Hội thảo về xứ Đông-Hải Dương với Thăng Long

Một góc thành phố Hải Dương. (Ảnh: Internet).

Sáng 6/10, tại thành phố Hải Dương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với tỉnh Hải Dương tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xứ Đông-Hải Dương với Thăng Long-Hà Nội.”

Hội thảo nhằm thu thập, sưu tầm thêm những tài liệu mới về Thăng Long-Hà Nội và tỉnh Hải Dương trong lịch sử, qua đó, làm cơ sở nghiên cứu về vị thế của Hải Dương - một vùng đất phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa.

Các bài tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học đã đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau về “Xứ Đông-Hải Dương với Thăng Long-Hà Nội,” bao gồm các mặt từ lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội đến các vấn đề về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, nhân văn...

Xứ Đông-Hải Dương được xem là một trong tứ trấn bao quanh kinh thành Thăng Long-Hà Nội, là phên dậu che chở cho kinh thành, đồng thời còn là mảnh đất cung cấp những nhân tài, hào kiệt, nhân lực, vật lực, nơi phát tích những làng nghề nổi tiếng ở chốn kinh kỳ ngày nay vẫn còn lưu dấu tích.

Hải Dương đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài làm rạng danh cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Nội đã là nơi kiếm sống của nhiều người Hải Dương, tạo nên các phố nghề như da giày từ người dân Phong Lâm (huyện Gia Lộc), nghề kim hoàn từ Châu Khê và nghề làm lược bí từ Hoạch Trạch (huyện Bình Giang), nghề in khắc gỗ từ Liễu Tràng (huyện Gia Lộc)...

Nhiều trí thức Hải Dương đã lên Thăng Long-Hà Nội dạy học, làm báo, viết văn, các gánh hát chèo, múa rối nước... và đặc biệt là ca trù của các ca nương, kép đàn Hải Dương một thời đã sôi động khu phố Khâm Thiên-Hà Nội./.

Nguyễn Hồng Cường (TTXVN/Vietnam+)