Người nối mạch nguồn cho những khúc dân ca

(Ảnh minh họa: Interrnet)

Sinh ra ở một trong những cái nôi của vùng dân ca Hà Nam đặc sắc - vùng ngã ba sông Móng, ngay từ  nhỏ, Phạm Trọng Lực đã trót đam mê và rồi đeo đẳng cái nghiệp sưu tầm, biên soạn, giới thiệu về vốn quý dân ca đến gần suốt cuộc đời.

Bằng cái lối vừa nói, vừa đàn hát, vừa giảng giải về từng ca từ, làn điệu, ngữ nghĩa của ông Lực mà vẻ đẹp lấp lánh của những miền dân ca cứ dần hé lộ, toả sáng, ngân vang trong mỗi người. Nhiều người chẳng biết gì về dân ca, gặp ông rồi cũng đâm mê dân ca.

Trót đam mê với nghiệp dân ca

Năm 1962, từ quê hương Bình Nghĩa, huyện Bình Lục (Hà Nam), anh thanh niên yêu văn nghệ Phạm Trọng Lực "chạm ngõ" làng chèo. Năm 1965 đến 1982, ông là nhạc công sáo của Đoàn chèo Nam Hà, rồi nhạc trưởng, kiêm phó trưởng đoàn Đoàn chèo Hà Nam Ninh.

Ngần ấy năm gắn bó với nghề làm nhạc chèo, vốn hiểu biết về dân ca càng nhiều lên càng hối thúc trong ông về ý định tìm hiểu, sưu tầm, biên soạn có hệ thống những miền dân ca quê hương để lưu truyền phổ biến sâu rộng cho quần chúng yêu thích dân ca.

Năm 1982, khi đã có thể bàn giao công việc ở đoàn nghệ thuật chèo, ông bắt đầu thực hiện ý định hằng ấp ủ của mình. Ông thường xuyên tìm về Đền Trúc (huyện Kim Bảng, Hà Nam), có khi cả tháng trời để tìm hiểu, sưu tầm, biên soạn hát dậm Quyển Sơn.

Sau khi ghi lại được tư liệu về ca từ, giai điệu và những trình thức múa vốn rất nghiêm ngặt của hơn 30 làn điệu hát dậm, ông lại vội vàng lặn lội về vùng Cầu Không, Cầu Tróc (huyện Lý Nhân, Hà Nam) tìm vốn quý của những làn điệu Lả Lê, rồi về vùng ngã ba sông Móng làm thức dậy những câu hát giao duyên say đắm lòng người.

44 năm công tác, 64 tuổi đời, ông mới nghỉ hưu với đúng cái nghĩa "nhận sổ, lĩnh tiền hàng tháng" (theo cách nói vui của ông). Đó cũng là lúc các tuyển tập "Dân ca Hà Nam" tập một, tập hai lần lượt ra đời.

Nhờ những tuyển tập quý giá ấy, nên bây giờ không chỉ trong tỉnh Hà Nam, mà ở nhiều tỉnh bạn những làn điệu dân ca của đồng chiêm trũng đang ngày càng được tôn vinh, nhân rộng.

Làm thức dậy những câu hát giao duyên

Về hưu đã được ba năm, nhưng dường như chưa bao giờ ông nghỉ trọn được một tháng. Nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian hơn cho những dự định dở dang của mình. Có những đêm ông lặn lội ở mãi tận Lý Nhân để thực hiện xong một cảnh quay cho làn điệu dân ca mới phát hiện.

Có những kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng, ông bám cơ sở cả tháng trời, dạy cho những hạt nhân văn nghệ quần chúng từ chỗ "một nốt nhạc bẻ đôi không biết" đến khi biết hát ngọt, múa thạo, tự tin đứng trên sân khấu mới thôi.

Mới đây, ông vừa hoàn thành việc dàn dựng ghi hình tư liệu cho hát múa trống quân Làng Chẩy (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, Hà Nam), qua nững chuyến đi thực tế đạm bạc với bát nước vối, manh chiếu trải vội, gói mỳ ăn liền hay bữa cơm rau dưa cùng gia chủ.

Có những đêm đông giá rét, nơi đình làng một miền quê nào xa lắc, ông quây quần cùng bà con say sưa dàn dựng những lớp hát múa dân ca để mong đến ngày được tôn vinh, được lưu giữ cho nhiều người, nhiều thế hệ.

Nhiều người gọi ông bằng thầy - "thầy Lực" với cái nghĩa thầy dạy đàn hát dân ca. "học trò" của ông có khi là những lão ông, lão bà, có khi là những đám trai gái làng quê đáng tuổi con, tuổi cháu, có khi là những bác nông dân, diễn viên chuyên nghiệp và có khi cả những nghệ sĩ đã thành danh... vì yêu mến dân ca mà theo học.

Những làn điệu dân ca quê hương khi được "tay ông" dàn dựng, cũng vẫn nhạc ấy, lời ấy và dù qua chất giọng mộc mạc, chân chất của những hạt nhân văn nghệ "kịch xóm, chèo thôn" trở nên hấp dẫn.

Có người hỏi tại sao "thầy Lực" lại có thể thanh thản, vô tư đến thế - thanh thản vô tư đến độ chẳng tính toán thiệt hơn cho những việc làm của mình, ông tâm sự chỉ vì ông quá yêu, quá ngưỡng vọng vẻ đẹp lộng lẫy, linh thiêng của những miền dân ca...

(TTXVN/Vietnam+)