Người xa “Hướng về Hà Nội" trong nỗi "nhớ tơi bời"

Hình ảnh Hà Nội thân thương trong lòng người đi xa (Ảnh: Minh họa)

Trong những ngày Đại lễ tưng bừng, xót lòng những người con xa không về được Hà Nội đang sống trong nỗi nhớ, niềm thương. Người không về được nhưng hồn càng hướng về nhiều hơn. Có những ca khúc đồng hành với họ.

“Thấu chăng lòng khách bơ vơ…”


Những người con của Thủ đô yêu dấu ở đâu đó khẽ hát ca khúc của Hoàng Hiệp “Nhớ về Hà Nội” với “Dù có đi bốn phương trời/ lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Và còn nữa một ca khúc  nữa với tiếng gọi Hà thành đau đáu mà vời vợi không sao về được. Nỗi lòng ăm ắp kỷ niệm: “Ánh đèn giăng mắc muôn nơi. Áo màu tung gió chơi vơi/ Hà Nội ơi, phố phường dải ánh trăng mơ/ Liễu mềm nhủ gió gây thơ/ Thấu chăng lòng khách bơ vơ…”

Trong những ngày này, phố phường rộn vang tiếng những ca khúc về Hà Nội hào hùng nhưng cũng có những câu hát thiết nha trong nhung nhớ. Sự tự nhiên, rộn ràng, hiếu khách là một tính cách của người Hà Nội. Nhưng còn một tính cách nữa mang tính truyền thống hơn, sâu sắc hơn đó là những lãng mạn, thiết tha, hoài nhớ!

Phóng viên Vietnam+ đã tìm đến thăm nhạc sĩ Hoàng Dương - tác giả của ca khúc lãng mạn với nguồn cảm hứng nói trên về Hà Nội. Bước vào không gian rất Hà Nội trong gia đình ông, chúng tôi hiểu được một chất Hà Nội thấm sâu từ trong “nếp nhà.”

Hơn nửa thế kỷ trước, trong tiếng bom đạn và những bộn bề lo toan của người dân tản cư, nhạc sĩ Hoàng Dương đã cầm bút viết lên những dòng đầu tiên của bài hát “Hướng về Hà Nội.”

Bài hát đã được thể hiện qua rất nhiều giọng hát nổi tiếng như Ngọc Bảo, Lê Dung, Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Hồng Nhung, Quang Dũng, Nguyên Thảo… Dù qua giọng hát của ca sĩ nào, phong cách nào thì ở đó, người nghe vẫn cảm nhận được trọn vẹn những cảm xúc, tâm tình của người trai trẻ ngày ấy với trái tim cháy bỏng hướng về Thủ đô.

Nhạc sĩ Hoàng Dương đã kể lại: “Tôi nhớ đêm đó, khi đang túc trực tại nhà một người dân ngoại thành Hà Nội. Tiếng súng, tiếng pháo bên kia thành phố dội vào. Hà Nội đang bị cày xới bởi bom đạn của kẻ thù. Hòa bình như đang xa xôi lắm. Vừa mong đến ngày chiến thắng, lại nhớ tới hình bóng người con gái Hà Nội… Biết bao giờ gặp lại. Cảm xúc đến tự nhiên, dạt dào nên tôi sáng tác liền một mạch trong tình cảm tự đáy lòng mình.”

"Hà Nội ơi... biết người có nhớ nhung chi…"

Với lòng người dân Hà Nội đang sống giữa lòng thành phố của mình, vui hội, bận rộn cùng những nỗi niềm và ao ước. Nhưng ngay đỉnh của niềm vui dường như tiếng lòng đã cất lên những lời tha thiết: “Hà Nội ơi, những ngày vui đă ra đi/ Biết người có nhớ nhung chi...”

“Hà Nội của nhạc sỹ Hoàng Dương là một người tình”, đó là nhận xét của nhà thơ Ý Nhi. Qua bài hát, nhạc sĩ đã vẽ một Hà Nội rất thật. Một Hà Nội “tả tơi hoa lá”. Nhưng đâu phải chỉ có mất mát, đau thương, Hà Nội còn là niềm tin, là hi vọng của tất cả thanh niên Thủ đô hồi đó. Chúng tôi còn mong ngày “hồng tươi hoa lá” sẽ đến. Và nó đã đến đúng như mong đợi.

