn thiện thể chế, thiết chế văn hóa.

Ông Phạm Duy Đức nhấn mạnh trong nhiệm kỳ Đại hội XI (2011-2015), 4 nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chú ý để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam là xây dựng và phát triển con người; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; phát triển và quản lý tốt thị trường văn hóa; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, các ngành sản xuất các sản phẩm văn hóa.

Các giải pháp cụ thể có ý nghĩa đột phá để phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý; đảm bảo tự do, dân chủ; đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)