Phố Đội Cấn

Khách sạn La Thành nằm trên đường Đội Cấn. (Ảnh: 1.000 năm Thăng Long)

Kinh Đô xưa có Đông Hòe Tây Liễu. Hà Nội đang vào dịp kỷ niệm nghìn năm. Hòe Nhai còn đó phố xưa. Liễu Giai còn đây phố mới, mang tên Đội Cấn.

Mấy chục năm hoang vu ruộng rau, vườn thuốc, ao bèo, bờ tre lối đất, kém 140 thước tây thì tròn ba cây số, phố Đội Cấn một đầu là nhà nghỉ chân cho khách hành hương vào Lăng viếng Bác Hồ, còn đầu kia gặp con đê La Thành Cống Vị với cái dốc cao có thể làm chỗ tập lái xe hơi, nếu ta lên dốc đi men mặt đê một chút, mấy chục năm trước còn cái “Đấu đong người,” chỗ mờ sáng người cai cơ cho các chú tập binh vào đây mà đếm bao nhiêu đầu để nhân lên số lính đi canh gác đô thành.

Phố Đội Cấn còn có cái sân bầu dục to rộng gọi là sân Quần Ngựa hoang phế mấy chục năm cỏ mọc giữa mạn Tây Bắc Thủ đô.

Đây là vùng đất cổ, từng có người con gái Trần Thị Tường mới lên 9 đã theo Lý Thường Kiệt đi đánh giặc sau được phong là Ngọc Hoa Công Chúa, cũng là chỗ người con trai họ Hoàng bên làng Lệ Mật Gia Lâm nhờ cứu công chúa con vua mà được đất, mở ra mười ba cái trại (thập tam Trại) đời đời ngày giỗ tổ, trai thanh gái lịch mở hội về bên kia sông cái Nhĩ Hà thăm quê cha có nghề bắt rắn lừng danh.

Mười năm đổi mới, phố Đội Cấn rộng dài thêm, tấp nập, hòa mình vào sôi động thị trường, dù vẫn mang hình hài con phố hình xương cá mở ra hàng chục con ngõ rẽ vào các ngả, nào sang Vạn Phúc phía Giảng Võ, nào dẫn đến làng hoa Ngọc Hà Hữu Tiệp, có những phiên chợ họp đêm trong sương để gà gáy hoa trảy vào Hà Nội.

Gần cuối phố Đội Cấn, có nhiều khu nhà tập thể, có tòa soạn báo Thanh tra, có khu cán bộ Chính Phủ, nếu không hỏi kỹ tên nhà, tên phòng thì khách có thể lạc đường trước bao dãy nhà giống nhau về dáng đồ sộ, về nét kiến trúc, về màu vôi tường, về những ban công hoa leo hay cửa sắt kéo.

Khách sạn và nhà hàng, cờ treo cùng biểu tượng phố Đội Cấn không còn là vườn thuốc ruộng rau khoai với những ngôi chùa cổ kính im lìm heo hút như chùa Bát Tháp, nhà thờ Liễu Giai mà nghe nói chính chùa Bát Tháp từng có tên là chùa Chân Giáo, nơi vua Huệ Tông nhà Lý bị bức tử năm 1226 dưới tay Trần Thủ Độ(?), và nhà thờ Liễu Giai trong thời kháng chiến bị biến thành nơi giam cầm các chiến sĩ yêu nước chống Pháp, nay đang là một khách sạn bề thế rất trần gian tục lụy chứ không còn là nơi hồi chuông tôn giáo vang vọng sớm hôm.

Mặt đường phố Đội Cấn không rộng, nườm nượp người xe ngày đêm tưởng như nó phải gồng mình lên vì quá tải, giống như nhiều con đường khác của một Hà Nội vươn mình trong cái thế gò bó vì đất hẹp.

Đội Cấn là ai mà được lấy tên đặt cho một đường phố Thủ đô? Hình như tên thật và quê quán của ông ít người nhớ tới mà thường nhớ đến tên ông người ta liên tưởng ngay đến Thái Nguyên, một vùng đất cổ có sông Công, sông Cầu phát tích, từng là chiến khu Việt Bắc, là một cái nôi của ngành gang thép Việt Nam, nơi có những ngọn đồi như lưng những con cá voi bị san lấp để mở ra một khu công nghiệp đầu tiên non trẻ Việt Nam.

Đội Cấn tên thật là Trịnh Văn Cấn còn gọi là Trịnh Văn Đạt, người xã Vũ Di Vĩnh Phú, đăng lính khố đỏ và được phong chức Đội (tương đương trung sĩ hiện nay) chỉ huy một đội lính khố đỏ đóng đồn tại thị xã Thái Nguyên.

Nếu chỉ có thế thì con người này đã mục nát với cỏ cây biến thiên suốt một thế kỷ nước non ngàn cân treo sợi tóc. Ông thành nhân và thành danh, được cả nước nhớ tới chính vì trái tim yêu nước thương nòi, tấm lòng quả cảm, được Lương Ngọc Quyến lúc ấy giác ngộ, Đội Cấn đã đứng lên khởi nghĩa, diệt tên giám binh, cướp đồn vào đêm 30 tháng 8 năm 1917, trước cả khởi nghĩa Yên Bái và Nguyễn Thái Học, trước cả phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930.

Lùi lại quá khứ, hồi tưởng thế kìm kẹp của thực dân Pháp vừa bình định đất Bắc, ta càng khâm phục con người dám đem trứng chọi với đá, không sợ đầu rơi máu chảy.

Mà quả như vậy, giặc Pháp đem quân đàn áp với lực lượng quá chênh lệch, ông phải rút quân ra ngoài thị xã vào đêm 5/9/1917, và cuối cùng để khỏi rơi vào tay giặc ông đã tự sát trên đất Vĩnh Phú vào ngày 11/1/1918. Cuộc khởi nghĩa chỉ tồn tại mấy ngày, và nói đúng hơn, mấy tháng, nhưng dòng tên Đội Cấn còn mãi là dòng son trong lịch sử dân tộc.

Thì ra đâu phải chức cao tước lớn giàu có và sang trọng mới đáng được lưu danh thiên cổ. Có nhà hiền triết đã nói: “Chỉ những ai dám sống và chết cho nhân dân thì mới sống mãi với nhân dân” có lẽ còn rất đúng với con người tài nhỏ nhưng chí lớn Đội Cấn của Thái Nguyên mãi mãi.

Một lời bài hát Văn Cao đã viết: “Bắc Sơn, Nam Kỳ cùng Đô Lương Thái Nguyên” chính là nhắc đến cuộc khởi nghĩa ngắn ngủi lừng danh trên đất Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo cách đây hơn tám mươi năm, đã tạc vào lòng dân tộc tấm gương vì dân cứu nước của con người do hoàn cảnh phải đi lính cho Pháp nhưng đã dám đứng lên khởi nghĩa chống pháp mong cứu nước cứu dân.

Cũng chưa rõ các thành phố nào trên toàn cõi Việt Nam, có những con đường phố mang tên ông, nhưng Hà Nội và chắc chắn Thái Nguyên, tên ông ngày ngày được nhắc đến với bao thiết tha, ngưỡng mộ./.

(Theo Thú ăn chơi người Hà Nội, Băng Sơn/Vietnam+)