Bài hát mang vẻ đẹp đậm chất của người thành phố. Nhưng nó cũng là một bài hát mang đậm chất lãng mạn quá. Nhạc sĩ Hoàng Dương kể lại ông nhớ nhất là cuộc gặp gỡ với tác giả bài thơ “Tây Tiến”. Nhà thơ Quang Dũng đã ôm chầm lấy và bảo: “Cảm ơn Dương!” Đó là sự đồng điệu của tác giả "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" và cũng là nỗi niềm của Nguyễn Đình Thi trong hoài niệm mùa thu xa Hà Nội: "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"...

Nhạc sĩ tâm sự: “Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng từ sự lãng mạn của cha mình [danh nhân văn hóa Hà Nội, nhà thơ, nhà báo Trúc Khê Ngô Văn Triện - PV]. Thời tôi còn trẻ, cha tôi làm báo ở Hà Nội, cuối tuần lại về Từ Liêm với vợ và các con. Hồi đó, nhà nghèo nhưng ông vẫn cho đắp một ngọn núi gọi là Ngô sơn, và đào một hào nước chảy gần bên gọi là Đỗ Thủy (mẹ tôi họ Đỗ)".

Ông bồi hồi kể tiếp: “Tại đó, cha tôi đã cùng những người bạn như Tản Đà, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư… ngắm trăng thưởng rượu, bình thơ văn.”

Và những buổi sinh hoạt văn thơ như thế cộng với kho sách vở trong nhà với những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, cho đến Verlaine, Lamarrtine, Baudelaire… đã ảnh hưởng nhiều đến tâm hồn và con đường đi sau này của người nhạc sĩ tài hoa lãng tử Hà thành - Hoàng Dương.

Toát lên chất người Hà Nội tài hoa

Nhạc sĩ Hoàng Dương đã đóng góp lớn cho sáng tác khí nhạc, nhưng ông viết còn là tác giả của nhiều ca khúc trữ tình như “Tiếc thu,” "Cô đơn,“ "Tiếng mưa rơi,” “Tiếng hát anh tìm em,” “Bài ca mùa xuân” …

Đó là gần 50 ca khúc thật trữ tình lắng sâu chứ không phải chỉ có “Hướng về Hà Nội”, “Tiếc thu” như một số người ngỡ vậy. Lại càng không phải chỉ là những lời buồn thương. Trong “Tình khúc mùa xuân” nhạc sĩ Hoàng Dương viết: “Xuân đang đến ngất ngây trên môi cười/ Chim én bay đùa trong nắng chơi vơi/ Xôn xao hoa lá sắc hương dâng cho người…”
 
Hoàng Dương là một nghệ sĩ đàn cello, người có công xây dựng bộ môn cello, khoa đàn dây tại Nhạc viện Hà Nội. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước, được nhận danh hiệu nhà giáo nhân dân, đươc phong Phó giáo sư âm nhạc… nhưng tâm hồn của người nghệ sĩ sáng tác cứ phảng phất từ ánh mắt, nụ cười của ông và toát lên chất người Hà Nội tài hoa.

Và giai điệu mượt mà và thổn thức của nhạc sĩ thưở nào gửi về Thủ đô đã làm lay động bao thế hệ. Lời quyện với nhạc mang sức cuốn hút đến lạ kỳ: "Những ngày thơ ấu trôi qua/ Mái trường phượng vĩ dâng hoa”. Cái nhớ riêng hòa với cái nhớ chung thành một Hà Nội hiện lên lung linh, một Hà Nội "Một ngày hồng tươi hoa lá/ Hát câu tình ca/ Nói lên lời thiết tha.”

Tình yêu bất hủ, “Hướng về Hà Nội” vừa là một khúc tình ca vừa là tiếng lòng của muôn người con xa nhớ Hà Nội.

Cũng là tiếng tâm hồn mỗi người sống giữa Thủ đô mà lòng lại nhung nhớ chính mình trong những ngày đẹp, ngày buồn đã qua.

Thế nên trong và cả sau những ngày hội của Hà Nội thì ca khúc viết bằng nỗi nhớ của Hoàng Dương vẫn là những thanh âm quý giá./.


Nguyễn Anh (Vietnam+)