Phố Trần Văn Cẩn

Phố Trần Văn Cẩn dưới nắng Thu. (Ảnh: Trần Hương)

Hà Nội từng được biết đến khu phố cổ với kiểu nhà chồng diêm, mái ngói thâm nâu. Đó là một Hà Nội xưa, Hà Nội bây giờ đổi thay nhiều lắm. Hà Nội đẹp bên khu phố cổ nhưng cũng đẹp cùng với khu phố hiện đại.

Trần Văn Cẩn là một phố như thế, một phố mới mang dáng dấp của cuộc sống mới mẻ hiện đại.

Nép mình dưới tán lá xanh mướt trong khu đô thị Mỹ Đình, con phố mang tên một danh họa nổi tiếng của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20, cố họa sỹ Trần Văn Cẩn.

Phố Trần Văn Cẩn dài 500m, chạy dọc từ tòa nhà CT5 ĐN4 phố Nguyễn Cơ Thạch đến giáp chùa thôn Phú Mỹ. Phố rộng, hai bên vỉa hè thoáng ngập dưới màu xanh cây lá. Nhẩn nha trên phố để tận hưởng cảm giác thanh bình, tản mạn về đời người họa sỹ.

Nhắc đến tên ông, công chúng yêu nghệ thuật nhớ ngay tới bức sơn dầu "Em Thúy." Bức tranh có gì đó khơi gợi bí ẩn kiểu “Mona Lisa” của Da Vinci. Tuy nhiên không phải ai cũng biết, cùng với họa sỹ Bùi Trang Chước, ông còn là đồng tác giả của mẫu Quốc huy Việt Nam.

Với trái tim rất nhạy cảm với hiện thực và cái đẹp của cuộc sống mới, thời gian rảnh rỗi công việc giảng dạy hoặc việc đoàn thể, ông hay đi vẽ ở vùng biển, đồng bằng và vùng sơn cước, cho nên nhân vật trong tác phẩm của ông rất sinh động.

Ngoài "Em Thúy," ông còn rất nhiều tác phẩm tiêu biểu như "Gội đầu" (khắc gỗ), "Xuống đồng" (lụa), "Tát nước đồng chiêm" (sơn mài), "Nữ dân quân vùng biển" (sơn dầu). Nhiều tác phẩm của họa sỹ Trần Văn Cẩn đã một thời đi sâu vào lòng người như "Bác Hồ qua suối Pắc Bó" (sơn mài), "Ráng chiều trên đèo Nai" (lụa), "Mùa đông sắp đến" (lụa), "Tiến sâu vào lòng đất" (sơn mài), "Phong lan" (sơn dầu).

Ông được đồng nghiệp ngưỡng mộ suy tôn trong “bộ tứ họa sỹ” lừng danh thời ấy là “nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn).

Ông là một trong những họa sỹ đầu tiên được trao giải thưởng Hồ Chí Minh và được đánh giá là họa sỹ lớn có công với sự nghiệp phát triển nền mỹ thuật Việt Nam.

Vì thế, con phố mang tên ông cũng như một bức tranh với gam màu tươi tắn với màu xanh cây lá, màu đỏ mái ngói, đủ các màu sơn ở những ngôi biệt thự hiện đại thấp thoáng dưới bóng ngọc lan, móng rồng. Phong cảnh hài hòa, thư thái. Dường như không một tiếng ồn ào, ta nghe như chỉ có tiếng bước chân mình trên lá khô xào xạc.

Đâu đó tiếng trống trường giục giã, tiếng trẻ nô đùa dưới nắng ban mai, chợt nhận ra một ngôi trường mới khang trang, sạch sẽ. Đó là trường Tiểu học dân lập mang tên nữ sỹ Đoàn Thị Điểm. Ngôi trường đã giáo dục và đào tạo bao thế hệ học sinh vững vàng kiến thức, giỏi ngoại ngữ, tạo nguồn nhân tài cho các trường năng khiếu. Trường luôn là điểm sáng của giáo dục Hà Nội.

Đi một quãng, tiếng chuông chùa văng vẳng trong ngôi chùa thôn Phú Mỹ bên đường khiến ta nhẹ lòng. Trong chùa bốn mùa cây cối xanh tươi, dáng vẻ chùa vẫn cổ xưa với vòm mái cong cong rêu phủ nhẹ nhàng. Ta như quên đi thực tại ồn ào, náo nhiệt, tâm hồn du ngoạn tới cõi tâm linh. Một âm thanh đẹp, tuyệt vời và mầu nhiệm khiến cho ta mỉm cười và mở rộng yêu thương.

Lắng lòng nghe lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.../.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)